Gỡ nút thắt cho ngư dân
![]() |
Ảnh minh họa |
Ngư dân trăn trở
Thực tế, Quảng Nam có ngư trường rộng hơn 40.000km2, thềm lục địa kéo dài 93km, là tài nguyên quý giá để khai thác kinh tế biển. Song ngành thủy sản của địa phương chưa được quy hoạch để phát triển thành ngành mũi nhọn, năng lực của các cảng cá trên địa bàn không đáp ứng được nhu cầu khi ngư dân đầu tư sắm tàu lớn. Đây là sự trăn trở của đa số các ngư dân làm nghề đánh bắt xa bờ.
Ngư dân Phan Thu ở Thăng Bình (Quảng Nam) chia sẻ, hiện nay nếu đầu tư tàu lớn công suất từ trên 500CV thì hầu hết các chủ tàu đều cho tàu cập bến ở các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, thậm chí xa hơn là Bình Định hoặc Phú Yên.
Bởi hiện tại, năng lực của các cảng cá trên địa bàn Quảng Nam chưa đáp ứng được tàu công suất lớn. Chưa nói đến việc nếu các tàu lớn liên tục cập bến sẽ khó bán hàng, rồi sẽ bị tư thương ép giá…
“Nhà nước khuyến khích đánh bắt xa bờ nhưng ngư dân vẫn gặp khó, chưa có biện pháp tháo gỡ như sản phẩm đánh bắt bị tư thương ép giá. Do đó, mong rằng chính quyền tỉnh Quảng Nam cần có phương án xây dựng cảng cá đủ lớn, đi kèm với đó là khu hậu cần phục vụ nghề cá như chợ đầu mối; cụm công nghiệp đóng, sửa chữa tàu thuyền tập trung… Có như thế thì ngư dân sẽ đỡ khổ” – ông Thu phân trần.
Một ngư dân đang sở hữu đội tàu 3 chiếc, với gần 50 lao động của huyện Núi Thành (Quảng Nam) cũng chung trăn trở với ông Phan Thu. Ngư dân này cho biết, trong mùa biển năm 2015, mặc dù trúng đậm mùa cá ngừ, cá nục nhưng thu nhập của người lao động trên tàu thấp hơn gần một nửa so với năm trước.
Ông phân tích, có những chuyến tàu cập bến với thu hoạch trên 20 tấn cá, vào những ngày đầu bán được 30 triệu đồng tấn, nhưng ngày hôm sau chỉ còn 20 triệu đồng/tấn. Chỉ một ngày thôi, chủ tàu đã mất trắng 10 triệu đồng/tấn cá; nếu tính cả chuyến đi biển đã thất thu vài trăm triệu đồng.
Nguyên nhân được ngư dân này cho biết, là cùng lúc nhiều tàu cập bến với sản lượng lớn thì bị các tư thương ép giá. Trong khi tàu thuyền của địa phương tham gia đánh bắt trên biển khá đông, nhưng chỉ có 3 đầu mối tư nhân thu mua hải sản.
Do đó, khi thấy ngư dân đánh bắt về bến với sản lượng lớn, các đầu mối này cấu kết với nhau để “làm giá”... Vậy nên, nếu xây dựng cảng cá lớn, có chợ đầu mối tiêu thụ cá ngay tại khu vực cảng biển thì ngư dân sẽ không phải “nếm” quả đắng như thời gian qua.
Chính quyền vào cuộc
Theo tìm hiểu, chỉ tính riêng huyện Núi Thành đã có trên 1.505 tàu thuyền gắn máy khai thác hải sản, với tổng công suất 123.250CV. Trong số đó, có 247 tàu thuyền có công suất máy từ 90CV trở lên. Trong năm 2015, ngư dân địa phương này đã đánh bắt trên 42.000 tấn hải sản các loại, tăng 5,19%. Sản lượng khai thác tăng trưởng tốt, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm của ngư dân lại gặp khó khăn.
Trước những bất cập đó, để tập trung đầu tư phát triển kinh tế biển theo chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất triển khai quy hoạch phát triển và đầu tư xây dựng cảng cá Tam Quang. Việc đầu tư này nhằm tạo bước đột phá trong phát triển nghề cá theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đặc biệt, trong quy hoạch, cảng cá Tam Quang sẽ dành phần lớn diện tích đất cho DN làm khu bến thu mua và tổ chức các dịch vụ trực tiếp phục vụ xuất nhập khẩu thủy sản (gồm kho bảo quản, sơ chế thủy sản, cung cấp nước đá, xăng dầu, ngư lưới cụ, lương thực, thực phẩm cung ứng cho tàu cá).
Thực hiện được điều này sẽ từng bước tạo đột phá trong phát triển kinh tế biển, tạo điều kiện giúp ngư dân Quảng Nam thuận lợi hơn trong việc bán sản phẩm, có động lực để tham gia bám biển, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
