Đẩy mạnh cung ứng vốn phục hồi kinh tế
![]() | Gia tăng kết nối ngân hàng-doanh nghiệp |
![]() | Ngành Ngân hàng đất Cảng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó |
![]() | Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp |
Ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh
Tại Hội nghị sơ kết chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm do UBND TP.HCM tổ chức hôm 20/10, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, năm 2021 có 11 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn thành phố đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, tổng số tiền cam kết là 312.045 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi; cùng với các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn nợ… Tính đến cuối tháng 9/2021 các TCTD đã giải ngân được khoảng 242.600 tỷ đồng đối với 21.761 khách hàng doanh nghiệp.
Bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các chương trình kết nối, các TCTD trên địa bàn còn tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19 theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và UBND thành phố. Theo NHNN TP.HCM, lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 9/2021 tổng dư nợ hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng Covid-19 của các TCTD trên địa bàn đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng (bằng 60% tổng dư nợ trên địa bàn). Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 151.336 khách hàng với dư nợ hiện tại 127.973 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 62.014 khách hàng với dư nợ hiện tại 7.251 tỷ đồng; cho vay mới 193.060 khách hàng với doanh số đạt 334.971 tỷ đồng.
![]() |
TP.HCM đặt vai trò của chính quyền quận, huyện rất quan trọng trong kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp |
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, từ nay đến cuối năm 2021 NHNN thành phố sẽ đôn đốc chỉ đạo các TCTD giải ngân nốt khoảng 70.000 tỷ đồng còn lại của gói tín dụng 312.045 tỷ đồng các ngân hàng đã đăng ký đầu năm nay.
Ngay tại Hội nghị, 13 TCTD thuộc 8 thương hiệu ngân hàng đã cam kết hỗ trợ 15.500 tỷ đồng dư nợ cho 64 doanh nghiệp. Các hình thức hỗ trợ bao gồm: miễn giảm phí, lãi vay cũ, cho vay mới và gia hạn nợ cho các doanh nghiệp. Theo đó, lãi suất cho vay mới sẽ được các ngân hàng áp dụng tối đa 4,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn bằng VND, 9%/năm đối với khoản vay trung dài hạn.
Không để doanh nghiệp thiếu vốn
Đại diện một số doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tín dụng tại Hội nghị cho rằng, việc hỗ trợ vốn của các TCTD trên địa bàn là rất kịp thời, đúng vào thời điểm doanh nghiệp đang cần vốn phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm. Mức lãi suất cho vay cũng khá thấp, giúp cho doanh nghiệp giảm bớt được nhiều chi phí tài chính, qua đó tăng được năng lực cạnh tranh trong bối cảnh khó khăn hiện tại.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) cho rằng, sau nhiều tháng dịch bệnh, nguồn vốn dự trữ của các doanh nghiệp đã cạn kiệt. Vì vậy thời điểm này các doanh nghiệp đang rất cần nguồn tài chính mới để bổ sung vào kế hoạch thu mua, dự trữ nguyên phụ liệu chuẩn bị cho mùa sản xuất phục vụ thị trường Noel, Tết. “Do đó, ngoài việc cho vay lãi suất ưu đãi, nếu các ngân hàng có thể nâng hạn mức định giá tài sản thế chấp đối với những doanh nghiệp đang làm ăn có uy tín, có dòng tiền trả nợ thì sẽ tạo điều kiện tốt để phục hồi”, bà Chi đề xuất.
Đồng quan điểm, bà Võ Xuân Bội Lâm - Tổng giám đốc Công ty USM Healthcare cũng cho rằng, việc các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục cho vay mới với lãi suất thấp trong thời gian đã giúp nhiều doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể phục hồi bền vững sau dịch bệnh, đề nghị các ngân hàng xem xét nới thêm thời gian trả nợ và tăng cho vay vốn dài hạn để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất.
Ghi nhận và đánh giá cao sự trợ lực của hệ thống các TCTD cho kinh tế thành phố nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng trong thời gian qua, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị NHNN chi nhánh TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, quận, huyện và các hiệp hội ngành hàng để giải ngân các khoản vay đã cam kết trước đó, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bà cũng yêu cầu các sở, ban, ngành phải chủ động nắm bắt tình hình hoạt động trong lĩnh vực ngành mình quản lý để có những đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Mục tiêu là không để doanh nghiệp nào có đủ điều kiện vay vốn mà không tiếp cận được nguồn vốn vay phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó, từ nay đến hết năm 2021 mỗi quận, huyện và TP. Thủ Đức phải tổ chức ít nhất một hội nghị kết nối ngân hàng hoặc ký kết trực tiếp giữa các ngân hàng và doanh nghiệp.
Chia sẻ về chủ trương của TP.HCM trong tái thiết kinh tế sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, bà Thắng cho biết, thành phố sẽ đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ các nhóm doanh nghiệp phục hồi có tính lan tỏa cao, các lĩnh vực ngành nghề có nguồn thu cao, bên cạnh đó sẽ có chính sách cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và có giải pháp đón lao động trở lại.
Năm 2021 có 11 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn thành phố đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, tổng số tiền cam kết là 312.045 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi; cùng với các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn nợ… Tính đến cuối tháng 9/2021 các TCTD đã giải ngân được khoảng 242.600 tỷ đồng đối với 21.761 khách hàng doanh nghiệp. |
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
