Kinh tế số: "Chìa khóa" của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới
![]() |
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại tọa đàm |
Tại tọa đàm, các chuyên gia và đại diện lãnh đạo cấp cao đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực thương mại điện tử, giao hàng công nghệ, dịch vụ điện tử và tài chính, truyền thông đa phương tiện... đã trao đổi các xu hướng phát triển mới của kinh tế số Việt Nam; làm rõ những cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số và đổi mới mô hình kinh doanh.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nội dung cốt lõi xác định phát triển kinh tế số là một trong ba trụ cột với mục tiêu cụ thể đến năm 2025 kinh tế số Việt Nam chiếm tỷ trọng 20% GDP và đến năm 2030 chiếm 30% GDP. Những mục tiêu này đã được trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030.
Để thực hiện mục tiêu này, nhiều lĩnh vực đã nỗ lực chuyển đổi số, tận dụng lợi thể gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Ông Nguyễn Thế Quang, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thương mại điện tử đang có những bước tiến mạnh mẽ không chỉ trong kinh doanh phát triển nên nền tảng số mà tất cả các lĩnh vực dịch vụ khác như giáo dục, y tế, văn hóa xã hội.
Là một trong nhóm ngành phát triển nhờ tận dụng lợi thế từ công nghệ, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho biết, thương mại điện tử trong các năm gần đây tăng trưởng 30-35%/năm. Chưa bao giờ thương mại điện tử "bận rộn" như lúc này, đại dịch làm tiến độ phát triển ứng dụng cho thương mại điện tử từ người bán đến người mua rút ngắn lại 1-2 năm so với kế hoạch đến 2025. Đặc biệt, trong chuỗi cung ứng của nền kinh tế thì thương mại điện tử đóng góp một phần rất lớn trong việc lưu thông hàng hoá.
Trong kinh tế số, phát triển thanh toán trực tuyến cũng giữ vai trò quan trọng. Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, ngành Ngân hàng nhận thức rất sớm về vai trò của chuyển đổi số bằng một loạt hành động như cho phép mở tài khoản trực tuyến, triển khai thí điểm Mobile Money để phổ cập tài chính tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vận hành nền tảng thanh toán mới… Trong giai đoạn khó khăn, NHNN đã chủ động chỉ đạo giảm phí thanh toán cho người dân, doanh nghiệp với số tiền gần 2000 tỷ đồng.
Theo khảo sát của NHNN, năm 2020 có 95% ngân hàng đã triển khai hoặc xây dựng kế hoạch chuyển đổi số. Một số ngân hàng tiên phong trong chuyển đối số có đến 90% giao dịch có thể thực hiện được trên nền tảng số như Mobile Banking, Internet Banking; gần 50% nghiệp vụ ngân hàng đã được số. Nhiều ngân hàng đã tăng cường ứng dụng công nghệ như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, công nghệ học máy… giúp tối ưu hóa quy trình, nâng cao trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng.
![]() |
Các nhà quản lý, các chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi tại tọa đàm |
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Tiki, cho rằng kinh tế số được doanh nghiệp nhìn nhận ở ba trụ cột chính sách, công nghệ và người vận hành. Trong những năm qua, doanh nghiệp đã được hưởng những chính sách cởi mở hơn. Nhờ đó, doanh nghiệp đã làm chủ được công nghệ, áp dụng điện toán đám, trí tuệ nhân tạo, thậm chí thử nghiệm rô-bốt trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Hy vọng rằng công nghệ không chỉ được áp dụng trong Tiki mà còn mang lợi ích ích chung cho nền kinh tế số.
Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng nhìn nhận, mặc dù hoạt động kinh tế số tại Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt trong những lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính (Fintech), viễn thông… nhưng vẫn còn phải đối diện với một số khó khăn, vướng mắc như môi trường thể chế và pháp lý chưa chặt chẽ, đồng bộ; cơ sở dữ liệu và kết nối dữ liệu chưa đầy đủ; các hình thức kinh doanh mới phát triển nhanh làm cho các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong quản lý các hoạt động kinh tế số. Đây là những rào cản đối với phát triển kinh tế số cần được nhanh chóng tháo gỡ.
Qua trao đổi, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất, khuyến nghị những chính sách cụ thể như: xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số; cải cách và số hóa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp. Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích và thúc đẩy mạnh việc thanh toán điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số; đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ, tạo cơ hội thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới.
Ngoài ra, tăng cường triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo phổ cập kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, kinh tế số trong ngành, địa phương mình; Đẩy mạnh chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực ưu tiên, với phương châm chuyển đổi số dựa trên nền tảng số, tất cả lên dịch vụ đám mây.
Đánh giá cao các ý kiến đóng góp, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu trong buổi tọa đàm, theo dõi sát quá trình thực hiện Nghị quyết 52. Đó sẽ là những luận cứ quan trọng giúp Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 10/2022.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
