Làm kế toán ngân hàng vùng địch hậu
![]() |
Ảnh minh họa |
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vùng tả ngạn sông Hồng, do một mặt giáp biển, mặt phía sau thì có sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa án ngữ, nên việc giao lưu, đi lại rất khó khăn. Do đó, việc báo cáo tình hình tổ chức chỉ đạo công tác kháng chiến của từng tỉnh với Trung ương và tiếp nhận chủ trương chính sách của Trung ương đối với địa phương luôn gặp nhiều trở ngại, thiếu kịp thời, không thực tế.
Để khắc phục điều này, Trung ương Đảng và Chính phủ chủ trương thành lập Khu Tả ngạn, bao gồm các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An (Hải Phòng), để chỉ đạo mọi mặt công tác kháng chiến trong Khu.
Ở cấp Khu, ngoài Khu-ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Khu còn có đầy đủ các ngành ở cấp Khu như: Khu Tài chính, Khu Công thương… Về lĩnh vực ngân hàng, có Ngân hàng Quốc gia Khu Tả ngạn do ông Nguyễn Đức Nhu làm Giám đốc. Tại các tỉnh được thành lập Đại lý Ngân hàng Quốc gia. Ngân hàng Quốc gia Khu Tả ngạn quản lý, chỉ đạo công tác tiền tệ, tín dụng và ngân hàng tại các Đại lý Ngân hàng Quốc gia tỉnh, thành phố trong Khu.
Các cơ quan cấp Khu đóng trụ sở trên đất Thái Bình, phía Bắc của đường số 10, nối hai thành phố Nam Định - Hải Phòng. Giặc Pháp tuần tra ngày đêm, chia cắt tỉnh Thái Bình thành hai khu vực Nam – Bắc rõ rệt.
Các cơ quan đơn vị của tỉnh Thái Bình đóng tại trụ sở chính ở phía Nam nhưng đều có một bộ phận II ở phía Bắc đường số 10. Đại lý Ngân hàng Quốc gia tỉnh Thái Bình cũng thành lập “Bộ phận Bắc” do ông Trần Văn Thảo phụ trách.
Bộ phận này đóng tại huyện Hưng Nhân, cũng thực hiện các chức năng về tiền tệ tín dụng ngân hàng như tại trụ sở chính tại phía Nam, nhưng chỉ theo hình thức “báo sổ”.
Hàng tháng, vào các ngày 15 và 30, “Bộ phận Bắc” lập bảng kê các chứng từ thu chi tiền mặt, có ghi tồn quỹ đầu kỳ, cuối kỳ, kèm theo chứng từ gốc gửi về trụ sở Đại lý Ngân hàng tỉnh ở phía Nam.
Ngân hàng Quốc gia Khu Tả ngạn đóng trụ sở tại huyện Hưng Nhân phía Bắc tỉnh Thái Bình, có hoạt động tiền tệ tín dụng và ngân hàng lớn hơn, nhưng không hạch toán riêng mà cũng thực hiện phương pháp “báo sổ”, như một đơn vị phụ thuộc của Đại lý Ngân hàng Thái Bình (tương tự “bộ phận Bắc” của Thái Bình).
Hàng tháng, vào ngày 15 và 30, Đại lý Ngân hàng tỉnh Thái Bình (trụ sở tại phía Nam tỉnh Thái Bình) tổng hợp số liệu hoạt động của bản thân Đại lý Ngân hàng tỉnh, của “Bộ phận Bắc” và của Ngân hàng Khu Tả ngạn; lập bảng cân đối tài khoản kế toán theo chế độ kế toán chung của Ngân hàng Quốc gia ban hành.
Công việc nhiều và phức tạp nên cứ định kỳ, 3 tháng một lần, anh em cán bộ giữa Ngân hàng Khu, Ngân hàng tỉnh và “Bộ phận Bắc” đều tổ chức đối chiếu số liệu giao dịch giữa các bên với nhau, phát hiện sai sót và điều chỉnh kịp thời.
Vì vậy, khi kết thúc chiến tranh, hòa bình lập lại, các phát sinh liên quan đến giao dịch giữa các đơn vị trong thời kỳ kháng chiến đều được giải quyết, thanh lý triệt để, chuẩn bị thi hành chế độ kế toán chung của Ngân hàng Nhà nước trong thời bình.
Tin liên quan
Tin khác

Giá trị tư tưởng và ý nghĩa hiện thực của một bức thư lịch sử

Đức và tài phải là chỉnh thể thống nhất

Đạo đức cách mạng của cán bộ ngân hàng

Đi tìm tác giả vẽ “con trâu xanh” trên tiền Việt Nam Dân chủ cộng hòa

Thăm nhà lưu niệm cố Tổng giám đốc Hoàng Anh

Nhà máy in tiền quốc gia: Dấu ấn một thời

Ngành Ngân hàng Tuyên Quang: Nét son trong hành trình phát triển ngành Ngân hàng

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền Việt Nam

Tổng Bí thư: Tiếp tục nỗ lực làm tốt vai trò huyết mạch nền kinh tế
