Giải quyết rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố: Cần sự vào cuộc đồng bộ
![]() | Công bố kết quả đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố và Kế hoạch hành động, giải quyết rủi ro |
![]() | Ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố |
![]() |
Nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế với công tác PCRT, TTKB |
Với sự tham gia của đại diện nhiều lĩnh vực, ngành nghề, Hội nghị trực tuyến công bố Báo cáo tóm tắt kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 - 2017 và Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố (RTTTKB) giai đoạn 2019 - 2020 được NHNN tổ chức cuối tuần qua đã truyền tải những thông tin hữu ích về các kết quả chính của hoạt động đánh giá rủi ro quốc gia. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống khủng bố ngành Ngân hàng chủ trì Hội nghị.
Hiểu về rủi ro RTTTKB
Đánh giá rủi ro quốc gia về RTTTKB (NRA) đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống RTTTKB giai đoạn 2015 - 2020 ban hành theo Quyết định 2112/QĐ-TTg ngày 25/11/2014, trong đó NHNN chủ trì đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, Bộ Công an chủ trì đánh giá rủi ro quốc gia về tài trợ khủng bố. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam sử dụng bộ công cụ đánh giá rủi ro về RTTTKB do WB xây dựng để thực hiện đánh giá rủi ro RTTTKB.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết: NHNN đã phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan trong gần 2 năm triển khai tích cực NRA với 3 cuộc họp với chuyên gia WB, hơn 20 cuộc họp của các nhóm làm việc, NHNN đã 02 lần gửi xin ý kiến các bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ gửi xin ý kiến 01 lần các bộ, ngành và đến ngày 30/4/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số 474/QĐ-TTg phê duyệt, ban hành Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về RTTTKB của Việt Nam giai đoạn 2012 - 2017 (Báo cáo NRA), Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro RTTTKB giai đoạn 2019 - 2020 (Kế hoạch hành động sau NRA).
Triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với vai trò là cơ quan đầu mối, NHNN đã: Công khai Báo cáo tóm tắt NRA trên website của NHNN (bản tiếng Anh, tiếng Việt) để các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu. Có văn bản gửi các đối tượng thuộc quyền quản lý của NHNN kèm Báo cáo NRA yêu cầu triển khai đánh giá rủi ro về RTTTKB. Đồng thời định kỳ tiến hành rà soát, đánh giá lại và đề ra biện pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro RTTTKB phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của đơn vị mình.
Bên cạnh đó, NHNN đã có văn bản gửi các bộ, ngành đề nghị triển khai các nhiệm vụ mà các bộ, ngành có liên quan được giao chủ trì tại Quyết định số 474/QĐ-TTg, bao gồm việc phổ biến Báo cáo NRA (phần có liên quan) trong nội bộ các bộ, ngành và các đối tượng báo cáo do bộ, ngành quản lý. Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động sau NRA đối với các nội dung thuộc trách nhiệm của bộ, ngành quản lý. NHNN cũng đã có văn bản yêu cầu các đối tượng báo cáo thuộc quyền quản lý của bộ, ngành mình triển khai đánh giá rủi ro về RTTTKB; định kỳ tiến hành rà soát, đánh giá lại và đề ra biện pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro RTTTKB phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của đối tượng báo cáo.
Trong phần công bố kết quả NRA của Việt Nam giai đoạn 2012 - 2017, ông Phạm Gia Bảo - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền nhấn mạnh mục đích của NRA là xác định, đánh giá và hiểu về rủi ro RTTTKB; là cơ sở để quốc gia tập trung nguồn lực một cách hiệu quả vào các lĩnh vực ưu tiên/các lĩnh vực rủi ro về RTTTKB.
“Mục tiêu của NRA là tăng cường năng lực của quốc gia theo 40 khuyến nghị của FATF, xây dựng/cập nhật chiến lược quốc gia về PCRT/CTTKB phù hợp với rủi ro được xác định”, ông Bảo cho biết.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về RTTTKB. Với các thông tin, số liệu, hồ sơ vụ việc thu thập được thông qua cơ chế phối hợp trong nước và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, các bảng câu hỏi khảo sát, các nghiên cứu, thông tin mở; thông qua bộ công cụ của WB đã xác định được “Nguy cơ” về RTTTKB cũng như “Tính dễ bị tổn thương” trong công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của Việt Nam.
