agribank-vietnam-airlines

Gỡ nút thắt vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Nguyễn Vũ
Nguyễn Vũ  - 
Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến "Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)", diễn ra sáng ngày 22/6, ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (NHNN) cho biết, đến ngày 18/6, dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,16% so với cuối năm 2022.
aa
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam Doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ có thêm cơ hội vay vốn

Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp

Trong đó, tín dụng nhóm SME tăng trưởng khoảng 3%. Theo ông Trần Anh Quý, tăng trưởng tín dụng còn thấp so với kỳ vọng do cầu tín dụng giảm, khả năng hấp thụ vốn nền kinh tế khó khăn.

Theo đó kinh tế toàn cầu suy giảm khiến doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất. Trong khi chi phí sản xuất tăng cao, càng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh; nhiều doanh nghiệp phải hoãn, dừng, chuyển đổi sản xuất để đối phó khó khăn trước mắt. Bên cạnh đó, các phương án kinh doanh khả thi và khả năng chuyển đổi sản xuất kinh doanh để thích ứng biến động thị trường của doanh nghiệp SME rất nhiều hạn chế. Ông Trần Anh Quý nhìn nhận do nền kinh tế trong và ngoài nước đều gặp khó khăn nên mức độ rủi ro cao hơn khi doanh nghiệp khó chứng minh được hiệu quả kinh doanh. Trong khi đó, các TCTD khó có điều kiện hạ chuẩn cho vay. Điều này dẫn đến các TCTD muốn cho vay mà không tìm được khách hàng đủ điều kiện vay.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cũng đã chỉ ra thêm những rủi ro của việc dựa quá nhiều vào tín dụng. Theo đó, hiện tổng dư nợ cho toàn bộ nền kinh tế vào khoảng 12,2 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 125% GDP. Đây là mức gần như cao nhất trong khối ASEAN, cao hơn rất nhiều so với các nước OECD. "Vì thế không thể nâng quá cao mức tổng dư nợ của nền kinh tế nữa. Nếu chúng ta cho vay quá nhiều, điều đó sẽ tổn hại đến kinh tế vĩ mô", TS. Bình nhấn mạnh và cho rằng, nếu kéo dài tình trạng trên, nền kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng, đi ngược lại tất cả thông lệ tốt của quốc tế. Vấn đề tiếp theo là tất cả ngân hàng hiện nay đều phải nâng chuẩn mực như là phải đáp ứng Basel II, Basel III. Ngoài những yêu cầu về an toàn vốn, mức vốn tối thiểu thì có rất nhiều những tiêu chí khác như chất lượng tín dụng. Do đó, tiêu chuẩn cho vay của các ngân hàng bắt buộc cũng sẽ phải nâng lên.

Quản trị dòng tiền của nhiều SME vẫn chưa minh bạch
Quản trị dòng tiền của nhiều SME vẫn chưa minh bạch

Bên cạnh đó theo TS. Lê Duy Bình, hiện năng lực quản trị, hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp SME cũng còn nhiều bất cập và nếu doanh nghiệp không thực hiện hệ thống sổ sách kế toán rõ ràng, nộp thuế, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, tuân thủ quy định pháp luật, nguyên tắc quản trị công ty tốt mà luôn luôn xảy ra xung đột hoặc tranh chấp nội bộ thì rõ ràng người cho vay là ngân hàng sẽ không sẵn sàng cho doanh nghiệp này vay tiền. "Đây không phải tiền của ngân hàng, mà của những người gửi tiền tại các ngân hàng đó. Vậy nên ngân hàng phải có trách nhiệm với người gửi tiền. Như vậy rõ ràng là việc ngân hàng vẫn phải giữ chuẩn mực cho vay là điều rất cần thiết vì sẽ bảo vệ được cả cho lợi ích của người gửi tiền và cho xã hội", ông Bình nhận định.

