Hiện đại hóa hoạt động ngân hàng: Những thắng lợi bước đầu trong cuộc CMCN 4.0
![]() | Đến 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50% |
![]() | Nhịp sống thời công nghệ |
![]() | Phát triển ngân hàng số trong CMCN 4.0: Thay đổi để thích ứng |
Chỉ thị 58-CT/TW của Ban chấp hành Trung ương nêu rõ: “Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) ở nước ta nhằm góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của toàn dân tộc, thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hoá các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các DN, hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế…”. Tinh thần đó đã soi sáng, dẫn đường và thấm nhuần trong tư tưởng chỉ đạo của Lãnh đạo NHNN đối với hoạt động ngân hàng trong suốt 20 năm qua.
Đột phá từ đi tắt đón đầu
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú - Thủ trưởng hành chính cơ quan NHNN Trung ương nhớ lại: Ngay sau khi hình thành mô hình hai cấp theo Pháp lệnh Ngân hàng, các đơn vị chức năng thuộc NHNN đã bắt tay nghiên cứu và tổ chức triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT để hiện đại hóa căn bản hoạt động hành chính. Mục tiêu này tiếp tục được NHNN củng cố mạnh mẽ về quan điểm theo định hướng Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000, coi CNTT là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển... tạo khả năng đi tắt đón đầu để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
![]() |
NHNN trở thành một trong những bộ ngành tiên phong đón đầu việc hình thành kiến trúc Chính phủ điện tử |
Cũng bởi vậy, NHNN đã chủ động từ rất sớm trình Chính phủ đầu tư hệ thống Corebanking từ đầu những năm 2000 làm nền tảng hiện đại hóa cho toàn Ngành. Năm 2010 tại sự kiện Banking Vietnam, Phó Thống đốc Đào Minh Tú (khi đó còn là Chánh Văn phòng NHNN) lần đầu tiên giới thiệu thuật ngữ “văn phòng điện tử”, “hình thành cơ quan hành chính điện tử” và các giải pháp định hướng của NHNN về “ứng dụng và phát triển CNTT để nâng cao năng lực điều hành và chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho TCTD, người dân và DN”.
Sau 10 năm triển khai, đến nay 63 chi nhánh NHNN và 21 đơn vị vụ/cục tại trụ sở NHNN có mạng WAN, LAN kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; 100% các đơn vị tham gia trục liên thông văn bản quốc gia đã trao đổi văn bản hoàn toàn dưới dạng điện tử giữa các cơ quan nhà nước; 100% cán bộ công chức được cấp tài khoản hộp thư điện tử công vụ. Đặc biệt toàn bộ Lãnh đạo NHNN cũng đã sử dụng chữ ký số điện tử để ký văn bản điện tử.
Chiến lược và phương thức phát triển CNTT và hiện đại hóa được NHNN vạch ra xuyên suốt từ NHNN đến các TCTD trong giai đoạn 2010 - 2020, cho đến kế hoạch triển khai 5 năm. Định kỳ hàng năm NHNN đều giám sát tiến độ, đánh giá kết quả thực hiện, từ đó có những điều chỉnh giải pháp kịp thời trong các kế hoạch cho phù hợp với định hướng phát triển của Chính phủ yêu cầu quản lý điều hành nội bộ của NHNN, TCTD cũng như giảm thiểu rủi ro trong việc ứng dụng CNTT.
Đặc biệt với việc hoàn tất thực hiện Dự án hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng (FSMIMS) cuối năm 2018 và các dự án hỗ trợ liên quan, NHNN đã xây dựng được một hệ thống CNTT hiện đại, vận hành ổn định phục vụ tốt cho các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, hoạt động quản lý và điều hành nội bộ của NHNN. Từ mô hình hạ tầng kỹ thuật phân tán từ hơn 70 đơn vị trực thuộc NHNN sang mô hình tập trung tại NHTW. 100% các đơn vị thuộc NHNN có chức năng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đã công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 và tiếp tục tiến thêm một bước đến chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 áp dụng cho NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Khơi thông dòng chảy tín dụng, thanh toán quốc gia
Nền tảng công nghệ hiện đại cũng đã giúp NHNN trở thành một trong những bộ ngành tiên phong đón đầu việc hình thành kiến trúc Chính phủ điện tử; Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia với việc cung cấp DVC trực tuyến cho DN và người dân từ 2008. Hiện nay, NHNN có 61 DVC mức độ 3 - 4, chiếm 16,1% trên tổng số DVC của NHNN. NHNN đã hoàn thành kết nối liên thông Hệ thống DVC hiện tại của NHNN với Cổng DVC quốc gia để công khai tình hình, kết quả giải quyết TTHC của NHNN trên Cổng DVC quốc gia vào tháng 12/2019. NHNN đã công khai mức độ hài lòng của người dân đối với từng dịch vụ khi sử dụng DVC NHNN.
