Kinh tế Việt Nam: Tìm lối đi trong khó khăn
Thương mại, đầu tư khó khăn
Tăng trưởng nửa đầu năm chỉ ở mức thấp (tăng 3,72% so với cùng kỳ) và triển vọng bên ngoài tiếp tục xấu đi khiến hầu hết các tổ chức tài chính đều hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay (so với các báo cáo dự báo đưa ra đầu năm). Đơn cử, báo cáo Vietnam At A Glance tháng 7 của HSBC dự báo ở GDP chỉ tăng ở mức 5,0% (từ mức 5,8% đưa ra vào tháng 1); báo cáo Điểm lại của WB công bố ngày 10/8 dự báo ở GDP tăng ở mức 4,7% (tức giảm mạnh so mức 6,3% mà WB đưa ra trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu - GEP vào tháng 1/2023); Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 7/2023 của ADB hạ dự báo tăng trưởng xuống 5,8% (từ mức 6,5% đưa ra trong ADO tháng 4)… Dù các dự báo có điều chỉnh giảm đi nhưng theo các chuyên gia của Nhóm Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường, PwC Việt Nam, trong so sánh với các nền kinh tế khác thì triển vọng kinh tế trong ngắn hạn của Việt Nam vẫn tích cực, vẫn được kỳ vọng là một trong số ít quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh.
Nhìn lại mức tăng trưởng GDP thấp nửa đầu năm 2023, trong khi các khu vực nông nghiệp và dịch vụ đều có xu hướng tích cực, thì khu vực công nghiệp và xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề từ những bất định trên toàn cầu. Tính toán của các chuyên gia PwC Việt Nam cho thấy, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp nửa đầu năm 2023 tăng 0,44% so với cùng kỳ - là mức tăng thấp nhất so cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, qua đó chỉ đóng góp 0,15% vào tốc độ tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Nguyên nhân chính yếu nhất khiến sản xuất công nghiệp khó khăn là hoạt động thương mại hàng hóa (xuất nhập khẩu) giảm mạnh trước thực trạng sức cầu yếu, đơn hàng giảm trong khi chi phí đầu vào vẫn tăng cao.
![]() |
Nửa đầu năm 2023, xuất nhập khẩu đều giảm mạnh |
Báo cáo của PwC Việt Nam lưu ý: “Sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào tháng 1/2007, một đặc điểm đáng chú ý của kinh tế Việt Nam trong thập kỷ qua là sự liên kết chặt chẽ và ngày càng tăng với các nền kinh tế khác, thông qua thương mại và đầu tư. Hai trong số các động lực chính cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế những năm vừa qua là: Mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và Năng lực xuất khẩu của quốc gia”. Nhìn lại nửa đầu năm 2023, xuất nhập khẩu đều giảm mạnh mặc dù vẫn ghi nhận mức xuất siêu trên 12 tỷ USD (xuất siêu chủ yếu do đà giảm mạnh của nhập khẩu). Hầu hết các lĩnh vực đều có xuất khẩu hàng hóa giảm từ 10 - 20% (bình quân giảm 12,1%) trong khi nhập khẩu giảm 18,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu chững lại do
ảnh hưởng bởi sức tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu chính đều giảm (Mỹ giảm 22%, EU giảm 10%, Hàn Quốc giảm 10%, và ASEAN 9% so với cùng kỳ).
Trong khi đó, dòng vốn FDI trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ vẫn giảm 4,3% xét về tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, chỉ cải thiện nhẹ ở vốn thực hiện (tăng 0,5%). Mặc dù các số liệu liên quan đến sản xuất công nghiệp, thương mại và đầu tư đã có sự cải thiện nhẹ trong tháng 7, nhưng mới chỉ là những dấu hiệu ban đầu. Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam đến hết tháng 7/2023, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu, Ngân hàng HSBC nhận định: “Các điều kiện kinh tế không xấu đi, nhưng cũng không được cải thiện rõ rệt. Tin tốt là thương mại - một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam - không có dấu hiệu suy giảm thêm nhưng vẫn chưa cho thấy dấu hiệu rõ rệt của phục hồi. Nói cách khác, Việt Nam vẫn đang phải vật lộn với những rủi ro gia tăng liên quan tới tăng trưởng, đặc biệt là từ chu kỳ thương mại”.