Theo đó, báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về RTTTKB giai đoạn 2012 - 2017 đã xác định rủi ro rửa tiền quốc gia là TRUNG BÌNH CAO, rủi ro về tài trợ khủng bố quốc gia là THẤP. Báo cáo cũng xác định rủi ro rửa tiền cụ thể cho từng lĩnh vực kinh tế.
Triển khai NRA là nội dung quan trọng hàng đầu để phục vụ cho đánh giá đa phương cũng như có ảnh hưởng lớn đến kết quả đánh giá đa phương của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền (APG) đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam dự kiến vào cuối năm 2019. |
Xây dựng, triển khai kế hoạch phù hợp
Đại diện phía Cục Phòng chống rửa tiền cũng đã thông tin về dự thảo Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro RTTTKB giai đoạn 2019 - 2020. Trong đó các nội dung chính đề cập tới các nhóm biện pháp liên quan đến khuôn khổ pháp luật; nhóm biện pháp liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền; hợp tác trong nước; các sản phẩm tài chính toàn diện; hợp tác quốc tế.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đề nghị các bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động sau NRA đối với các nội dung thuộc trách nhiệm của bộ, ngành mình; có các hình thức, biện pháp tuyên truyền kết quả NRA đến các đối tượng báo cáo thuộc quyền quản lý của bộ, ngành mình và có văn bản yêu cầu các đối tượng báo cáo thuộc quyền quản lý của bộ, ngành mình triển khai đánh giá rủi ro về RTTTKB.
Tổng hợp kết quả triển khai, kịp thời gửi về NHNN để tiếp tục hoàn thiện báo cáo đánh giá tính hiệu quả của cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố để gửi cho APG trong đầu tháng 7/2019 cũng như phục vụ quá trình giải trình về các nội dung báo cáo đã gửi APG theo đề nghị của đoàn đánh giá. Và phối hợp với các hiệp hội để tổ chức tuyên truyền sâu rộng việc triển khai các nội dung có liên quan trong Quyết định 474 của Thủ tướng Chính phủ trong ngành mình.
Về phía các đơn vị thuộc NHNN, đối với Cơ quan TTGSNH, Phó Thống đốc yêu cầu: Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, khẩn trương hoàn thiện gửi lấy ý kiến các đơn vị thuộc NHNN đối với dự thảo Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro trong lĩnh vực NHNN, trình báo cáo Thống đốc ký ban hành. Chủ trì phối hợp với các vụ cục và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai các nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ; đầu mối tham mưu cho NHNN trong việc phối hợp với các bộ, ngành triển khai các hành động theo Quyết định số 474. Đầu mối đôn đốc các tổ chức báo cáo triển khai những nhiệm vụ được giao trong kế hoạch hành động sau khi được Thống đốc phê duyệt.
Các vụ, cục thuộc NHNN: Khẩn trương góp ý cho dự thảo Kế hoạch mà Cơ quan TTGSNH đưa ra. Tích cực chủ động triển khai những nhiệm vụ được giao trong kế hoạch hành động sau khi được Thống đốc phê duyệt...
Phó Thống đốc cũng đề nghị các đối tượng báo cáo (không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng mà cả các lĩnh vực khác) chủ động truy cập website của NHNN để có thông tin kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về RTTTKB và tổ chức triển khai đánh giá rủi ro về RTTTKB tại đơn vị mình và đề ra biện pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro RTTTKB được phát hiện qua đánh giá phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của đơn vị mình.
Tin liên quan
Tin khác

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại

Sáng 10/4: Tỷ giá trung tâm tăng 28 đồng
![[Infographic] Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam với một số ngoại tệ để xác định trị giá tính thuế từ 10-16/4](https://tbnhnew.mastercms.vn/stores/news_dataimages/2025/042025/10/07/infographic-ty-gia-tinh-cheo-cua-dong-viet-nam-voi-mot-so-ngoai-te-de-xac-dinh-tri-gia-tinh-thue-tu-10-164-20250410075435.jpg?rt=20250410075437?250410075759)