Điểm lại thông tin kinh tế tuần 08/10 - 12/10/2018
Phiên cuối tuần vừa qua, giá dầu thô WTI kỳ hạn ở mức 71,38 USD/thùng, tăng hơn 18% so với thời điểm cuối năm ngoái, trước đó, có thời điểm giá dầu chạm mốc 82 USD/thùng (cao nhất 4 năm).
Các yếu tố chủ yếu làm tăng giá dầu được tổng hợp như sau: Cơ quan Quản lý Năng lượng EIA dự báo tồn kho nhiên liệu sẽ giảm 0,4 triệu thùng/ngày trong năm 2018, và tăng nhẹ 0,1 triệu thùng/ngày vào năm 2019.
Bên cạnh đó, việc Mỹ tái cấm vận Iran có hiệu lực vào ngày 04/11 tác động đáng kể lên giá dầu. Lệnh cấm vận cấm tất cả hoạt động mua bán dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ Iran (nhà sản xuất dầu thô lớn thứ 5 thế giới). Ấn Độ (khách hàng lớn thứ 2 của Iran, NK khoảng 580.000 thùng/ngày) quyết định cắt giảm nhập khẩu hoàn toàn dầu thô Iran trong tháng 11.
Những khách hàng lớn khác bao gồm Hàn Quốc và Nhật cũng đã dừng nhập khẩu (giảm 250.000 thùng/ngày). Hiện vẫn chưa rõ động thái của Trung Quốc (khách hàng lớn nhất của Iran) có tiếp tục nhập khẩu từ Iran hay không.
Ngoài ra, OPEC và nhóm các quốc gia đồng minh đồng ý không tăng sản lượng nhằm bù đắp sản lượng thiếu hụt từ Iran. Mỹ cũng khẳng định sẽ không xả kho dự trữ dầu thô khẩn cấp vì mục đích bình ổn giá dầu khi lệnh cấm vận được chính thức áp dụng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giá dầu sẽ tái lập mốc 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Theo hãng tin Bloomberg, trong trường hợp đó, sẽ có cả những quốc gia hưởng lợi và những nước chịu thiệt hại. Các nước xuất khẩu dầu lửa sẽ thu được nhiều tiền hơn, củng cố tình hình ngân sách cho các công ty và chính phủ.
Ngược lại, các nước tiêu thụ dầu sẽ chứng kiến giá xăng dầu tăng, đặt ra nguy cơ thổi bùng lạm phát và làm suy giảm nhu cầu trong nền kinh tế. Giá dầu cao hơn sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đến thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng ở từng quốc gia sẽ khác nhau.
Ví dụ, châu Âu là khu vực dễ tổn thương, bởi nhiều nước ở khu vực này nhập khẩu ròng dầu. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và lạm phát ở nước này nhiều khả năng sẽ tăng.
Ngoài ra, các yếu tố mùa vụ cũng là điều cần phải tính đến, khi mùa đông đang đến gần ở khu vực bán cầu Bắc. Mặc dù người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng thay thế để tiết giảm chi phí, như nhiên liệu sinh học, khí tự nhiên, nhưng điều này không thể thực hiện nhanh chóng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng mức giá dầu 100 USD/thùng ở thời điểm hiện nay sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu nhiều như hồi năm 2011. Một phần là do các nền kinh tế trên thế giới đã giảm bớt được sự phụ thuộc vào năng lượng; cách mạng khai thác dầu đá phiến ở Mỹ đã giúp nước này tự chủ tốt hơn nguồn cung dầu.
Hơn nữa, mức độ ảnh hưởng sẽ tùy thuộc vào lý do vì sao giá dầu tăng cao hơn. Một cú sốc giá dầu do nguồn cung thắt chặt sẽ có nhiều tác động tiêu cực, nhưng nếu giá dầu tăng do nhu cầu cao, điều đó chỉ đơn thuần phản ánh sự tăng trưởng vững vàng của kinh tế toàn cầu.
OPEC vừa có động thái cắt giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2019. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu, trên cơ sở những trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế, từ xung đột thương mại cho tới biến động ở các thị trường mới nổi. OPEC cho rằng thị trường dầu lửa đã đủ cung, và thậm chí có thể vẫn thừa cung trong năm tới.
Đối với giá dầu trong nước, theo Bộ Công thương, do giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây tăng mạnh nên giá xăng dầu trong nước khó có thể không tăng giá. Trong kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 6/10, Liên Bộ Công thương – Tài chính đã công bố điều chỉnh tăng mạnh giá xăng dầu: Xăng E5 RON92 tăng 675 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 577 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S tăng 485 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 403 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 752 đồng/kg. Đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm 2018 và là lần tăng thứ 3 liên tiếp.
Theo ý kiến chuyên gia, lạm phát sẽ chịu áp lực khi xăng dầu tiếp tục tăng giá kéo theo chi phí sản xuất và tiêu dùng tăng, giá các loại hàng hóa và dịch vụ trên thị trường sẽ tăng theo bởi xăng dầu là đầu vào quan trọng của nhiều ngành. Vì vậy, có chuyên gia cho rằng, một trong những điều kiện quan trọng để đạt mục tiêu lạm phát dưới 4% là trong năm 2018 là nền kinh tế không gặp phải cú sốc lớn nào về giá năng lượng.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ, tuần từ 08/10 – 12/10, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều chỉnh tăng – giảm rất nhẹ qua các phiên trong tuần. Chốt tuần 12/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.721 VND/USD, tăng nhẹ 01 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được NHNN niêm yết ở mức 22.700 VND/USD; tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng ở mức 22.775 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.353 VND/USD.
