Gỡ “điểm nghẽn” logistics để phát triển Đông Nam bộ
![]() | Tháo gỡ điểm nghẽn cho ngành logistics Việt Nam |
![]() | Muốn trở thành trung tâm chuỗi logistics: Đà Nẵng có chậm chân? |
![]() | Doanh nghiệp logistics trước cơ hội từ EVFTA |
Ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội logistics TP.HCM (HLA), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn cho biết tại Hội thảo "Logistics vùng Đông Nam bộ: Chia sẻ và góc nhìn từ chuyên gia", do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA) tổ chức mới đây, hiện nay khu vực này còn nhiều “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông đường bộ, đường nhỏ, hẹp, tải trọng hạn chế, gây xung đột giao thông. Đây là thách thức cho doanh nghiệp logistics cần nhanh chóng được giải quyết.
![]() |
Hạ tầng giao thông đường bộ đang là thách thức lớn cho ngành logistics khu vực Đông Nam bộ. |
"Trên thực tế, Đông Nam bộ không chỉ giữ vai trò đầu tàu kinh tế mà còn là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng, đảm nhận phần lớn số lượng hàng hóa và khối lượng hàng container cả nước. Trong khi đó, giao thông đường bộ chưa đáp ứng được tải trọng phù hợp cho giao thương hàng hóa, kết nối cảng với các khu công nghiệp, nhà máy, kho hàng. Điều này dẫn đến vận tải đa phương thức chưa thực sự phát huy hiệu quả vì thiếu kết nối giữa đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa. Việc đầu tư các phương thức này thiếu đồng bộ, thường vênh nhau và thiếu sự thống nhất cả về mục tiêu, kế hoạch thời gian thực hiện", ông Cường đánh giá.
Theo thống kê, vùng Đông Nam bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm 49,2% tổng số doanh nghiệp trong ngành này trên cả nước, tập trung chủ yếu tại TP.HCM với hơn 11.000 doanh nghiệp, Bình Dương có gần 1.700 doanh nghiệp và Đồng Nai có hơn 1.200 doanh nghiệp.
Toàn vùng hiện chỉ mới có duy nhất tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Các dự án quy hoạch đường vành đai và trục giao thông kết nối đang trong tình trạng chậm triển khai. Về đường thủy, trong vùng có sáu tuyến nội địa, tuy nhiên nhiều cầu vượt sông trên các tuyến chính không bảo đảm tĩnh không, khoang thông thuyền (cầu Bình Triệu, cầu Bình Phước). Riêng tại TP.HCM, các tuyến vành đai kết nối với các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ chưa được đầu tư đúng mức, ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông, vận chuyển hàng hóa hai chiều. Hệ thống đường bộ, đặc biệt là hệ thống vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4, chưa hoàn chỉnh; thường xuyên có tắc nghẽn tại các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái, ICD Trường Thọ. Hiện sân bay Tân Sơn Nhất cũng quá tải, các ga hàng không thường hoạt động hết công suất…
Theo ông Nguyễn Công Luân, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu - Sở Công thương TP.HCM, thành phố vừa là trung tâm phân phối lớn vừa là thị trường tiêu thụ lớn nhất nước. Tuy nhiên, việc chưa có các trung tâm logistics đáp ứng đầy đủ tiêu chí, về lâu dài có thể gây nên những ách tắc cho vận chuyển, lưu thông hàng hóa, dẫn đến hoạt động logistics tại thành phố gặp nhiều trở ngại; đáng nói phải kể đến về hạ tầng giao thông đường bộ chật chội, xuống cấp.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng bộ phận nghiên cứu Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI) cho rằng, logistics vùng Đông Nam bộ vẫn còn nhiều tồn đọng, hạn chế, đòi hỏi phải khắc phục kịp thời. Thực tế cho thấy, dịch vụ logistics hiện nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vùng, chi phí logistics còn cao với các nước trong khu vực và sự liên kết giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa đạt hiệu quả.
Để giải quyết những vướng mắc, tồn tại đối với “điểm nghẽn” logistis ở khu vực Đông Nam bộ, các chuyên gia nhận định, việc kết nối hạ tầng vùng là một bài toán khó, đòi hỏi các địa phương phải chung tay giải quyết, phát huy tiềm lực của địa phương, cùng với đó là đóng góp các sáng kiến nhằm hoàn thiện, thúc đẩy hoạt động logistics vùng thuận lợi nhất, đặt lợi ích chung của cả vùng lên trên lợi ích của địa phương. Đối với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cần tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai TP.HCM. Nhất là cần ban hành cơ chế huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, đất đai... để có ngân sách phát triển hạ tầng và có các chính sách thúc đẩy việc liên kết vùng, thông qua cơ chế đặc biệt và sự phối hợp giữa các tỉnh.
Đồng thời, doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ để số hoá dữ liệu hành trình vận chuyển, áp dụng tự động hóa trong lĩnh vực logistics từ khâu vận chuyển, dịch vụ cảng, kho bãi, vận tải...; Hiện đại hóa phương thức quản lý và vận hành, sử dụng hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu hóa logistics nhằm cắt giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ. Năm 2022, thị trường logistics toàn cầu đã phục hồi và bước vào giai đoạn mới với kỳ vọng mang lại tăng trưởng đáng kể cho cả năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng lưu ý, với các biến động của thế giới ở thời điểm hiện tại cũng như trong thời gian tới, doanh nghiệp logistics cần chủ động, chuẩn bị những chiến lược tốt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, duy trì bền vững hoạt động kinh doanh. Nhất là, chú trọng nâng cao công tác đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực logistics chất lượng cao.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
