Dịch vụ tài chính cá nhân ngày càng sôi động
Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho các ngành kinh tế số với gần 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, 72% dân số sở hữu điện thoại thông minh, 130 triệu thuê bao di động, 64 triệu người dùng Internet.
Với tỷ lệ dân số trẻ cao và thu nhập ngày càng tăng, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng nói chung và nhu cầu về các dịch vụ tài chính cá nhân của người dân từ đó cũng không ngừng tăng lên. Cũng bởi vậy, dịch vụ tài chính cá nhân đang trở thành một trong những định hướng chiến lược của các NHTM. Bắt kịp sự thay đổi về nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng, sản phẩm, dịch vụ tài chính cá nhân của khách ngày càng đa dạng, từ tiết kiệm, đầu tư, tiêu dùng… đến thanh toán.
Mới đây, VIB, Công ty SAP Việt Nam và CTCP tư vấn Công nghệ NGS đã tổ chức lễ khởi động dự án CDP (Customer Data Platform) hay còn gọi là nền tảng dữ liệu khách hàng cho VIB.
Với việc triển khai CDP, VIB sẽ phát triển một hệ thống cơ sở dữ liệu khách hàng tập trung cho tất cả các sản phẩm dịch vụ... Từ đó, đưa ra các đề xuất sản phẩm và nội dung phù hợp, nâng cao sự tương tác của khách hàng với các dịch vụ của ngân hàng, nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất được cá nhân hóa cho từng khách hàng trong thời gian thực...
Hay NCB đã tập trung phát triển ứng dụng ngân hàng số NCB iziMobile. Ngoài những tính năng quen thuộc như quản lý tài khoản, chuyển khoản, tiết kiệm online... NCB iziMobile còn được tích hợp những công nghệ mới với tính bảo mật cao, các tính năng thanh toán tiện lợi, an toàn, chính xác, nhanh chóng.
Các chuyên gia cho rằng, ngân hàng Việt đang ngày càng chú trọng đến đối tượng khách hàng cá nhân trong tiến trình số hoá của mình. Với những nỗ lực trên, người dùng đang ngày càng sử dụng dịch vụ ngân hàng số nhiều hơn thông qua các con số tăng trưởng ấn tượng về thu hút người dùng mới và giao dịch qua các kênh số của các nhà băng.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng các ngân hàng cũng đang gặp không ít thách thức trong phát triển dịch vụ tài chính cá nhân, đặc biệt là sự cạnh tranh trực tiếp từ các công ty Fintech. Số lượng công ty Fintech tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần trong 6 năm qua, từ 39 công ty năm 2015 lên tới hơn 150 công ty vào năm 2021. Các công ty Fintech hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm trung gian thanh toán và ví điện tử, cho vay ngang hàng, công nghệ chuỗi khối, tiền kỹ thuật số và kiều hối... Các công ty Fintech cũng đang tích cực cho ra mắt nhiều sản phẩm dịch vụ tài chính cùng ưu đãi hấp dẫn dành cho khách hàng cá nhân, cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm ngân hàng.
Không chỉ vậy, theo ThS. Vũ Thị Thuỳ Linh (Trường Đại học Thương mại), cơ chế pháp lý hỗ trợ tiến trình số hoá của các ngân hàng vẫn chưa đồng bộ. Đơn cử khách hàng có thể sử dụng eKYC để mở tài khoản, nhưng để được cấp chữ ký số, ngân hàng vẫn yêu cầu phải gặp mặt trực tiếp, điều này cũng đồng nghĩa quy trình chuyển đổi số chưa được thực hiện 100%.
Một vấn đề khác, các ngân hàng muốn hợp tác với Fintech tạo ra hệ sinh thái chung để tận dụng thế mạnh của nhau trong việc nâng cao trải nghiệm của khách hàng nhưng khuôn khổ pháp lý và cơ chế khuyến khích cho sự hợp tác này chưa theo kịp nhu cầu của họ.
Ngoài ra, nhiều nhà băng cũng gặp thách thức khi chi phí đầu tư cho công nghệ không hề nhỏ, trong khi vòng đời công nghệ thường rất ngắn do luôn xuất hiện công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Để thu hút khách hàng, chuyên gia cho rằng các ngân hàng cần xác định phát triển ngân hàng số phải có bản sắc riêng, sự khác biệt rõ ràng, với những tiện ích thiết thực để thu hút khách hàng, nâng cao trải nghiệm và chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Xây dựng quy trình đào tạo kỹ năng sử dụng khách hàng, thực hiện cài đặt và sử dụng dịch vụ đơn giản để thay đổi thói quen người dùng. ThS. Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện Trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN nhấn mạnh, ngân hàng có thể thành lập nhóm nghiên cứu chuyên biệt về ứng dụng công nghệ 4.0 trong sáng tạo và phát triển sản phẩm dịch vụ mới hướng tới khách hàng, thực sự lấy khách hàng làm trung tâm, từng bước cá thể hóa sản phẩm theo nhu cầu, sở thích của khách hàng và tiến hành chiến lược marketing tới từng khách hàng qua các kênh mạng xã hội nhằm tận dụng lợi ích tối đa của công nghệ số. Chủ động kết nối với các đối tác, khách hàng lớn tạo lập và dẫn dắt hệ sinh thái cung ứng dịch vụ tài chính gắn liền với hàng hóa, dịch vụ giải trí, du lịch, khách sạn, mua sắm hàng hóa... trọn gói “all in one”.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