Tỷ giá LNH biến động tăng – giảm tương đối nhẹ trong tuần. Cuối tuần 12/10, tỷ giá giao dịch ở mức 23.348 VND/USD, tăng 01 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 12/10, tỷ giá giảm 40 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.420 VND/USD - 23.440 VND/USD.
Với thị trường tiền tệ LNH, tuần qua, sau khi giảm phiên đầu tuần, lãi suất LNH VND tăng nhẹ ở hầu hết các phiên còn lại ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 12/10, lãi suất giao dịch quanh mức: ON 3,10% (+0,12 đpt); 1W 3,26% (+0,03 đpt); 2W 3,42% (+0,02 đpt); 1M 3,82% (-0,01 đpt).
Lãi suất LNH đối với USD chỉ tăng nhẹ ở kỳ hạn ON trong khi giảm nhẹ ở các kỳ hạn còn lại so với tuần trước đó. Phiên cuối tuần 12/10, lãi suất đứng ở mức ON 2,30 (+0,02 đpt); 1W 2,39% (-0,02 đpt), 2W 2,45% (-0,03 đpt) và 1M 2,62% (-0,02 đpt).
Với thị trường mở, tuần qua, NHNN chào thầu 15.000 tỷ đồng tín phiếu NHNN, 2 phiên đầu tuần với 6.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ nguyên ở mức 2,75%, 3 phiên cuối tuần với 9.000 tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày, lãi suất ở mức 3,0%. Các TCTD hấp thụ được 6.180 tỷ đồng. Trong tuần khối lượng tín phiếu đáo hạn ở mức khá cao với 22.981 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 37.140 tỷ đồng.
NHNN duy trì chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố trong tuần qua với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,75%, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu. Trong tuần, có 217 tỷ đồng đáo hạn, chốt tuần không còn số dư trên kênh cầm cố.
Như vậy, NHNN bơm ròng 16.584 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong tuần vừa qua.
Trên thị trường trái phiếu, trong tuần, KBNN gọi thầu 5.600 tỷ đồng TPCP ở 3 loại kỳ hạn 5, 10 và 15 năm. Tuy nhiên, chỉ có 1.106 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm được huy động trên tổng số 2.600 tỷ đồng gọi thầu. Hai loại kỳ hạn còn lại không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm ở mức 4,85% (+0,05 đpt).
Ngân hàng Chính sách xã hội gọi thầu 1.500 tỷ đồng TPCPBL ở 2 loại kỳ hạn 10 và 15 năm. Kết quả, Cơ quan này chỉ huy động được 800 tỷ đồng kỳ hạn 15 năm trên tổng số 1.000 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu giữ nguyên ở mức 6%.
Trên thị trường chứng khoán, thị trường có một tuần giao dịch đầy biến động, sụt giảm mạnh vào phiên Thứ Năm 11/10 khi chịu ảnh hưởng của thị trường chứng khoán thế giới, Tuy đã hồi phục tích cực trở lại vào phiên cuối tuần, chốt tuần 12/10, VN-Index vẫn đứng ở mức 970,08 điểm, giảm mạnh 38,31 điểm (-3,80%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm mạnh 4,91 điểm (-4,28%) xuống 109,76 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức trên trung bình với giá trị giao dịch đạt trên 6.100 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng gần 664 tỷ đồng trên cả 2 sàn.
Tin quốc tế
Trên thị trường tài chính quốc tế, thị trường chứng khoán Mỹ tụt dốc liền 6 phiên trước khi phục hồi trở lại trong ngày thứ Sáu (12/10). Đây cũng là năm tài chính đầu tiên trong 7 năm có tới ba ngày chứng khoán giảm tới 3%. Nhiều yếu tố đang làm chao đảo thị trường, từ các đợt nâng lãi suất của Fed và căng thẳng địa chính trị với Trung Quốc cho tới nỗi lo về đà giảm tốc của lợi nhuận doanh nghiệp – một yếu tố đã hỗ trợ thị trường chứng khoán trong nhiều năm qua.
Niềm tin lạm phát tại Mỹ đang tăng mạnh đã bị phá vỡ với chỉ số CPI tháng 9 chỉ tăng 0,1% kéo theo lạm phát lõi cũng tăng thấp hơn mong đợi. Dù không làm thay đổi quyết định tăng lãi suất của Fed nhưng đây lại là chỉ báo quan trọng, tạo nên bất đồng trong quan điểm Fed – Trump.
Trước đó, Tổng thống Trump liên tục chỉ trích Fed khi cho rằng việc tăng nhanh lãi suất hiện tại là không phù hợp bởi nền kinh tế đang tăng trưởng tốt và không có vấn đề gì về lạm phát.
Đàm phán Brexit thật sự trở nên tích cực khi cả Anh và Liên minh Châu Âu EU đang cùng tiến đến những thỏa thuận riêng về hải quan, chính sách thương mại dành cho Anh sau khi nước này rời khỏi EU vào tháng 3/2019. Các quan chức của cả hai bên đang đẩy mạnh giai đoạn đàm phán này để có thể hoàn thành trước cuộc họp thượng đỉnh EU sẽ diễn ra vào ngày 17/10.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường carbon từ tầm nhìn chiến lược
