Kiểm soát tốt dịch bệnh, xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế
![]() | Nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế |
![]() | Thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để kiểm soát được dịch bệnh sớm nhất |
![]() |
Kiểm soát tốt dịch bệnh, yếu tố quyết định để phục hồi
Ngày 6/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thông tin về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến các diễn biến kinh tế - xã hội trong tháng vừa qua, dưới tác động nặng nề của dịch Covid-19, và bàn các giải pháp cho những tháng cuối năm.
Trong 4 tháng vừa qua, đợt dịch lần thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe nhân dân, gây thiệt hại về con người, tác động tới tâm lý xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế 8 tháng cơ bản ổn định. Các nền tảng vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Công tác an sinh - xã hội được đặc biệt quan tâm trong bối cảnh đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới được Thủ tướng nêu rõ là trước mắt cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, coi đây là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế.
Thủ tướng nhấn mạnh, đã hy sinh phát triển kinh tế thì các địa phương thực hiện giãn cách phải làm thật nghiêm, thật chặt để kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, sớm đưa cả nước về trạng thái “bình thường mới”.
Thủ tướng nêu quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9. Trong lúc còn khan hiếm vắc-xin, chưa bao phủ được tiêm chủng thì các biện pháp phòng ngừa vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, trong đó có biện pháp giãn cách xã hội. Phải tăng cường tuyên truyền, vận động, kêu gọi để nhân dân chia sẻ, thông cảm, hưởng ứng, tích cực tham gia. Còn chống dịch là quan trọng, cần thiết, đột phá, phải tích cực, mạnh mẽ, quyết liệt.
Xây dựng kế hoạch phục hồi
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến từ nay đến cuối năm Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vắc-xin (không tính nguồn COVAX - đã có cam kết nhưng do khan hiếm vắc-xin nên chưa có kế hoạch cụ thể). Theo đó, vắc-xin sẽ về nhiều trong tháng 9, dự kiến hơn 20 triệu liều, còn lại sẽ về trong các tháng cuối năm. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương triển khai cao điểm tiêm vắc-xin trong các tháng tới, tiến độ tiêm phải đạt 1 triệu mũi 1 ngày mới hoàn thành kế hoạch.
Về việc đi lại, hoạt động của những người đã tiêm đủ 2 mũi, Bộ Y tế đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía Nam, đồng thời tiếp tục có khuyến cáo về bảo đảm phòng, chống dịch. Lý do là những người tiêm đủ 2 mũi vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác, dù nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm cho người khác đã giảm.
Cùng với kiểm soát dịch bệnh, để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, Thủ tướng yêu cầu từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh.
“Chúng ta nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn tại Việt Nam để chuẩn bị các biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh, giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn…”, Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vắc-xin bao phủ diện rộng. Điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh - xã hội và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm chi hơn nữa để tập trung nguồn cho phòng, chống dịch. Có phương án điều hành ngân sách Nhà nước phù hợp với tình hình cụ thể, vừa đáp ứng các nhu cầu cấp bách, vừa giải quyết vấn đề lâu dài.
Thủ tướng nhấn mạnh đến việc tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nơi nào không giải ngân được, không có dự án thì dứt khoát cắt vốn, tập trung cho các dự án tốt. Sắp tới, lãnh đạo Chính phủ sẽ làm việc với các địa phương, bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 40% để có giải pháp phù hợp.
Chính phủ yêu cầu có các biện pháp phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu. Đồng thời, phát triển mạnh thị trường trong nước, thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu; kịp thời có biện pháp điều hành, bình ổn phù hợp; đồng thời tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm.
Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã; tập trung đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Các cấp, các ngành chủ động tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc xuất hiện từ tình hình dịch bệnh cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, làm tốt hơn nhiệm vụ bảo đảm an sinh - xã hội, rà soát, đánh giá việc triển khai Nghị quyết 68, nghiên cứu huy động các quỹ để tham gia nhiệm vụ chăm lo an sinh xã hội.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường carbon từ tầm nhìn chiến lược
