Đoàn kết là sức mạnh vươn tới những tầm cao
Để giúp bạn đọc hiểu hơn về những “góc nhỏ” trong công việc của Vụ Tổ chức cán bộ (TCCB), Thời báo Ngân hàng xin đăng tải một số phát biểu, chia sẻ, cảm nghĩ của những người từng có sự gắn bó và làm việc với Vụ TCCB.
![]() |
Đội ngũ cán bộ, công chức Vụ Tổ chức cán bộ hôm nay |
Bà Vũ Thị Liên, nguyên Phó Thống đốc NHNN, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ:
Nhiệm vụ quan trọng đặc thù
![]() |
Bà Vũ Thị Liên |
Tất cả các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN cũng như các NHTM đều có vị trí, vai trò quan trọng nhất định trong quá trình phát triển của ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, chúng ta đều biết, bất cứ một tổ chức nào, một đơn vị nào, sự tồn vong hay phát triển phụ thuộc rất lớn vào con người. Vụ TCCB là đơn vị tham mưu cho Ban Lãnh đạo NHNN về công tác nhân sự, liên quan tới sự phát triển nguồn nhân lực của ngành Ngân hàng, nên có tính đặc thù và quan trọng đặc biệt.
Liên quan tới tổ chức, Vụ TCCB có trách nhiệm tham mưu cho Ban Lãnh đạo NHNN đối với vấn đề về mở rộng, phát triển mạng lưới, sáp nhập, phân tách các đơn vị… trên cơ sở quá trình theo dõi sự phát triển của từng đơn vị đó để có quy hoạch tốt hơn, phù hợp với mô hình tổ chức hệ thống của ngành Ngân hàng. Đối với vấn đề nhân sự liên quan tới nhiều quá trình, từ việc tham mưu lãnh đạo trong công tác tuyển dụng, tới thực hiện kế hoạch về biên chế, bố trí, sắp xếp về cơ cấu cho những đơn vị, tổ chức tuyển dụng ra sao để đảm bảo vừa tuyển dụng được những người tài, có năng lực cho ngân hàng, vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch, sự công tâm. Vụ TCCB cũng có nhiệm vụ phải theo dõi sự phát triển nhân lực, việc bổ nhiệm, nâng lương, phân công nhiệm vụ; tham gia công tác theo dõi khen thưởng, hay kỷ luật để có thể bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ hoặc có ý kiến đề xuất, tham mưu chuẩn xác cho Ban lãnh đạo khi cán bộ có sai phạm.
Một trong những nhiệm vụ cũng vô cùng quan trọng của Vụ TCCB là công tác đào tạo. Đào tạo phải trên cơ sở có quy hoạch, có nhận xét, đánh giá về lực lượng cán bộ, từ đó đưa ra được những tham mưu cho lãnh đạo để tổ chức các lớp đào tạo như thế nào, hướng đào tạo ra sao, nội dung đào tạo, đối tượng đào tạo và ai là người đào tạo… Điều này đòi hỏi Vụ TCCB cần sự phối kết hợp rất chặt chẽ với các đơn vị, vụ, cục, chi nhánh ngân hàng, NHTM mới có thể phát huy hiệu quả cao nhất.
Điều khiến cá nhân tôi nhớ nhất về Vụ trong thời gian công tác thì đó là một tập thể đoàn kết, là tình cảm chân thành mà anh em cán bộ trong Vụ dành cho nhau. Đâu đó người ngoài nhìn vào Vụ TCCB đôi khi vẫn có tâm lý là cán bộ tổ chức khó gần, nguyên tắc. Cá nhân tôi trước đây từng có suy nghĩ như vậy, nhưng sau khi về Vụ TCCB công tác mới thật sự hiểu được đằng sau cái sự tưởng như “khó gần” đó thì đều là những con người rất chân tình, rất quý trọng và thương yêu, giúp đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp. Hy vọng rằng Vụ TCCB luôn là khối đoàn kết thống nhất để có thể làm tốt nhất việc tham mưu cho Ban Lãnh đạo NHNN về công tác tổ chức, nhân sự, đào tạo một cách chuẩn mực, góp phần vào sự phát triển của ngành Ngân hàng nói chung cũng như NHNN nói riêng.
Ông Nguyễn Quang Thép, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ:
Công tác cán bộ là then chốt
![]() |
Ông Nguyễn Quang Thép |
Khi được Ban cán sự Đảng và Thống đốc NHNN điều động về giữ chức Vụ trưởng Vụ TCCB, tôi thấy đây là vinh dự nhưng cũng cảm thấy rõ trách nhiệm nặng nề, bởi công tác TCCB là công tác rất thiết yếu trong hệ thống ngân hàng. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, tôi đã cùng với Ban Lãnh đạo Vụ TCCB phấn đấu xây dựng một tập thể Vụ TCCB đoàn kết, có mối quan hệ tốt với các vụ, cục Trung ương và chi nhánh ở các tỉnh. Khi nói về Vụ TCCB, nhiều người nghĩ đây là đơn vị gồm những cán bộ kinh qua nhiều năm công tác, khắt khe, nguyên tắc. Do vậy, tôi muốn thay đổi không khí, hình ảnh của Vụ TCCB khác đi, tạo nên một tập thể hoà đồng, thân thiện hơn; tuyển chọn, bổ sung thêm nhiều cán bộ trẻ, có năng lực, có nhiệt tình công tác. Trong những năm đó, Vụ TCCB đã bổ sung thêm được nhiều cán bộ trẻ học tại các trường đại học chuyên ngành về kinh tế, tổ chức cán bộ, hành chính… khiến không khí của Vụ sôi nổi hẳn lên, các hoạt động đoàn thể cũng phong phú hơn nhiều.
Nhận thấy cần phải đào tạo cán bộ của Vụ TCCB nói riêng và của ngành Ngân hàng nói chung bài bản hơn, Vụ TCCB đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức hợp tác của Nhật Bản (JICA), GIZ (Đức), Australia… cử cán bộ có trình độ và có khả năng phát triển đi đào tạo nghiệp vụ tại nước ngoài. Có thể nói, NHNN là một trong các đơn vị, bộ, ngành được cử nhiều cán bộ đi học thạc sĩ tại nước ngoài nhiều nhất. Đa phần, cán bộ đó sau khi trở lại đơn vị công tác đều phát huy tốt vai trò cũng như kiến thức mà mình đã được trau dồi. Đó cũng là một trong những dấu ấn sâu sắc với tôi khi cảm thấy mình đã góp phần làm được một việc tốt cho ngành Ngân hàng trong việc đào tạo cán bộ.
Để chuyên lo về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mới được tuyển dụng về một số nghiệp vụ của NHNN và bồi dưỡng kiến thức ngân hàng mới cho cán bộ đã công tác tại NHNN một thời gian, tôi đã cùng với Ban Lãnh đạo của Vụ TCCB trình Ban Lãnh đạo, Thống đốc NHNN thành lập Trung tâm bồi dưỡng cán bộ ngân hàng (nay là Trường bồi dưỡng cán bộ ngân hàng). Đồng thời hợp tác với các đơn vị như SECO (Thuỵ Sỹ), CIDA (Canada), JICA (Nhật Bản)… tổ chức các khoá đào tạo ngắn ngày, mời các chuyên gia nước ngoài tới giảng dạy cho cán bộ về chuyên môn nghiệp vụ của NHNN và các NHTM.
Thời gian tôi là Vụ trưởng, Vụ cũng đã nghiên cứu kỹ chức năng, nhiệm vụ của các vụ, cục, quy mô hoạt động nghiệp vụ của các chi nhánh để trình Thống đốc phê duyệt định mức biên chế của các đơn vị. Đặc biệt, với hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức CIDA (Canada), một việc rất quan trọng mà chúng tôi đã làm được đó là xác định vị trí công tác của từng vụ, cục, chi nhánh, xây dựng được Bản mô tả công việc cho từng vị trí công tác của toàn bộ hệ thống NHNN. Có thể nói NHNN là đơn vị đã đi tiên phong trong việc này, được Bộ Nội vụ đánh giá rất cao và sau này đã được nhân rộng ra trong toàn quốc.
Công tác tổ chức cán bộ là then chốt. Càng về sau này, Vụ TCCB càng hoạt động bài bản hơn, đáp ứng tốt yêu cầu hoạt động của Ngành nói chung và NHNN nói riêng. Tôi rất mừng được chứng kiến sự phát triển ngày một vững mạnh của Vụ, số cán bộ được bổ sung thời tôi còn công tác tới bây giờ đều đã trưởng thành, phát huy tốt vai trò của mình. Tôi tin và mong rằng Vụ tiếp tục phát huy truyền thống vốn có, cố gắng cùng nhau hợp sức phấn đấu xây dựng Vụ phát triển mạnh mẽ hơn, đạt được nhiều thành tích thời gian tới.
Đồng chí Trần Việt Bắc, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy cơ quan NHTW:
Trọng dụng nhân tài, làm tốt công tác luân chuyển cán bộ
![]() |
Đồng chí Trần Việt Bắc |
Suốt quá trình 60 năm kể từ khi thành lập đến nay, Vụ TCCB luôn thực hiện tốt lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là gốc của mọi việc” để làm tốt công tác tham mưu, có nhiều đóng góp quan trọng, thể hiện rõ vị trí, vai trò nòng cốt đối với sự phát triển chung của ngành Ngân hàng. Trong đó, nổi bật là việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện mô hình, cơ cấu tổ chức của NHNN, đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn cách mạng của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là việc tham mưu để Thống đốc trình Chính phủ ban hành Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN theo từng thời kỳ và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hệ thống ngân hàng có phẩm chất, năng lực, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
60 năm qua, những thế hệ cán bộ, công chức của Vụ TCCB đã luôn tận tâm, tận lực cống hiến cho sự nghiệp ngân hàng. Công tác tổ chức, cán bộ của NHNN nhờ đó mà được thực hiện thận trọng, đúng quy trình, hoạt động của ngành Ngân hàng đạt được những kết quả quan trọng, được Đảng, Nhà nước ghi nhận.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước và ngành Ngân hàng ngày càng hội nhập sâu rộng, việc đổi mới mô hình tổ chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng nhằm đưa Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đi vào cuộc sống, xây dựng bộ máy ngân hàng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam:
Tạo nguồn cán bộ có sự kế thừa và phát triển
![]() |
Ông Nguyễn Văn Tân |
Còn nhớ, năm 1995, khi NHNN có nhu cầu tuyển cán bộ, tôi đã làm đơn xin được về công tác. Chỉ hơn một tháng sau, Vụ TCCB có quyết định điều động tôi từ địa phương về công tác tại Vụ Nghiên cứu kinh tế (nay là Vụ Chính sách tiền tệ). Một quyết định vô cùng nhanh chóng, cho thấy công tác cán bộ được coi trọng từ cấp cơ sở. Sau đó đầu tháng 12/2009, tôi lại được điều chuyển về công tác tại Công đoàn Ngân hàng Việt Nam. Qua 12 năm công tác tại Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, tôi tự nhận thấy việc điều chuyển là rất đúng đắn, vừa giúp tôi phát triển được năng lực, sở trường của bản thân vừa thể hiện được tầm nhìn của Ban Lãnh đạo NHNN trong công tác đào tạo, tổ chức, sắp xếp bộ máy cán bộ.
Có thể nói tới thời điểm này, trong các Vụ, Cục của NHNN đã có nhiều đồng chí lãnh đạo Ngành trưởng thành từ chính cán bộ trong các Vụ, Cục. Sự tham mưu của Vụ TCCB đã tạo ra được nguồn cán bộ dồi dào, luôn có sự kế thừa từ thế hệ đi trước. Càng ngày, công tác tham mưu, đề xuất giúp cho Ban Lãnh đạo về công tác tổ chức bộ máy ngành Ngân hàng càng được thực hiện tốt hơn, góp phần quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ cũng như hoạt động ngân hàng ổn định, được kiểm soát. Cùng với đó, Vụ TCCB còn là đơn vị tham mưu cho Thống đốc trong sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống, đặc biệt là hệ thống NHNN và hệ thống Thanh tra, giám sát để thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra đối với công tác chỉ đạo của toàn hệ thống; hướng các TCTD hoạt động đúng pháp luật. Kết quả đến nay, hoạt động của toàn Ngành đảm bảo hiệu quả, an toàn, góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế. Vụ TCCB còn thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác như triển khai dân chủ cơ sở, công tác đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện rất cơ chế, chính sách cán bộ đối với các thế hệ cán bộ công chức đã nghỉ hưu, người có công như các cán bộ tại B29, B68, N2683, C32, CK…
Với những đóng góp của Vụ TCCB, tôi tin rằng trong thời gian tới Vụ sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa, đặc biệt với đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn cao sẽ đáp ứng được các yêu cầu của hội nhập quốc tế và khu vực.
Bà Chu Thanh Hà, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ:
Cán bộ làm công tác tổ chức phải xuất phát từ cái tâm
![]() |
Bà Chu Thanh Hà |
Rất khó để có thể nói hết, kể đủ những cảm xúc, những kỷ niệm và dấu ấn đối với cá nhân tôi trong suốt quãng thời gian được làm việc tại Vụ. Khi mới bước chân về Vụ, quả thực là chưa hình dung ra công việc của mình là gì. Qua một thời gian, khi bắt đầu có khái niệm về công tác TCCB, lúc đó mới hiểu là nếu mà làm tốt được công việc này quả thực rất nhiều khó khăn và vất vả, mới thấy đúng con người là trụ cột của tất cả mọi vấn đề.
Điều tôi tâm đắc nhất trong suốt 18 năm công tác tại Vụ TCCB chính là tình đồng nghiệp. Những lúc vui, buồn, những lúc công việc khó khăn đều được sự động viên kịp thời của lãnh đạo, anh chị em trong cơ quan, ở mỗi một con người đều có những ưu điểm mà tôi có thể học hỏi được. Sự tương tác giữa mọi người trong Vụ cũng vô cùng đáng quý, người trước truyền đạt kinh nghiệm cho người sau, những cán bộ có nhiều năm công tác cũng được tiếp nhận những điều mới mẻ từ thế hệ trẻ. Thời còn công tác tại Vụ, tôi cùng với nhiều anh em bằng nhiều hình thức luôn tạo ra những hoạt động ngoại khoá để mọi người có cơ hội gắn bó, gần gũi với nhau hơn. Chính vì thế cho tới khi cầm quyết định nghỉ hưu, mỗi khi được trở về Vụ thì với tôi như được về nhà.
Công tác tổ chức khó ở chỗ làm sao tham mưu cho lãnh đạo để sắp xếp cán bộ vào vị trí phù hợp, phát huy tốt nhất khả năng của cán bộ. Là cán bộ làm công tác tổ chức thì sự tham mưu cắt đặt, sắp xếp nhân sự phải xuất phát từ cái tâm. Bắt buộc phải công bằng, nếu không sẽ làm thui chột đi nguồn cán bộ của ngân hàng.
60 năm qua, cùng với các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các đơn vị, Vụ TCCB đã có đóng góp quan trọng trong cả chặng đường phát triển vẻ vang của Ngành. Trải qua năm tháng, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tổ chức, cán bộ cũng được bổ sung cả về lượng và chất. Đáng mừng là càng về sau này, đã có nhiều hơn lãnh đạo của Vụ, đặc biệt là Vụ trưởng được bổ nhiệm từ chính nguồn nhân sự tại chỗ. Tôi tin tưởng là tập thể Vụ TCCB những năm tới sẽ đạt nhiều thành tích hơn, có nhiều kết quả, xây dựng tập thể Vụ ngày càng vững mạnh, là một tập thể luôn yêu thương, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội:
Phát triển đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu từng thời kỳ
![]() |
Ông Nguyễn Minh Tuấn |
Đất nước nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng đã trải qua nhiều biến động thăng trầm trong từng giai đoạn phát triển. Xuyên suốt hành trình đó, Vụ TCCB đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ tham mưu cho Ban lãnh đạo Ngân hàng trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ đáp ứng với yêu cầu của từng thời kỳ.
Khi đất nước bị chia cắt vì chiến tranh, Vụ TCCB đã tham mưu cho Ban lãnh đạo NHNN thành lập hệ thống các trường bồi dưỡng văn hóa và đào tạo nghiệp vụ của ngành, lựa chọn cán bộ trẻ có trình độ gửi đi đào tạo dài hạn ở các nước XHCN. Nhờ vậy mà lực lượng cán bộ của ngành đã liên tục được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng để xây dựng miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Hàng nghìn cán bộ của Ngành tham gia quân đội trực tiếp cầm súng chiến đấu tại chiến trường, “con đường tiền tệ” huyền thoại do các cán bộ - chiến sĩ ngành Ngân hàng vận hành linh hoạt và sáng tạo đã có vai trò quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ hòa bình, cả nước bắt tay vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, đi từ khó khăn khủng hoảng đến đổi mới và phát triển. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đứng trước bất kỳ thách thức nào, Vụ TCCB luôn làm tốt nhiệm vụ trọng tâm là tạo nguồn cán bộ đảm bảo đạt về lượng và chất để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn. Để tiếp quản hệ thống ngân hàng ở miền Nam từ năm 1975, Vụ đã làm việc ngày đêm để lựa chọn điều động cán bộ và đào tạo gấp rút 500 sinh viên để tăng cường cho miền Nam mới được giải phóng. Khi đất nước đi qua khó khăn và bước vào giai đoạn phát triển, Vụ TCCB tiếp tục chú trọng công tác xây dựng nguồn nhân lực. Vụ đã tích cực tham mưu cho Lãnh đạo NHNN trong việc tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ qua các hình thức tận dụng sự hỗ trợ của nước ngoài thông qua các dự án hợp tác đào tạo, cử cán bộ học tập ở nước ngoài; các khóa đào tạo trong nước được đổi mới và đa dạng hóa về phương pháp, nội dung, tăng cường đào tạo bổ sung các kỹ năng mềm. Những nỗ lực của Vụ TCCB đã giúp mặt bằng trình độ cán bộ trong thời kỳ đổi mới và phát triển có chuyển biến vượt bậc, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh hội nhập.
Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ của Vụ TCCB có nhiều thay đổi để thích ứng với tình hình mới, công tác TCCB và đào tạo được đổi mới toàn diện, nội dung công việc của Vụ được phân tách rõ ràng thể hiện tính chuyên nghiệp. Nhiều nhiệm vụ mới phát sinh và ngày càng phức tạp hơn, tuy vậy Vụ TCCB luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp một phần quan trọng cho sự phát triển của NHNN.
Chúng tôi luôn ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ tận tâm, tận tình của các đồng chí lãnh đạo Vụ, các phòng chuyên môn trong nhiều lần thay đổi cơ cấu tổ chức để đến nay, cơ cấu tổ chức của Chi nhánh Hà Nội đã ổn định và phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Chi nhánh, qua đó giúp chi nhánh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ông Hồng Quang, Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Khối nhân sự NHTMCP Ngoại thương Việt Nam:
Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, hiện đại
![]() |
Ông Hồng Quang |
Trải qua 60 năm phát triển và trưởng thành, trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, Vụ TCCB (NHNN) luôn phát huy, nâng cao năng lực tham mưu, đề xuất và triển khai chính sách về công tác tổ chức, cán bộ và đào tạo, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của NHNN. Nhìn lại chặng đường đã qua, Vụ TCCB đã có sự trưởng thành vượt bậc và đạt được nhiều thành tích, góp phần quan trọng vào việc xây dựng tổ chức bộ máy NHNN ngày càng hoàn thiện, đội ngũ cán bộ ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại. Công tác tổ chức cán bộ đã song hành cùng với sự phát triển của ngành Ngân hàng trong suốt 70 năm qua.
Trong thời gian vừa qua, công tác tổ chức cán bộ đã có nhiều đổi mới, được triển khai ngày càng bài bản, chặt chẽ. Ngành Ngân hàng ngày nay đã kế thừa một cách xuất sắc, phát huy hiệu quả những sáng kiến, thành quả tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ của các thế hệ đi trước cũng như kịp thời bổ sung, cập nhật, đề xuất những chính sách mới đồng bộ và toàn diện các khâu của công tác tổ chức cán bộ như: tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm, tuyển dụng, thu hút nhân tài, chính sách tiền lương, nâng ngạch, đào tạo bồi dưỡng, đánh giá phân loại cán bộ, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm… Nhờ vậy, NHNN đã tạo lập được bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sắp xếp, tinh giản biên chế gắn với xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, chính quy, tinh nhuệ, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi việc”, “muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ, sự đoàn kết, nhất trí của tập thể cán bộ Vụ TCCB, đội ngũ cán bộ của ngành Ngân hàng đã liên tục được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng, phát huy mạnh mẽ nguồn lực con người - yếu tố then chốt của mọi vấn đề then chốt, nhân tố quyết định thành công của mọi thành công của ngành Ngân hàng trong suốt 70 năm qua.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