Ở góc độ người làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, ông Ngô Bình Nguyên - Giám đốc Khối SMEs OCB thừa nhận, tại Việt Nam, quản trị dòng tiền các SME chưa minh bạch và vẫn bị lẫn lộn giữa câu chuyện tài chính của doanh nghiệp và cá nhân. "Họ có thể dùng dòng tiền của doanh nghiệp phục vụ cho một số hoạt động cá nhân và ngược lại. Sự không minh bạch đó dẫn đến là không nhìn thấy được bức tranh thực tế của doanh nghiệp. Điều này tạo ra điểm mờ trong quyết định cấp tín dụng đối với doanh nghiệp SME", ông Nguyên nhận xét. Nút thắt chủ yếu nữa khiến cho nhóm doanh nghiệp này khó tiếp cận vốn vẫn là phương án kinh doanh hiệu quả. Tài sản đảm bảo cũng là một hạn chế đối với doanh nghiệp.

Mở rộng các kênh vốn là bài toán cấp bách

TS. Lê Duy Bình đánh giá, ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Nhưng nếu phụ thuộc hết vào ngân hàng thì sẽ tạo ra vấn đề của một nước đang phát triển và chúng ta không thoát ra được cái bẫy mang tên nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng (bank base economy). Điều đó có nhiều rủi ro tiềm ẩn đối với sự an toàn của hệ thống ngân hàng cũng như khả năng đáp ứng vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn thường ở mức độ rất thấp, trong khi đó tỷ lệ này ở Việt Nam đang rất cao. Thời gian vừa qua, NHNN cũng đã có động thái để giảm dần tỷ lệ này xuống. Bên cạnh đó, cung ứng vốn trung và dài hạn của ngân hàng sẽ có mức giới hạn nhất định nên bắt buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm các nguồn vốn khác. "Chúng tôi kỳ vọng sắp tới thị trường trái phiếu sẽ tiếp tục minh bạch hóa hơn để các doanh nghiệp có kênh huy động vốn thực sự hiệu quả", ông Bình nói.

Ông Trần Anh Quý cho rằng, trong xu thế phát triển tài chính hiện tại, việc mở rộng các kênh huy động vốn, đặc biệt qua thị trường chứng khoán, trái phiếu là những bài toán rất cấp bách.

Tuy nhiên, sự ngưng trệ của thị trường trái phiếu vừa qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc huy động vốn của các doanh nghiệp. Dù khó khăn nhưng các chuyên gia cho rằng, đây vẫn là thị trường rất tiềm năng đối với huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, cũng như các SME của Việt Nam nói riêng. Theo TS. Lê Duy Bình, nếu có những biện pháp, cơ chế pháp lý tốt và tạo ra nền tảng thuận lợi hơn thì chắc chắn niềm tin trên thị trường trái phiếu sẽ được phục hồi. Các doanh nghiệp có phương án phát hành tốt và minh bạch, có tiêu chuẩn với sự giám sát chặt chẽ hơn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các cơ quan giám sát, cơ quan lưu ký, thì niềm tin của nhà đầu tư sẽ quay trở lại. "Đó là cơ hội cho các SME, đặc biệt là doanh nghiệp cỡ vừa vì họ có khả năng cung cấp thông tin, hệ thống thông tin và khả năng phát hành trái phiếu", ông Lê Duy Bình nói.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế
và Chính sách (VEPR)

Chính sách tiền tệ đã hỗ trợ phục hồi kinh tế
Gỡ nút thắt vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 kể từ đầu năm 2023 của NHNN đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng dựa trên tình hình thực tế khi lạm phát trong nước đang được kiểm soát tốt, tỷ giá duy trì ổn định, thanh khoản của hệ thống dồi dào. Với động thái này, NHNN đã phát đi một thông điệp tới NHTM giảm mặt bằng lãi suất huy động, làm cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân.