Kỳ vọng vào sức cầu trong nước, đầu tư công
Cũng theo chuyên gia Yun Liu, những thay đổi sớm nhất trong xu hướng thương mại kỳ vọng sẽ diễn ra vào khoảng quý IV tới. “Nhưng sẽ theo hướng ổn định trước rồi mới xuất hiện bất kỳ sự gia tăng rõ rệt nào đối với các lô hàng”, bà Yun Liu dự báo. Nói cách khác, Việt Nam còn phải chịu một chu kỳ suy thoái thương mại kéo dài, đặc biệt là khi hiệu ứng cơ sở không thuận lợi trở nên nghiêm trọng hơn vào quý III/2023.
Tuy nhiên trong bối cảnh còn nhiều thách thức hiện nay, các chuyên gia và tổ chức kỳ vọng những khó khăn trong thương mại và sản xuất công nghiệp sẽ được bù đắp phần nào từ sự ổn định của khu vực nông nghiệp và đà phục hồi tích cực của ngành dịch vụ, đặc biệt liên quan đến tiêu dùng, du lịch trong nước và đón khách quốc tế đến. Nửa đầu năm 2023, khách du lịch đến Việt Nam đã hồi phục 80% so với mức độ hàng tháng của năm 2019, đón tổng cộng 5,6 triệu lượt khách. Riêng tháng 7, đón thêm hơn 1 triệu lượt, nâng số khách quốc tế đến trong 7 tháng lên hơn 6,6 triệu lượt người. Mục tiêu đón 8 triệu khách trong năm nay có thể chạm và vượt ngay trong quý III này.
Bên cạnh đó các chuyên gia cũng cho rằng, bối cảnh lạm phát hạ nhiệt gần đây cũng là một yếu tố thuận lợi cho các giải pháp ưu tiên tập trung cho tăng trưởng. Do đó, cùng với kỳ vọng những tác động tích cực (nhưng có độ trễ) từ các biện pháp kích cầu kinh tế vừa qua, Việt Nam có thể thực hiện thêm các giải pháp bổ sung khác cả từ chính sách tiền tệ và tài khóa để tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng, nhất là phục hồi tổng cầu.
Đặc biệt do dư địa tài khóa còn dồi dào, trong báo cáo Điểm lại vừa công bố WB đề xuất chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo, đảm bảo ngân sách đầu tư năm 2023 được triển khai tốt hơn rõ rệt. “Ngân sách đầu tư công năm 2023 theo kế hoạch (tăng thêm 38% so với cùng kỳ năm trước), nếu được triển khai đầy đủ sẽ nâng đầu tư công lên 7,1% GDP trong năm 2023, so với mức 5,5% GDP dự toán trong năm 2022, với xung lực tài khóa hỗ trợ cho tổng cầu ở mức 0,4% GDP”, báo cáo của WB tính toán. Dù rất kỳ vọng vào động lực hỗ trợ cho tăng trưởng từ đầu tư công nhưng bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cũng lưu ý, để hiệu quả của đầu tư công “tốt hơn rõ rệt” cũng đòi hỏi quyết tâm rất lớn, bởi không chỉ vì quy mô ngân sách bố trí năm nay tăng mạnh mà còn do vẫn có nhiều thách thức trong triển khai, nhất là liên quan đến giải phóng mặt bằng và các cơ chế, thủ tục liên quan.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng rất kỳ vọng, nếu đà tăng nhanh của giải ngân đầu tư công những tháng gần đây tiếp tục được duy trì thì câu chuyện đầu tư công năm nay sẽ rất khác. Khi các giải pháp kích cầu thực sự trúng và phát huy tác dụng giúp giữ đà phục hồi của cầu trong nước; giải ngân đầu tư công tăng mạnh; kết hợp với đó là các cơn gió ngược từ môi trường bên ngoài “giảm cấp” sẽ là cơ hội cho hoạt động sản xuất kinh doanh cả phục vụ thị trường trong và ngoài nước phục hồi, nhờ đó các động lực quan trọng của tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư cũng phục hồi tốt hơn và không loại trừ tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt được ở mức tích cực hơn so với các dự báo gần đây.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường carbon từ tầm nhìn chiến lược
