HoSE: Hành trình dẫn vốn và thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế
20 năm hoạt động và phát triển, HoSE đã xây dựng một TTCK tập trung quy mô lớn nhất cả nước, quy tụ các DN niêm yết hàng đầu trong nền kinh tế. Đến nay, trên HoSE đã có tổng cộng 483 mã cổ phiếu, 9 chứng chỉ quỹ đóng, 478 trái phiếu, 04 chứng chỉ quỹ ETF, 165 chứng quyền có bảo đảm tham gia niêm yết mới và 103 mã cổ phiếu, 06 chứng chỉ quỹ, 81 trái phiếu và 89 chứng quyền có bảo đảm hủy niêm yết. Tổng giá trị chứng khoán được mua bán trao đổi qua Sở sau 20 năm đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng (hơn 339 tỷ chứng khoán).
Tính đến ngày 30/6/2020, HoSE có 380 mã cổ phiếu niêm yết, 3 chứng chỉ quỹ đóng, 4 chứng chỉ quỹ ETF, 43 trái phiếu và 76 mã chứng quyền có bảo đảm đang niêm yết. Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm trên 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước, tương đương 57% GDP. Có 74 CTCK thành viên với hơn 2,3 triệu tài khoản của nhà đầu tư.
Các công ty niêm yết trên Sở là các công ty lớn, đầu ngành, có hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định. 3 ngành có tỷ trọng cao nhất trên HoSE bao gồm: Tài chính, Bất động sản và Tiêu dùng thiết yếu chiếm hơn 80% giá trị vốn hóa toàn thị trường. Có 23 DN có vốn hóa trên 1 tỷ USD niêm yết trên HOSE trong đó có10 ngân hàng, khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của HoSE trong việc thu hút niêm yết và giao dịch cổ phiếu của các công ty lớn của nền kinh tế. Top 10 DN nộp thuế nhiều nhất theo thống kê của Tổng cục thuế năm 2018 có đến 5 công ty niêm yết bao gồm: GAS, VCB, TCB, VNM, BID.
Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành nhấn mạnh thêm, HoSE đã xây dựng kênh huy động và phân bổ vốn năng động và hiệu quả cho nền kinh tế và từng bước trở thành kênh đầu tư quan trọng, thúc đẩy công tác cổ phần hóa và hỗ trợ tái cấu trúc nền kinh tế.
Trên 80% công ty niêm yết trên HoSE đã thực hiện tăng vốn điều lệ sau khi niêm yết trên TTCK. Tổng giá trị huy động thông qua phát hành thêm trên thị trường cổ phiếu kể từ năm 2000 đến nay ước đạt hơn 295 ngàn tỷ đồng với 834 đợt phát hành, trong đó, giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế 2010-2015 mức huy động tăng hơn 5 lần so với giai đoạn 2004-2009. Trong đó, một số công ty có mức tăng vốn điều lệ cao như CTCP Vincom-VIC (43 lần), Ngân hàng Ngoại Thương-VCB (33 lần), CTCP Cơ điện lạnh-REE (21 lần), CTCP Sữa Việt Nam-VNM (11 lần).
Nguồn vốn huy động qua TTCK giúp các công ty nâng cao năng lực tài chính, đầu tư cho các dự án mới, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Các DN có giá trị huy động vốn lớn gồm VIC, VCB, MSN, BID là những DN có hoạt động kinh doanh hiệu quả với tỷ suất lợi nhuận trên vốn và tài sản ở mức cao so với bình quân thị trường.
Cũng trên HoSE, đã thực hiện 550 cuộc đấu giá cổ phần các DN kể từ năm 2005, bán được hơn 4.207 triệu cổ phần và hơn 122 triệu quyền mua cổ phần, qua đó thu về hơn 228 ngàn tỷ đồng cho các DN; trong đó, có 346 đợt chào bán cổ phần của DNNN cổ phần hóa, thu về gần 74.807 tỷ đồng. Một số DN đấu giá tiêu biểu có giá trị cổ phần thu về cao như: SAB (hơn 115 ngàn tỷ trong 2 đợt năm 2008 và 2017), VCB (trên 10 ngàn tỷ, năm 2007), VNM (hơn 9,5 ngàn tỷ trong 2 đợt 2005 và 2017). Cổ phần hóa DN nhà nước gắn với việc đưa cổ phiếu vào giao dịch trên TTCK không chỉ giúp chuyển đổi các DN sang mô hình hoạt động có tính tự chủ, linh hoạt, hướng tới hiệu quả, mà còn giúp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động và quản trị, cũng như năng lực cạnh tranh của DN…
Theo lãnh đạo HoSE, mặc dù đã đạt được những thành quả rất tích cực nhưng TTCK Việt Nam vẫn còn non trẻ, khoảng cách với các Sở trong khu vực vẫn còn khá xa. Quy mô vốn hóa thị trường Việt Nam mới gần bằng 1/5 thị trường Phillippines, 1/7 thị trường Indonesia và 1/8 thị trường Thái Lan. Quy mô vốn hóa TTCK trên GDP còn khiêm tốn, cơ cấu giữa thị trường vốn còn mất cân đối. Phát triển nhanh, bền vững TTCK, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các thành viên thị trường là một thách thức không nhỏ với HoSE và với các thành viên thị trường.
Bên cạnh đó, thanh khoản trên thị trường được cải thiện nhưng vẫn tồn tại các yếu tố chưa thực sự bền vững. Giá trị giao dịch (GTGD) còn thấp so với các thị trường trong khu vực. GTGD bình quân ngày của thị trường Việt Nam đạt 180 triệu USD, bằng 1/9 thị trường Thái Lan (1,5 tỷ USD), 1/5 thị trường Singapore (864 triệu USD), 1/3 thị trường Malaysia (244 triệu USD). Tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước trong nhiều DN niêm yết còn lớn, khiến tính thanh khoản của cổ phiếu còn hạn chế so với tiềm năng của DN. Ngoài ra, sự tham gia của NĐTNN trong tổng giao dịch vẫn còn hạn chế…
Từ ưu và nhược điểm này, HoSE đã xây dựng phương hướng phát triển giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tiếp tục xây dựng TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại DN nhà nước, quy mô thị trường cổ phiếu 120% GDP vào năm 2025; Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017. Hoàn thiện bộ máy, mô hình hoạt động và quản trị theo thông lệ quốc tế, nâng cao năng lực tổ chức, vận hành thị trường. Đa dạng hóa các sản phẩm trên TTCK; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.
Đặc biệt, chú trọng phát triển bền vững và nâng cao minh bạch, chất lượng công ty niêm yết, hướng đến chất lượng quản trị công ty trong các công ty niêm yết của Việt Nam đạt mức bình quân ASEAN-6… nhằm tạo sự minh bạch và niềm tin với các nhà đầu tư…
Tin liên quan
Tin khác

Chứng khoán Mỹ lại “đỏ lửa” vì căng thẳng thương mại

ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 9,5% trong năm 2025

Cổ phiếu toàn cầu phục hồi, nhưng rủi ro thuế quan vẫn còn lớn

Chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh sau quyết định hoãn thuế quan 90 ngày của ông Trump

Chứng khoán Mỹ lao dốc phiên thứ 4 liên tiếp vì nỗi lo thuế quan

Sacombank có thể không chia cổ tức trong năm nay

Cổ phiếu châu Á phục hồi, dẫn đầu là Nhật Bản, nhờ lạc quan về thương mại

Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc trong phiên đầu tuần do nỗi lo suy thoái, lạm phát

Thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa: Cần tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam
