Dung hòa phát triển kinh tế với rủi ro khí hậu
![]() | Tín dụng xanh sẽ giúp giảm thiểu rủi ro từ biến đổi khí hậu |
![]() | 134 triệu USD giúp mở rộng quy mô tài chính xanh cho ASEAN |
![]() | Thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia phòng chống biến đổi khí hậu |
Chậm hành động, hậu quả sẽ càng nặng nề
Sau hơn 2 thập kỷ tăng trưởng ổn định, Việt Nam đặt ra mục tiêu là đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Cùng với đó, hàng loạt mục tiêu dài hạn khác cũng được đặt ra: Phát triển kinh tế xanh, bền vững; cam kết cùng cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050…
Theo Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam (CCDR) của Nhóm WB công bố ngày 14/7, kết quả chuyển đổi, phát triển kinh tế đất nước có đạt các mục tiêu đặt ra hay không thực tế sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả của việc quản lý các nguồn vốn tự nhiên - trữ lượng lớn các nguồn tài nguyên nông nghiệp, rừng và khoáng sản, những yếu tố đã từng giúp thúc đẩy quá trình phát triển tại Việt Nam; cũng như khả năng giảm phát thải, ô nhiễm môi trường tới đâu.
“Muốn đạt tiêu chí quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần phải đối phó dứt khoát với biến đổi khí hậu. Việt Nam cần có các hành động ngay lập tức để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, nói cách khác là tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và khử carbon”, Báo cáo nhấn mạnh.
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo ông Mathukumara Mani - Chuyên gia trưởng về kinh tế môi trường của WB, nếu không có các biện pháp thích ứng, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam thiệt hại tổng cộng 12-14,5% GDP, tức thiệt hại tích lũy là 400-523 tỷ USD tính đến năm 2050. Biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính không chỉ đặt ra thách thức ngày càng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và năng suất lao động; tác động lớn tới nông, lâm, ngư nghiệp mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam trên trường quốc tế trong cả công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.
Để đối phó với tác động của biến đổi khí hậu và phát thải khí nhà kính, báo cáo CCDR đề xuất Việt Nam cần áp dụng mô hình phát triển mới dựa trên hai lộ trình: Thích ứng với khả năng chống chịu biến đổi khí hậu; Giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua lộ trình khử carbon trong quá trình tăng trưởng.
Cụ thể theo ông Mathukumara Mani, tính dễ bị tổn thương cao đối với rủi ro khí hậu của cơ sở hạ tầng, năng suất và vốn xã hội của Việt Nam sẽ hạn chế khả năng thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn của đất nước.
“Do đó, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu là mục tiêu vô cùng quan trọng đối với sự phát triển trong tương lai. Lộ trình xây dựng khả năng chống chịu hàm ý không chỉ việc thích ứng với các rủi ro khí hậu mà còn khả năng có được những năng lực mới và có thể trỗi dậy mạnh hơn sau những cú sốc khí hậu”, chuyên gia này nói.
Trong khi đó, theo ông Jacques Morisset - Chuyên gia trưởng về kinh tế quốc gia và trưởng nhóm chương trình, mặc dù lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,8% tổng phát thải toàn cầu, nhưng vẫn cần xây dựng các biện pháp giảm thiểu vì chính lợi ích của quốc gia.
“Các công ty đa quốc gia và người tiêu dùng tại những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang chuyển hướng sang nền kinh tế carbon thấp. Để duy trì khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần khử carbon trong lĩnh vực năng lượng và thực hiện các hành động trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông và công nghiệp chế biến, chế tạo”, vị này nhận định.
Đầu tư lớn, tăng trưởng kinh tế có bị ảnh hưởng?
Lộ trình thích ứng với biến đổi khí hậu, các chuyên gia WB tính toán tổng nhu cầu tài chính ước tính khoảng 254 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2040 (hay khoảng 4,7% GDP mỗi năm), bao gồm khoảng 219 tỷ USD để nâng cấp tài sản tư nhân và cơ sở hạ tầng; 35 tỷ USD cho các chương trình xã hội. Trong khi đó với lộ trình mục tiêu phát thải carbon ròng bằng “0” (NZP) từ 2022-2040 sẽ cần tổng đầu tư khoảng 81,3 tỷ USD và tác động kinh tế ròng sẽ khác nhau. Trường hợp NZP không có các chính sách cải cách hỗ trợ đi kèm, mức tác động ròng (thiệt hại) có thể lên tới 134,9 tỷ USD. Ngược lại, tác động kinh tế ròng của NZP có cải cách sẽ chỉ gây thiệt hại nhỏ khoảng 1,3 tỷ USD.
“Như vậy, với tổ hợp các chính sách và chiến lược đúng đắn, Việt Nam có thể tận dụng các nỗ lực khử carbon để đạt được mục tiêu phát thải carbon ròng bằng “0” nhưng không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP”, ông Jacques Morisset cho biết.
Theo các chuyên gia WB, nếu được thiết kế hiệu quả thì hai lộ trình này không chỉ giúp đất nước đạt được các mục tiêu về khí hậu mà còn thúc đẩy GDP bình quân đầu người tăng hơn 5% một năm - tỷ lệ trung bình cần thiết để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Tuy nhiên, thành quả tích cực như vậy không phải dễ dàng đạt được ngay. Bởi thứ nhất, nhìn vào đó có thể thấy nhu cầu vốn cho các lộ trình này là rất lớn. Thứ hai, cần có các chính sách cải cách hỗ trợ và các chính sách này phải được xây dựng đảm bảo khả thi và phải được thực hiện bền bỉ, trong cả quá trình dài.
Trong đó, ưu tiên các hành động giảm ô nhiễm không khí; Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế thông qua khử carbon; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; Cải thiện khả năng dịch chuyển lao động trên thị trường trong nước; Giảm tác động đến các khoản đầu tư khác là những ưu tiên cần tập trung trong thời gian tới.
Theo tính toán của các chuyên gia WB, tổng nhu cầu tài chính tăng thêm để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon có thể lên tới 368 tỷ USD cho giai đoạn 2022-2040, hay xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm. Vậy kế hoạch đầy tham vọng này sẽ được chi trả như thế nào?
“Có thể huy động tài chính trong nước nhưng cũng cần sự hỗ trợ từ bên ngoài”, chuyên gia Jacques Morisset cho biết. Việc bù đắp thiếu hụt kinh phí liên quan đến thực hiện lộ trình xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon sẽ đòi hỏi có sự phân bổ lại tiết kiệm từ khu vực tư nhân trong nước sang các dự án liên quan đến khí hậu, tăng tiết kiệm từ khu vực công và huy động hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.
Các chuyên gia nhận định, nỗ lực mạnh mẽ có thể giúp huy động nguồn vốn tư nhân tương đương khoảng 3,4% GDP mỗi năm. Điều này có thể đạt được bằng cách huy động tín dụng xanh từ các ngân hàng, phát triển công cụ dựa trên thị trường như cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh, cũng như áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro.
Bên cạnh đó, Báo cáo CCDR cũng chỉ ra rằng, khoảng 2,4% GDP mỗi năm có thể được tài trợ bởi doanh thu tăng thêm từ thuế carbon (1,4-1,5% GDP mỗi năm) và đi vay trên thị trường trong nước. Ngoài ra, nguồn vốn nước ngoài có thể đến từ các nhà đầu tư tổ chức hoặc các nhà tài trợ đa phương và song phương, bên cạnh việc khai thác đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn kiều hối…
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
