Huy động nguồn lực tài chính phát triển hạ tầng, đẩy mạnh liên kết vùng
Định hướng cụm liên kết ngành, tăng sức chống chịu của nền kinh tế
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hình thành và phát triển cụm liên kết ngành tại một số khu công nghiệp, khu kinh tế như: Cụm dệt may ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh; khu phức hợp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai hay các tổ hợp sản xuất của doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, các doanh nghiệp Nhật Bản lớn. Tuy nhiên, tới đây cần hình thành và nâng cấp hệ thống cụm liên kết các ngành công - nông nghiệp chuyên môn hóa và các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao theo lợi thế của các địa phương tại một số vùng, địa bàn trọng điểm.
![]() |
Theo các chuyên gia, huy động nguồn lực tài chính nhằm phát triển hạ tầng, đẩy mạnh liên kết vùng cần được đẩy mạnh trong thời gian tới - Ảnh minh họa. |
Bàn về liên kết vùng để giúp tăng tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp và hợp tác xã trong bối cảnh hiện nay, tại diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết vùng - tăng tốc phát triển” với chủ để kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã nhấn mạnh đến một số định hướng phát triển các cụm liên kết ngành.
Từ việc đi khảo sát kinh nghiệm xây dựng các cụm liên kết ngành ở một số quốc gia phát triển, bà Minh cho rằng, Việt Nam cần hình thành và nâng cấp hệ thống cụm liên kết các ngành công - nông nghiệp chuyên môn hóa và các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn. Nhất là tăng cường liên kết vùng và tích hợp kết nối chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp, nông nghiệp vào quá trình xây dựng và thực thi quy hoạch phát triển địa phương, vùng và quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho sự chuyên môn hóa địa phương và hợp tác liên vùng trên cả nước.
“Cần cơ cấu lại các khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng bền vững, sinh thái gắn với hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp có tính đến lợi thế so sánh của từng địa bàn, vùng theo hướng tăng cường hỗ trợ và kết nối các chuỗi cung ứng trong nước nhằm thúc đẩy sự hội nhập của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả hơn”, bà Minh nhấn mạnh.
Chia sẻ về việc liên kết và xây dựng vùng nguyên liệu nông sản chưa bao giờ là vấn đề cũ, ông Trần Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết sắp tới cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, cùng với nỗ lực của bộ, ngành liên quan, đặc biệt vai trò của hợp tác xã sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề liên kết vùng, xây dựng vùng nguyên liệu đồng bộ căn cơ.
Ông Trần Quốc Toản cho hay, gần đây, liên tiếp xuất hiện tin vui từ thị trường nhập khẩu như quả sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, quả bưởi da xanh xuất khẩu vào Mỹ… Kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng lên nhưng vấn đề làm sao để duy trì đà tăng trưởng bền vững mới quan trọng. Rõ ràng giá trị quyết định tất cả bởi nhu cầu thị trường luôn biến động.
Do vậy, sản phẩm nông sản cần hàm lượng chế biến sâu và tinh thông qua xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, có hạ tầng giao thông vận tải thuận lợi, không gian trung chuyển; đồng thời, cần xây dựng vùng nguyên liệu theo yêu cầu thị trường, áp dụng được công nghệ hiện đại. Tổ chức lại sản xuất cho người nông dân, doanh nghiệp, khi tham gia liên kết với người nông dân thì phải nhìn ra được nhu cầu thị trường.
Huy động nguồn lực tài chính phát triển hạ tầng, đẩy mạnh liên kết vùng
Đứng ở góc độ của một chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực đặc biệt nhấn mạnh đến việc huy động nguồn lực tài chính phát triển hạ tầng, đẩy mạnh liên kết vùng.
Đơn cử như trong vấn đề hạ tầng giao thông. Ông Lực có dẫn thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải là trong giai đoạn 2021-2025 Việt Nam cần khoảng 2 triệu tỷ đồng đầu tư vào hệ thống giao thông. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư giao thông đường bộ vào khoảng 900.000 tỷ đồng (48% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành).
Theo đó, số vốn đầu tư công dành cho Bộ Giao thông Vận tải giai đoạn 2021-2025 khoảng 304.000 tỷ đồng (9% tổng vốn đầu tư công của cả nước giai đoạn 2021-2025). Số vốn được phân bổ này mới đáp ứng được gần 60% nhu cầu.
Ông Lực cho rằng bài toán huy động vốn khác là rất cấp thiết. Trong khi đó, vốn tín dụng (đến từ ngân hàng thương mại) cho hạ tầng giao thông chủ yếu nằm ở các dự án BT, BOT. Điều đáng nói là tốc độ tăng trưởng tín dụng các dự án BT, BOT đang giảm dần. Tính đến tháng 6/2022, dư nợ các dự án BT, BOT giảm 1,72% so với cuối năm 2021.
Ngoài ra, vốn từ thị trường cũng có xu hướng giảm sau khi tăng trưởng nóng vào năm 2021. Còn vốn từ các tổ chức quốc tế, theo Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2021-2025, phần vốn nước ngoài (31.267 tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư công được phân bổ) dự kiến được phân bổ cho 19 dự án ODA ngành giao thông, chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020.
Ông Lực nhấn mạnh, vấn đề đặt ra là cần giải bài toán huy động vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng là rất cần quan tâm giải quyết.
Đặc biệt, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA. Đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là liên kết hạ tầng giao thông, du lịch, chế biến, logistics, chuỗi giá trị công nghiệp - nông nghiệp.
“Cần có cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng hơn đối với cả ngân hàng thương mại tham gia cho vay. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong những dự án huy động vốn từ thị trường trái phiếu nâng cao chất lượng, năng lực thẩm định, thi công và quản lý các dự án, không để xảy ra việc đội vốn quá nhiều, chậm tiến độ quá lâu hay đề xuất mức doanh thu kỳ vọng quá cao", ông Lực đề nghị.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