Có thể thấy, so với giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã giảm. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng như NHNN công bố hiện chỉ 3,36%, tương đối thấp so với các năm trước. Nguyên nhân là do sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang yếu, khó khăn bủa vây khiến doanh nghiệp suy giảm đơn hàng, cầu tiêu dùng cả trong và ngoài nước đều giảm, dù ngành Ngân hàng đã thực hiện một loạt các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, rõ ràng muốn phục hồi, phát triển kinh tế thì chính sách tài khoá và tiền tệ cần phải phối hợp rất nhịp nhàng và có sự song hành. Theo đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn các chính sách tài khóa, đặc biệt các gói hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế, hướng vào các ngành có tác động tích cực. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phải đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện, đúng mục tiêu. Hiện nay các hỗ trợ thường thông qua giảm mức thu các loại phí, lệ phí và đang được thực hiện một cách dàn trải, chưa hiệu quả mà có thể gây ra lãng phí ngân sách. Do vậy, Chính phủ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng, hướng vào các doanh nghiệp có năng lực và khả năng lan tỏa cao, tập trung vào hai khó khăn lớn với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng. Đối với chính sách tiền tệ, cần duy trì trạng thái “thích ứng” với hiện trạng của nền kinh tế có nhiều rủi ro; tiếp tục cân bằng giữa rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn. Ngoài việc hạ lãi suất điều hành phù hợp với bối cảnh trong và ngoài nước, việc điều tiết cung tiền và đảm bảo thanh khoản hệ thống NHNN đã làm khá tốt trong thời gian qua cần được phát huy tốt hơn để đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng. Qua đó, từng bước cải thiện tăng trưởng tín dụng của các NHTM trong các quý còn lại của năm 2023. Bên cạnh đó, cần quản lý thật tốt kỳ vọng lạm phát, chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp dự phòng và hành động nhanh chóng, nhất quán nếu rủi ro lạm phát kỳ vọng tăng dần.

Ông Nguyễn Vân,Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA)
Ngân hàng “cộng sinh” với doanh nghiệp

Gỡ nút thắt vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Có thể thấy, cộng đồng doanh nghiệp hiện đang gặp muôn vàn khó khăn. Qua sự nắm bắt tình hình thực tế của hội viên, chúng tôi nhận thấy sau hơn hai năm chống chọi, nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng vô cùng lớn bởi đại dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp đã khó khăn lại thêm khó bởi đứt gãy chuỗi giá trị cung ứng, hàng tồn kho, mất bạn hàng đối tác, gần đây thêm khó khăn về nguồn điện sản xuất. Đặc biệt, doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ cần nhiều sự quan tâm về cơ chế chính sách, hạ tầng đất đai sản xuất, công nghệ mới.

Nguồn vốn ví như máu chảy trong cơ thể con người. Máu lưu thông tốt thì cơ thể mới thực sự khoẻ mạnh và phát triển. Doanh nghiệp cũng vậy, nguồn vốn có lưu thông tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh của họ mới trơn tru, hiệu quả. Chúng tôi chia sẻ và đồng tình với quan điểm của NHNN rằng, giảm lãi suất là mong muốn thường trực của ngân hàng, doanh nghiệp, Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Nhưng việc giảm lãi suất phải đặt trong bối cảnh ổn định vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, sự ổn định, phát triển an toàn của hệ thống NHTM cũng là đối tác quan trọng trong việc phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, việc NHNN tiếp tục hạ thêm lãi suất điều hành lần thứ 4 kể từ đầu năm tới giờ tạo điều kiện cho các NHTM giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp trong lúc còn khó khăn là điều vô cùng cần thiết lúc này, thể hiện cụ thể mối quan hệ cộng sinh với doanh nghiệp. Để doanh nghiệp ngành công nghiệp tiếp tục phục hồi, duy trì mọi hoạt động đầu tư, tái thiết hệ thống sản xuất kinh doanh, bên cạnh hỗ trợ tiếp sức từ ngân hàng, cần có chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hoá, sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần khẳng định rằng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là các chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng của mỗi quốc gia. Trong đó mỗi chính sách theo đuổi một mục tiêu cụ thể và tuân thủ những quy luật riêng, song đều hướng tới mục đích ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời có mối quan hệ tương tác lẫn nhau cả trong ngắn và dài hạn. Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn trong điều hành chính sách tài khóa sẽ có thêm sự chủ động, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tiếp tục quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp ngành sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra. Ngoài ra, chính sách tài khoá phối hợp với chính sách tiền tệ nhuần nhuyễn hơn để vừa kiểm soát lạm phát, vừa tạo thêm dư địa giảm lãi suất cho chính sách tiền tệ. Qua đó giúp doanh nghiệp cùng hệ thống NHTM phát triển bền vững, góp phần xây dựng đất nước ngày thêm hùng cường.

