Giảm phát thải khí nhà kính: Hỗ trợ để doanh nghiệp thích ứng
![]() | Lo ngại vì biến đổi khí hậu |
![]() | Xử lý nhanh thách thức về môi trường để nền kinh tế phát triển bền vững |
![]() | Biến đổi khí hậu - cuộc khủng hoảng tiếp theo |
Ngày 24/7/2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam cập nhật năm 2020, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản thông thường (BAU) bằng nguồn lực trong nước và 27% khi có sự hỗ trợ của quốc tế... Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang xây dựng dự thảo nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn nhằm quy định chi tiết các Điều 91, 92 và 139 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Hướng tới giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Phát biểu tại Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn”, ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT cho biết, nghị định này sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đặt ra trong NDC của Việt Nam. Đây cũng là tiền đề phát triển thị trường carbon trong nước; quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn mà Việt Nam là thành viên.
![]() |
Việt Nam hướng tới mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước |
Đại diện cơ quan soạn thảo cũng đã chỉ ra một số điểm đáng chú ý của dự thảo nghị định, cụ thể dự thảo đưa ra mục tiêu và lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho giai đoạn đến hết năm 2025 và giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030. Theo đó, giai đoạn đến hết năm 2025 sẽ thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030 thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên cơ sở hạn ngạch được phân bổ, trường hợp cơ sở phát thải khí nhà kính vượt hạn ngạch hoặc không sử dụng hết hạn ngạch được phân bổ thì được trao đổi, mua bán trên thị trường carbon trong nước.
Một điểm được nhiều doanh nghiệp quan tâm đó là những đối tượng sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Về vấn đề này, dự thảo nghị định quy định rõ, đó là các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 nghìn tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; cơ sở chăn nuôi bò có số lượng đầu con từ 500 trở lên; cơ sở chăn nuôi lợn có số lượng đầu con xuất chuồng hàng năm từ 3.000 trở lên; các công ty kinh doanh vận tải hàng hoá đường bộ có tổng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm từ 1.000 TOE trở lên…
Ông Lương Quang Huy - Trưởng phòng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn (Bộ TN&MT) thông tin thêm, với con số 1.000 TOE, dự kiến có khoảng 3.000 - 4.000 doanh nghiệp rơi vào danh mục này, chiếm 50% - 60% tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia, phù hợp với yêu cầu quốc tế, tạo điều kiện tham gia vào thị trường carbon sau này.
Tuy nhiên theo đại diện cơ quan soạn thảo, do đây là một vấn đề còn mới và xa lạ với doanh nghiệp, chính vì vậy trong giai đoạn đầu từ nay đến năm 2025, doanh nghiệp không cần có bất cứ một trách nhiệm nào ngoài báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính và hoạt động kiểm kê sẽ do cơ quan nhà nước hỗ trợ.
Bên cạnh đó, thay vì doanh nghiệp tự bỏ kinh phí cho việc xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính, phải thuê chuyên gia tư vấn thẩm định thì trong giai đoạn đầu, sẽ sử dụng nguồn vốn sự nghiệp môi trường để hỗ trợ doanh nghiệp.
Cần lộ trình để doanh nghiệp thích ứng
Góp ý cho dự thảo nghị định, ông Đinh Quốc Thái - Tổng thư ký Hiệp hội thép Việt Nam cho rằng, đây là lĩnh vực mới đối với cộng đồng doanh nghiệp, vì vậy cần phải có lộ trình thích hợp và những đề xuất mang tính khả thi. Đại diện hiệp hội này cũng kiến nghị, cần có ngưỡng phù hợp đối với đặc thù của từng ngành nghề khác nhau và cơ chế minh bạch và công bằng đối với tất cả các doanh nghiệp thay vì áp chung định mức. Nhất là đối với ngành thép - ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng cũng là ngành có lượng phát thải cần kiểm soát. Bởi chiểu theo quy định từ 3.000 tấn phát thải khí CO2 phải kê khai thì tất cả các doanh nghiệp trong ngành thép đều phải kê khai.
Trong khi ông Trần Tuấn Anh - Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, quy định việc xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính từ các cơ sở phát thải sẽ không thể đánh giá được hết phương pháp giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực khác nhau. Đơn cử như trong lĩnh vực năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính không đến từ giảm phát thải trực tiếp từ cơ sở mà gián tiếp qua quy hoạch năng lượng, sử dụng điện tiết kiệm, thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo...
Bên cạnh đó, đối với các nhà máy nhiệt điện, ngay từ khi xây dựng đã tính toán đến các phương án giảm phát thải khí nhà kính, vì vậy việc xây dựng kế hoạch theo năm sẽ không hiệu quả.
Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Canon Việt Nam cho biết hiện tại các doanh nghiệp cũng đã thực hiện nhiều báo cáo, kế hoạch giảm tải sử dụng năng lượng hàng năm. Chính vì vậy, cần có sự hướng dẫn và hỗ trợ để doanh nghiệp có thể thay đổi công nghệ sản xuất, tạo ra hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ môi trường mà vẫn giữ được tính cạnh tranh trên thị trường.
Mặc dù nhìn nhận việc giảm phát thải khí nhà kính là xu hướng đúng đắn, song đại diện nhiều doanh nghiệp tỏ ra băn khoăn khi đây là một lĩnh vực mới, vì vậy các cơ quan chức năng cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thuộc đối tượng của nghị định về tính toán, kiểm kê phát thải khí nhà kính...
Đại diện đơn vị soạn thảo, ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Bộ TN&MT sẽ tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo và tiếp tục trao đổi với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để hoàn thiện nội dung dự thảo nghị định trong thời gian tới. Dự kiến sau khi Chính phủ thông qua, nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 cùng với Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
