Cấp thiết rà soát chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Chính sách chưa sát thực tế
Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh, thời gian gần đây Chính phủ và chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ quan trọng. Trong đó, có những chính sách thiết thực, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp như các chính sách về lãi suất, thuế, phí, lệ phí… Được biết, trên địa bàn thành phố đang triển khai thực hiện 38 chính sách hỗ trợ của Trung ương và 17 chính sách đặc thù của địa phương. Trong số các chính sách đặc thù do thành phố ban hành để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hiện nay có 15 chính sách đang tiếp tục được triển khai thực hiện và 2 chính sách đã hết hiệu lực.
![]() |
Trên địa bàn Đà Nẵng đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp |
Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ đã đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp ở địa phương. Từ đó, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19, khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh. Đơn cử, chính sách hỗ trợ giảm tiền sử dụng hạ tầng năm 2021 cho doanh nghiệp thuê đất, thuê lại đất trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng và các khu công nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 63/NQ- HĐND của HĐND thành phố đã hỗ trợ cho 342 doanh nghiệp với số tiền 26,4 tỷ đồng.
Tương tự, chính sách khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch TP. Đà Nẵng theo Nghị quyết số 324/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố đã thực hiện hỗ trợ 8,12 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại của thành phố theo Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND của UBND thành phố đã thực hiện hỗ trợ trên 9,33 tỷ đồng; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn Đà Nẵng theo Nghị quyết số 18/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố đã hỗ trợ 72 lượt doanh nghiệp với tổng kinh phí trên 8,5 tỷ đồng…
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, HĐND TP. Đà Nẵng cũng đã quyết định thành lập đoàn giám sát chuyên đề về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Mục đích của đoàn giám sát là để đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn.
Trên thực tế tại địa phương, bên cạnh những kết quả đạt được, một số chính sách triển khai chưa hiệu quả hoặc triển khai trễ; quy định về điều kiện, đối tượng hỗ trợ còn phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện thụ hưởng; một số chính sách còn vướng mắc trong khung pháp lý. Bên cạnh đó, các quy định để được hỗ trợ còn phức tạp, nhiều thủ tục, tiêu chí khắt khe khiến doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận. Đặc biệt, trong quá trình triển khai chính sách có một số nội dung hỗ trợ không còn phù hợp với thực tiễn hoặc không còn phù hợp với quy định…
Đơn cử, theo ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thời gian xử lý kiến nghị của doanh nghiệp cần được đẩy nhanh. Đặc biệt, hiện có rất nhiều doanh nghiệp hội viên của hiệp hội bức xúc về vấn đề thiếu mặt bằng để triển khai dự án mới hoặc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Dù trước đó, thành phố có quyết định về giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp tại một số khu công nghiệp.
Cấp thiết rà soát lại
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế nhất định. Nguyên nhân do một số chính sách hỗ trợ quy định khá phức tạp, gây khó khăn cho các đối tượng thụ hưởng khi xác định nội dung và mức hỗ trợ; một số chính sách có hiệu lực thi hành trễ dẫn đến chưa kịp thời giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp; hoặc chính sách còn gián đoạn, chưa được thực hiện một cách liên tục.
Tương tự, theo bà Phan Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND TP. Đà Nẵng, dù trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng các chính sách này ở nhiều ngành, lĩnh vực khiến doanh nghiệp khó tiếp cận, cần phải tích hợp lại. Đơn cử, như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung ương có nhiều nội dung từ hỗ trợ lãi suất, đào tạo nhân lực, đổi mới sáng tạo, xúc tiến thương mại. Tại địa phương có những chính sách hỗ trợ đặc thù, ở các ngành, lĩnh vực khác nhau. Cùng là đối tượng doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ nhưng phải tiếp cận chính sách ở các đầu mối, chính sách khác nhau, gây ra nhiều khó khăn, làm giảm hiệu quả của chính sách, vì vậy cần tích hợp lại.
Trước tình hình trên, mới đây tại cuộc họp giám sát chuyên đề về triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố do đoàn giám sát HĐND TP. Đà Nẵng tổ chức, ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách HĐND thành phố đã đề nghị cần rà soát lại các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang triển khai trên địa bàn thành phố. Theo đó, chính sách nào của Trung ương đang áp dụng, mức độ thụ hưởng của doanh nghiệp thế nào, có bất cập gì không, cần kiến nghị điều chỉnh những gì? Chính sách hỗ trợ đặc thù của địa phương cũng cần phải có rà soát, đánh giá cụ thể.
Ông Trần Phước Sơn cũng đề nghị, trên cơ sở rà soát, đánh giá các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lần này, cần đề xuất HĐND thành phố ban hành một chính sách mới tích hợp các chính sách hướng tới mục tiêu cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm đến 98% tại Đà Nẵng. Đây là chính sách bao trùm các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ hỗ trợ lãi suất, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp… Để làm được điều này, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng UBND thành phố cần tham mưu cho lãnh đạo UBND thành phố có phương pháp đánh giá chính sách phù hợp. Các đơn vị cố gắng hoàn thiện, điều chỉnh báo cáo sớm nhất để HĐND thành phố có cơ sở ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
