Không tạo hành lang riêng, khó phát triển theo lợi thế
Để làm rõ thêm dự thảo Nghị quyết về chính sách dư nợ vay, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho biết, theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), mức dư nợ vay của ngân sách địa phương (NSĐP) không được vượt quá 20%. Tuy nhiên trong thực tế các địa phương chưa sử dụng hết định mức hiện tại. Ví dụ, tại tỉnh Thanh Hoá, tính theo dự toán năm 2021, mức dư nợ vay tối đa là 2.636 tỷ đồng, nhưng dư nợ vay đến cuối năm 2021 của Thanh Hóa dự kiến (là 718 tỷ đồng) chỉ bằng 27,2% mức dư nợ cho phép. Tính theo mức 60% nếu dự thảo được thông qua thì dư nợ được phép vay sẽ là 7.909 tỷ đồng, cao gấp 11 lần so với mức sử dụng hiện tại. Tương tự, tỉnh Nghệ An hiện vẫn chưa sử dụng hết mức trần quy định hiện hành như trong dự thảo báo cáo thẩm tra nêu.
![]() |
Bên cạnh đó, số liệu tại Báo cáo số 491/BC-CP ngày 9/10/2020 của Chính phủ về báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 (ngày 24/11/2017) của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh và Báo cáo thẩm tra số 2241/BC-UBTCNS14 ngày 22/10/2020 của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, dư nợ vay đến cuối năm 2018 của TP. Hồ Chí Minh bằng 26,5% mức dư nợ cho phép (cũng lưu ý rằng: đây là năm tốc độ GDP TP.Hồ Chí Minh và cả nước ở mức cao); đến cuối năm 2020 cũng chỉ đạt 34,9% mức dư nợ cho phép. Tổng kết đối với Hà Nội và thực tế các địa phương có cơ chế đặc thù cho thấy, mức dư nợ vay thực hiện đều luôn ở mức rất thấp so với mức được Quốc hội cho phép.
Vì vậy nữ đại biểu thuộc đoàn Hà Tĩnh cho rằng, cần làm rõ cơ sở xây dựng hạn mức dư nợ vay, phương án sử dụng vốn vay, dự kiến hiệu quả kinh tế, nguồn trả nợ vay (các khoản nợ vay theo luật ngân sách hiện hành được quy định rõ trong Luật Quản lý nợ công 2017 và Điều 11,12 Nghị định 93/2018/NĐ-CP quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương, tuy nhiên dư nợ vay ở đây lại vượt mức quy định hiện hành vì vậy cần làm rõ thêm nguồn trả nợ vay). Và điều quan trọng là cần tính toán thêm dựa trên mức độ cần thiết, phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương đang nhận trợ cấp của Trung ương.
Về quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng, theo Dự thảo nghị quyết, TP.Hải Phòng và tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá đề xuất HĐND tỉnh/thành phố sẽ quyết định chuyển đổi mục đích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ. Theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, cần làm rõ các loại đất trên đã tính toán trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia của địa phương chưa khi mà trong năm nay Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia dự kiến được phê duyệt. Nghị quyết cũng cần có quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường của các cấp chính quyền địa phương.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) bày tỏ sự thống nhất cao về việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù để phát triển thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế, nhằm tạo cơ chế, tạo động lực, điều kiện để cho các tỉnh này phát triển; thể chế hóa nghị quyết của Bộ Chính trị, đường lối của Đảng, tuy nhiên, đại biểu cho rằng, Nghị quyết cần nghiên cứu bổ sung một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể làm cơ sở và căn cứ để giám sát và đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện Nghị quyết này. Bởi theo ông, Quốc hội trao cho thêm những quyền phân cấp thêm thì chúng ta cũng phải có những chỉ tiêu cụ thể để sau này đánh giá kết quả của thực hiện nghị quyết.
