Để phát triển khu công nghiệp hiệu quả
Kỳ vọng tín dụng khu công nghiệp Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Đông Anh gần 300 ha |
Vai trò quan trọng
Theo báo cáo của Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến năm 2023 cả nước đã có 416 KCN được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố (bao gồm 369 KCN nằm ngoài các KKT, 39 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha. Trong đó, có 296 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha; và còn 119 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất công nghiệp khoảng 24,7 nghìn ha. Các KCN, KKT trên cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 4,15 triệu lao động trực tiếp.
Các KCN đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến cuối năm 2022, các KCN đã thu hút được hơn 11.200 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 231 tỷ USD, và 10.400 dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký đạt 2,54 triệu tỷ đồng. Các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.
Theo TS. Ngô Công Thành - Ủy viên ban BCH lâm thời Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA), Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC), các KCN, KKT thời gian qua đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện qua việc thu hút được một lượng vốn đầu tư lớn bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng bền vững; góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và tăng năng suất lao động; góp phần thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt là với các đối tác quan trọng…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, TS. Ngô Công Thành cho rằng, việc thu hút đầu tư phát triển KCN, KKT đã bộc lộ những hạn chế cần được khắc phục. Một trong số đó là chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; liên kết hợp tác trong KCN, KKT, giữa các khu với nhau và giữa KCN, KKT với khu vực bên ngoài còn hạn chế. Bên cạnh đó, chủ đầu tư các dự án kinh doanh hạ tầng KCN Việt Nam do năng lực tài chính hạn chế, có tâm lý chờ đợi tìm được nhà đầu tư thứ cấp rồi mới đầu tư hạ tầng dùng chung trong KCN. Trong khi đó nhà đầu tư nước ngoài lại muốn có mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật ngay thì mới quyết định đầu tư. Chính vấn đề “Con gà, quả trứng” này đã khiến nhiều KCN có tỷ lệ lấp đầy thấp. Như số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,7%; Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,4%.
![]() |
Các KCN đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước |
Chuyển đổi sang KCN sinh thái
Trong một báo cáo gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra mục tiêu thu hút đầu tư vào các KCN, KKT đến năm 2030 như sau: Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 390- 460 tỷ USD, trong đó vốn trong nước khoảng 2,7 triệu - 3,2 triệu tỷ đồng (tương đương 110-130 tỷ USD), vốn FDI khoảng 280-330 tỷ USD; Tổng vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 300-370 tỷ USD, trong đó vốn trong nước đạt 1,5 triệu -2 triệu tỷ đồng (tương đương 60-80 tỷ USD), vốn FDI đạt 240-290 tỷ USD…
Để đạt được các mục tiêu như vậy, bên cạnh các giải pháp thu hút các dự án đầu tư vào các KCN, KKT để nâng tỷ lệ lấp đầy còn thấp như hiện tại, việc tiếp tục đầu tư phát triển các KCN cũng cần ưu tiên. Theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2021, đến năm 2030 diện tích đất phát triển các KCN sẽ đạt khoảng 210.930 ha. Như vậy, từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 120.000 ha KCN, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 80.000 - 85.000 ha. Theo khảo sát của Viện ISC, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng KCN đã được quy hoạch đến năm 2030 và vốn đầu tư để lấp đầy các KCN sẽ khoảng 670-720 tỷ USD.
Trong bối cảnh mới hiện nay, với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, việc Việt Nam chuẩn bị sẵn “đất diễn” cho họ trong triển khai các dự án là một trong những yếu tố tiên quyết. Bởi vậy, quy mô, mức độ hiện đại và “sạch” của các KCN và hạ tầng liên quan là những thành tố quan trọng để có thể tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư cả trong ngắn và dài hạn. Theo đó, phát triển các KCN mới phải theo hướng KCN sinh thái; và các KCN hiện tại cũng dần phải chuyển đổi thành KCN sinh thái là xu thế tất yếu. Hiện chúng ta có Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và KKT đã bổ sung các quy định đối với loại hình KCN sinh thái để góp phần thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo định hướng, đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới. Điều này càng đòi hỏi nguồn vốn lớn hơn dành cho phát triển các KCN sinh thái.
TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho biết, trong 416 KCN hiện hữu mới chỉ có khoảng chục KCN sinh thái. “Các KCN còn lại chắc chắn phải chuyển đổi. Nhưng khi chuyển đổi doanh nghiệp được gì? Và quy trình, thủ tục, quyền lợi và trách nhiệm về việc chuyển đổi sang KCN sinh thái như thế nào. Quy định pháp lý về việc sử dụng nước tái chế, sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo… chưa rõ ràng, gây khó khăn trong thực hiện dự án. KCN sinh thái là xu hướng tất yếu nên doanh nghiệp phải có trách nhiệm, nhưng đương nhiên Nhà nước cũng cần có hướng dẫn cụ thể và rõ có cơ chế ưu đãi”, chuyên gia này chia sẻ.
Cùng quan điểm, luật sư Bùi Văn Thành, Phó Chủ tịch ISC cho rằng, cho đến nay nhiều vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển KCN sinh thái, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái chưa được hướng dẫn cụ thể. Hiện nay mới chỉ có các chính sách ưu đãi chung, áp dụng cho tất cả các loại hình KCN, chưa có chính sách ưu đãi đặc biệt cho phát triển loại hình KCN sinh thái. Trong khi việc triển khai KCN sinh thái rất tốn kém, vì thế cần phải bổ sung những chính sách ưu đãi cụ thể về tiếp cận đất đai, quy hoạch, nguồn vốn đầu tư và khoa học công nghệ… để tháo gỡ.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