Nguyễn Vũ

Tin liên quan

Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Theo các chuyên gia kinh tế, khi thời điểm thị trường vàng biến động, nắm bắt tâm lý người dân đổ xô đi mua, các nhà vàng sẽ tăng biên độ giá mua vào và bán ra đẩy rủi ro cho người tiêu dùng. Vì thế cần thận trọng giao dịch lúc này bởi giá mua - bán vàng chênh lệch cao người dân rất dễ chịu thiệt.
Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Theo khảo sát của thoibaonganhang.vn, tính đến 9h sáng nay (14/4), tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng so với phiên trước đó. Giá mua - bán USD tại phần lớn các ngân hàng thương mại được điều chỉnh tăng với biên độ phổ biến từ 25-50 đồng so với phiên trước.
Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Trên khắp nẻo đường quê hương núi Ấn - sông Trà, phong trào thi đua yêu nước đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy tập thể NHCSXH chi nhánh Quảng Ngãi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Theo khảo sát của thoibaonganhang.vn, tính đến 9h sáng nay (12/4), tỷ giá trung tâm không đổi so với phiên trước đó. Giá mua - bán USD tại tất cả các ngân hàng thương mại được điều chỉnh tăng - giảm với biên độ phổ biến từ 50-90 đồng so với phiên trước.
Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Sáng 11/4, Sở Giao thông Công chánh TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sacombank và Mastercard ra mắt Hệ thống thẻ vé điện tử và thẻ Sacombank Mastercard MultiPass - dòng thẻ thanh toán xanh ưu việt dành cho người dân thường xuyên sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

Hiện ở các ngân hàng, tiền gửi 1 tháng có tính chất linh hoạt, phù hợp với những người thường xuyên có nhu cầu sử dụng tiền gấp, nhưng lãi suất lại cao hơn hẳn so với tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi thanh toán.
UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Ngân hàng UOB của Singapore kì vọng trong thời điểm hiện tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách, với lãi suất tái cấp vốn duy trì ở mức 4,50%.
Bảo hiểm nông nghiệp –  "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Bảo hiểm Agribank (ABIC) đề xuất mô hình bảo hiểm tổng thể cho HTX Quảng Ninh là nội dung mà ABIC đã tham gia Hội thảo “Bàn giải pháp bảo hiểm cho HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh” do Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh tổ chức chiều ngày 9/4/2025. Hội thảo không chỉ là diễn đàn trao đổi chuyên môn, mà còn là nơi khơi nguồn cho những mô hình thử nghiệm thực tiễn – nhằm tiến tới xây dựng một hệ sinh thái bảo hiểm nông nghiệp bền vững.
Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại

Theo khảo sát của thoibaonganhang.vn, tính đến 9h sáng nay (11/4), tỷ giá trung tâm giảm 41 đồng so với phiên trước đó. Giá mua - bán USD tại tất cả các ngân hàng thương mại được điều chỉnh giảm với biên độ phổ biến từ 150-189 đồng so với phiên trước.
Sáng 10/4: Tỷ giá trung tâm tăng 28 đồng

Sáng 10/4: Tỷ giá trung tâm tăng 28 đồng

Theo khảo sát của thoibaonganhang.vn, tính đến 9h sáng nay (10/4), tỷ giá trung tâm tăng 28 đồng so với phiên trước đó. Giá mua - bán USD tại tất cả các ngân hàng thương mại được điều chỉnh giảm với biên độ phổ biến từ 100-320 đồng so với phiên trước.
AI
B - Edu
B - Finance
B - Data