Báo cáo của NHNN cũng cho thấy có 73 đơn vị thuộc NHNN đã xây dựng, sử dụng phần mềm một cửa điện tử, tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua hệ thống một cửa điện tử chiếm trên 50% tổng số hồ sơ thủ tục hành chính tại NHNN.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN có đặc thù chủ yếu cung cấp DVC cho các TCTD, còn dịch vụ cung ứng cho người dân và DN là hữu hạn. Song, điều đó chưa phản ảnh rõ những trợ lực của NHNN đối với nền kinh tế. Bởi kết quả hiện đại hóa của NHNN chính là nền tảng cho công tác hiện đại hóa và kết nối hệ thống các TCTD trong những năm qua, từ đó đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển dòng chảy tín dụng và thanh toán trong nền kinh tế cũng như giao thương quốc tế... Các DVC cung cấp cho TCTD đã được NHNN triển khai từ nhiều năm đáp ứng tốt nhu cầu của các TCTD như các hệ thống thanh toán liên ngân hàng, L/C, đấu thầu trái phiếu kho bạc, nghiệp vụ thị trường mở, các nghiệp vụ thị trường tiền tệ... Từ đó gia tăng tính linh hoạt và kịp thời trong công tác tín dụng và thanh toán cho người dân và DN trong nền kinh tế.
Hơn thế, các dịch vụ công của NHNN đã và đang đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới mục tiêu Chính phủ số và nền kinh tế số. Điển hình là từ 2014, NHNN đã chỉ đạo và kết nối các TCTD với cơ quan thuế thuộc Bộ Tài chính triển khai thu thuế điện tử. Đến nay, gần 98% thuế DN đã được triển khai thông qua phương thức này, giảm đáng kể chi phí đi lại và nhân công cho DN cũng như chính ngành Thuế và Kho bạc Nhà nước. NHNN phối hợp với Tổng cục Hải quan trong việc kết nối giữa 2 hệ thống Cổng DVC của NHNN và Cổng Hải quan một cửa, nhằm triển khai các TTHC liên quan trên Cổng Hải quan một cửa quốc gia, tạo thuận lợi cho TCTD, DN, cá nhân khi thực hiện các hoạt động liên quan đến thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa, vàng, ngoại tệ.
Hiệu ứng từ việc đi tắt đón đầu và hiện đại hóa từ NHNN đến các TCTD trong toàn Ngành càng cảm nhận rõ hơn trong năm 2020 khi các dịch vụ ngân hàng trực tuyến giúp khách hàng không bị gián đoạn các hoạt động tín dụng và dịch vụ ngân hàng do dịch bệnh Covid-19. Tính mở và đón đầu xu hướng càng rõ khi lưu lượng các hoạt động trực tuyến tăng đột biến từ 30 - 70% song không bị nghẽn vì đường truyền cũng như thời gian phục vụ...
Hòa cùng bước tiến mạnh mẽ của cuộc CMCN4.0, NHNN đã kịp thời xây dựng Chiến lược phát triển CNTT ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Khung Kiến trúc CPĐT của NHNN từ tháng 3/2016 cũng đã được Thống đốc NHNN phê duyệt cập nhật cho phù hợp. Đồng thời để thiết lập cơ chế bảo đảm thực thi NHNN đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT ngành Ngân hàng. Trong năm 2020, NHNN đang tiếp tục cập nhật Kiến trúc CPĐT phù hợp với Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam 2.0.
“Trong bối cảnh kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trong khu vực và trên toàn cầu, nếu các ngân hàng Việt Nam không nhạy bén, chuyển mình và bị lỡ nhịp trong tiến trình đổi mới, toàn bộ nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị chậm bước trên hành trình phát triển”. Lời nhắn nhủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang tiếp tục được NHNN hiện thực hóa trong việc xây dựng kế hoạch cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn 2045. Trong đó đẩy mạnh ứng dụng nhanh công nghệ tiên tiến trên cơ sở hiện đại hóa, đồng bộ hóa hạ tầng cơ sở đi đôi với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tại NHNN cũng như các TCTD là một trong 3 trụ cột đột phá.
Mục tiêu đến năm 2025, NHNN sẽ hoàn thành cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 vào toàn diện các hoạt động của NHNN và TCTD, tạo điều kiện chuyển đổi sang mô hình CPĐT tại NHNN và mô hình ngân hàng số cho các TCTD. NHNN cũng sẽ hoàn thiện hạ tầng CNTT trung tâm dữ liệu chính và dự phòng (DC và DR) theo mô hình Active-Active, cung cấp dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây, hạ tầng CNTT dùng chung cho các đơn vị NHNN cùng các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống thông tin. Đồng thời, chuyển đổi thành công và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 áp dụng tại các đơn vị thuộc NHNN có chức năng giải quyết TTHC và toàn bộ các đơn vị thuộc NHNN với các công việc trọng yếu, quan trọng của các đơn vị. Tiến xa hơn, NHNN sẽ nghiên cứu, triển khai Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO bằng phương thức điện tử tin học đối với toàn bộ các hoạt động giải quyết TTHC của mình, tăng cường công khai minh bạch góp phần nâng cao hiệu quả nền hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
