Kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới
Kinh tế số - điểm tựa bứt phá
Theo PGS.TS.Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, dù nhiều nền kinh tế phát triển vẫn đang vật lộn với đại dịch Covid-19 và không tăng trưởng như Việt Nam, nhưng họ vẫn sẽ đứng dậy được sau dịch và có thể bứt phá ngoạn mục nhờ nền tảng doanh nghiệp và nền tảng công nghệ tốt.
Đặc biệt đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân toàn cầu và được xem như một chất xúc tác thúc đẩy kinh tế số phát triển. Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bùng nổ và không chỉ lĩnh vực bán lẻ, tiến trình số hóa cũng đang diễn ra mạnh mẽ tại mọi ngành, mọi lĩnh vực khác trong đời sống. Thực tế đó đòi hỏi các doanh nghiệp cũng phải thay đổi để có thể thích ứng với tình hình mới.
Vì vậy, “việc phải bàn là nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng dậy thế nào, khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt và cơ hội cải thiện năng lực, cơ hội hồi phục nền kinh tế theo cấu trúc mới, năng lực mới đang mở ra. Đây sẽ là trách nhiệm, là phần việc vô cùng nặng nề của nhiệm kỳ Chính phủ mới ngay trong năm nay”, ông Thiên nói.
Bởi vậy theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, trạng thái “bình thường mới” chính là thay đổi những cách thức cũ để phát triển ổn định, bền vững. Điều đó đòi hỏi chúng ta có tiếp cận các vấn đề cải cách một cách sâu hơn; nhìn nhận rõ những điểm yếu cũng là điều tích cực để có những chính sách thay đổi phù hợp trong điều kiện “bình thường mới”. “Bình thường mới” còn là cơ hội “thay máu” bơm dần luồng máu mới, là công nghệ, là sáng tạo để nền kinh tế hồi sinh theo cấu trúc mới, dòng máu mới này đến từ sự dịch chuyển của dòng vốn thế giới và cơ hội của Việt Nam và đến từ các doanh nghiệp của nền kinh tế số, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Điểm thuận lợi là trong lúc cả thế giới khó khăn đã khiến Việt Nam nổi lên như là một điểm đến đầy hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là có hội để Việt Nam có thể chọn lọc các dự án FDI lớn, có hàm lượng công nghệ cao, có các cam kết phát triển phù hợp và có sức lan tỏa tốt tới nền kinh tế.
Cải cách thể chế phải đi trước
Đồng quan điểm này, giới chuyên gia cho rằng, đây là lúc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải xem xét, phân tích kỹ Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. “Lâu nay chúng ta thu hút FDI chỉ dựa vào ưu đãi về thuế và đất đai, chuẩn bị khu công nghiệp… tức mới chỉ chuẩn bị “phần cứng” mà không chuẩn bị “phần mềm”. Trong khi ta cần ưu đãi “phần mềm” với thể chế tốt”, một chuyên gia nhận định.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, thời điểm này cũng là lúc các chính sách thể chế hóa Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phải được hoàn thiện, ban hành. Đặc biệt theo PGS.TS. Trần Đình Thiên: Để đạt được mức tăng trưởng như mong muốn trong điều kiện “bình thường mới”, cần tập trung nguồn lực cho cải cách, tháo gỡ chính sách và phải cần dựa vào năng lực nội địa, dựa vào lực lượng kinh tế trong nước và doanh nghiệp nội địa, khuyến khích hỗ trợ khởi nghiệp và sáng tạo.
Những cải cách được mong chờ là tạo nền tảng, tạo cơ hội để doanh nghiệp lớn lên, là hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo là nếu ta biết mở ra cơ hội thì các doanh nghiệp khỏe sẽ bật dậy sau đại dịch, là có định hướng chính sách đón những tập đoàn lớn lập chuỗi có công nghệ cao…
“Cấu trúc đang thay đổi rất nhanh. Trước đây đất, xi măng, sắt thép… là hạ tầng cho phát triển, thì nay hạ tầng cho phát triển là thông tin, là số… Chúng ta bị tác động, bị cạnh tranh bởi những tập đoàn không hề có hiện diện tại Việt Nam. Người Việt Nam có thể ngồi tại nhà thành lập doanh nghiệp ở Singapore để tận dụng các quy định thuận lợi, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp ở đó. Người Việt Nam có thể làm cho các dự án ở nước ngoài mà không cần ra nước ngoài... Những vấn đề như thế cho thấy thể chế hiện tại của ta chưa tương xứng với cấu trúc của nền kinh tế số nên cần phải có những thay đổi thực sự về bản chất”, ông Thiên nói.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, kỳ vọng của mọi tầng lớp nhân dân rất lớn vào sự thay đổi của cơ chế, chính sách trong điều kiện “bình thường mới” của Chính phủ nhiệm kỳ mới để tiếp tục cải cách thể chế, thay đổi cấu trúc phát triển theo hướng công nghệ, kinh tế số, chuỗi giá trị toàn cầu. Cải cách thể chế giai đoạn này phải thực hiện song song với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và xây dựng thể chế cho cấu trúc thị trường, cấu trúc kinh tế mới, đảm bảo thị trường các nhân tố sản xuất hoạt động theo đúng nguyên lý thị trường.
“Đây đều là những việc khó, nhưng cần phải làm song song, vì nếu không, năng lực của nền kinh tế không thay đổi, sẽ không thể tận dụng các cơ hội từ mở cửa, hội nhập và từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông khuyến nghị.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường carbon từ tầm nhìn chiến lược
