Khai thác thông tin trong Căn cước công dân gắn chip
Một trong những thông tin đáng chú ý tuần qua là việc BIDV triển khai chấp nhận Căn cước công dân gắn chip (CCCD chip) trên các giao dịch tại khu vực tự phục vụ của BIDV như ATM, E-Zone. Lãnh đạo BIDV cho biết dịch vụ được triển khai tại 09 điểm trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh. Trong thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân - Bộ Công an (Trung tâm RAR) triển khai mở rộng trên toàn hệ thống và trên ứng dụng BIDV SmartBanking để gia tăng trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng CCCD chip trong giao dịch ngân hàng. Việc xác thực và đối chiếu thông tin qua CCCD chip giúp cho giao dịch tài chính của khách hàng được thực hiện đơn giản, thuận tiện, an toàn, nhanh chóng và hoàn toàn tự động. Đồng thời, CCCD chip hỗ trợ ngân hàng trong quá trình xác thực khách hàng, giảm thời gian tác nghiệp của cán bộ, loại bỏ các rủi ro giả mạo, sai sót trong quá trình tác nghiệp so với kiểm tra đối chiếu chứng minh thư thông thường.
![]() |
Ảnh minh họa |
Nhanh chóng, thuận tiện và độ chính xác, bảo mật cao… song cho đến thời điểm này BIDV là ngân hàng đầu tiên phối hợp Trung tâm RAR triển khai thành công việc ứng dụng CCCD chip.
Thực tế, từ tháng 6/2021 ngay khi Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) thuộc Bộ Công an tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Trung tâm RAR đã có ba NHTM nhà nước và một NHTMCP ký kết hợp tác với Trung tâm. Việc hợp tác với Trung tâm RAR sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng triển khai nhiều sản phẩm, tiện ích, đặc biệt là định danh khách hàng điện tử (electronic Know Your Customer- eKYC).
Sau một năm NHNN cho phép các TCTD triển khai eKYC, hiện đã có 24 ngân hàng triển khai mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng eKYC với gần 5 triệu tài khoản được mở mới bằng phương thức này. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai eKYC, do chưa kết nối trực tiếp được với cơ sở dữ liệu công dân, nên các ngân hàng triển khai giải pháp eKYC đều phải thiết lập bộ phận hậu kiểm để kiểm tra toàn bộ thông tin thu thập từ dữ liệu điện tử để đảm bảo an toàn trong việc bảo mật sử dụng thanh toán.
Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết: Từ cuối tháng 3/2021, VietinBank đã chính thức ra mắt dịch vụ eKYC. Tuy nhiên, việc xác thực này hoàn toàn phụ thuộc vào dữ liệu do khách hàng cung cấp, công nghệ quét nhận diện thông tin và chưa có dữ liệu chuẩn để đối chiếu. VietinBank sẽ phối hợp với Trung tâm RAR để tích hợp và kiểm tra được thông tin của thẻ CCCD chip; từ đó có thể xác thực chính xác được định danh, xác thực công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư, phục vụ tốt hơn các nhu cầu của khách hàng.
Việc khai thác tốt dữ liệu dân cư sẽ mang lại nhiều lợi ích trong đời sống xã hội. Do đó ngành Ngân hàng rất tích cực triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt tháng 1/2022. Đề án đã xác định mục tiêu chung và các chỉ tiêu cụ thể, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng năm và từng giai đoạn. Mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích như sau: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp…
Về mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đề án nêu rõ: Triển khai ứng dụng các tính năng của chip điện tử gắn trên CCCD và ứng dụng VNEID trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số mạnh nhất như: Ngân hàng (mở tài khoản, nhận biết khách hàng, thanh toán, cho vay, ví điện tử…) tài chính, viễn thông, điện nước. Thời gian hoàn thành: trong tháng 9/2022.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, NHNN đã ban hành kế hoạch của ngành Ngân hàng và đang tích cực phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng phương án để các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có thể khai thác Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu CCCD, thẻ CCCD chip phục vụ xác minh thông tin nhận biết khách hàng. Đến nay, đã có một số ngân hàng phối hợp với Bộ Công an để thử nghiệm các giải pháp khai thác thông tin trong thẻ CCCD chip phục vụ việc định danh, xác thực thông tin, cung ứng dịch vụ khách hàng (tại ATM, tại quầy và trên ứng dụng di động), hướng tới ứng dụng triển khai rộng rãi trong thời gian tới.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