Về cơ chế, chính sách cụ thể, Quốc hội cần cân nhắc nghiên cứu kỹ từng thế mạnh của từng tỉnh để có những chính sách cho phù hợp, phát huy được cao nhất thế mạnh và đạt được hiệu quả cao nhất của các tỉnh.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, những tỉnh có lợi thế phát triển về rừng, thậm chí nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế chiến lược phát triển rừng của quốc gia. Nhưng rừng bây giờ không phải chỉ là vấn đề của các địa phương, của tỉnh nữa, mà của cả quốc gia, khu vực. Trong khi Quốc hội lại trao “thượng phương bảo kiếm” cho địa phương được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Nếu như kiểm tra, giám sát không kỹ, không có những quy định cụ thể, sau đó khi tổng kết lại vấn đề chiến lược phát triển rừng của chúng ta có đạt được không?
Về phần tổ chức thực hiện, nghị quyết đã quy định trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành của cấp tỉnh. Thế nhưng, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức thực hiện đúng, thực hiện nghiêm và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này.
“Nghị quyết này ban hành, tôi cho đây không chỉ thách thức mà là cơ hội cho những người lãnh đạo, cho những người đứng đầu có năng lực, có tài năng, dám nghĩ, dám làm. Nhưng đồng thời việc có thêm chế tài, có thêm những quy định trách nhiệm của người đứng đầu thì khẳng định với các tỉnh, thành phố còn lại đây không phải là cơ chế xin - cho. Mà đây là phải có bản lĩnh thì mới dám xin cơ chế đặc thù”, đại biểu Hạ nhấn mạnh.
Tranh luận các vấn đề đại biểu nêu, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết, có khoảng 10 đại biểu băn khoăn và lo lắng 3 vấn đề: Một là cơ chế thí điểm này có thể dẫn đến cơ chế xin cho; Hai là có thể dẫn đến bất bình đẳng giữa các địa phương; Ba là có một số ý kiến đề nghị phải ban hành chính sách đồng loạt nhân dịp này.
Ông cho rằng, chúng ta hiện nay có 63 tỉnh, thành phố hay nói cách khác là Tổ quốc chúng ta có 63 người con, nhưng năng lực khác nhau, khả năng khác nhau, tiềm năng lợi thế khác nhau, trừ Luật Thủ đô ra thì 62 tỉnh, thành còn lại chung một nền tảng pháp lý. Nếu như chúng ta không tạo hành lang riêng cho mỗi địa phương có tiềm năng, lợi thế thì chúng ta khó có thể kích hoạt cho họ phát triển theo lợi thế tiềm năng.
“Nền tảng pháp lý chưa có thì chúng ta phải thí điểm mà thí điểm là phải có mô hình để từ đó chúng ta phân loại địa phương và cá biệt hóa chính sách cho từng nhóm. Lâu nay chúng ta chưa có thì phải thí điểm”, ông Vân nói.
Đặt ra vấn đề về cơ sở để cho việc thí điểm, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, đó là cơ sở chính trị đã có một loạt nghị quyết của Bộ Chính trị cho phép. Hai là cơ sở pháp lý về thẩm quyền là Hiến pháp cho phép Quốc hội được đặt ra các quy tắc xử sự ở tầm các đạo luật và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phép Quốc hội ban hành các nghị quyết để thực thi các chính sách thí điểm khi hệ thống pháp luật chưa có quy định, nói cách khác là dưới Hiến pháp nhưng có thể khác với các đạo luật. Đó là cơ sở pháp lý. Thứ ba là cơ sở thực tiễn, lấp ló ở nhiều địa phương vì chưa có tháo gỡ về mặt cơ chế hay nói cách khác là chưa "xé rào" thì chúng ta phải tạo cơ chế bằng cách thí điểm này.
Trước đó, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thừa Thiên Huế 6 cơ chế chính sách, tỉnh Nghệ An 6 cơ chế chính sách và tỉnh Thanh Hóa 8 cơ chế chính sách. Chính phủ cho biết, các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội đều đã được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng.
Cụ thể, về chính sách dư nợ vay, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; TP.Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh, thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách của các tỉnh, thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định…
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
