Đầu tư công, quyết liệt để hiện thực hóa kỳ vọng
Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng Đề nghị sửa Nghị định 40 về đầu tư công |
Những tín hiệu tích cực
Theo báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2023 của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công từ tháng 1-5/2023 đạt 22,2% so với kế hoạch dự toán được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (707,4 nghìn tỷ đồng) cho năm tài chính 2023, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2022. Số liệu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua cũng cho thấy, công tác thực hiện đầu tư công đã đạt khoảng 177.000 tỷ đồng, trong đó giải ngân vốn đến ngày 31/5 đã đạt trên 157 nghìn tỷ đồng, cao hơn 41 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Những tín hiệu tích cực trong đầu tư công liên tiếp đến trong thời gian qua khi một số đoạn tuyến cao tốc phía Bắc được khởi công; một số dự án giao thông trọng điểm, đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã khánh thành và đi vào khai thác…
Và ngay trong tháng 6 này, nhiều dự án cao tốc kết nối nội vùng và liên kết các vùng đồng loạt được khởi công. Ngày 17/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính có mặt tại tỉnh An Giang để dự lễ khởi công dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (dự án trọng điểm quốc gia, có tổng mức đầu tư gần 45.000 tỷ đồng). Chỉ một ngày sau đó, Thủ tướng lại có mặt tại TP. Hồ Chí Minh dự lễ khởi công 3 dự án với tổng chiều dài khoảng 247 km và tổng mức đầu tư khoảng 115.000 tỷ đồng (gồm: dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột). Và ngày 25/6, khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…
![]() |
Chính phủ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công |
Điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là để có được những tín hiệu tích cực ấy là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ chủ trương chính sách, các cơ chế của Nhà nước, Quốc hội, đến chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc kịp thời của Chính phủ và nỗ lực triển khai thực hiện của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị triển khai dự án. Đã có những dự án hoàn thành trước tiến độ (như dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoàn thành sớm 3 tháng); có những dự án khởi công đúng kế hoạch nhờ công tác chuẩn bị được rút ngắn (như với dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, công tác chuẩn bị chỉ khoảng 1 năm so với mức trung bình 2 năm theo cách triển khai thông thường) hay mặt bằng đã sẵn sàng (như công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đường Vành đai 4 đã hoàn thành khoảng 81,5%) không chỉ cho thấy chính sách và các nỗ lực chỉ đạo, điều hành quyết liệt trong suốt thời gian qua đã bắt đầu mang lại hiệu quả mà còn cho thấy các cơ chế đặc thù, đặc biệt là việc đẩy mạnh phân cấp phân quyền (giao địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án), huy động nguồn lực cho các dự án từ kết hợp giữa ngân sách Trung ương và địa phương… đã phát huy tác dụng, càng làm càng “chắc tay” và mang lại hiệu quả tốt hơn.
Kỳ vọng tạo cú huých cho nền kinh tế
Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực như kể trên không phản ánh hết được bức tranh đầu tư công vẫn còn nhiều khó khăn. Câu chuyện giải ngân đầu tư công chậm gắn với những vướng mắc về thủ tục, cơ chế, những bất cập tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết. Trong bối cảnh rất nhiều thách thức, khó khăn, triển vọng kinh tế năm 2023 được kỳ vọng rất nhiều vào đầu tư công như một động lực chính. Và nếu thực sự hiện thực hóa được kỳ vọng này, câu chuyện “muôn thuở” về giải ngân đầu tư công sẽ thay đổi.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, Chính phủ đang tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023. “Sự gia tăng đầu tư công nói chung và những nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công tại 17 bộ, cơ quan Trung ương nói riêng là động thái quan trọng của kích cầu trong nước, động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới”, chuyên gia này nhận định.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, nếu giải ngân đầu tư công đạt 90% số vốn trên 707 nghìn tỷ đồng trong năm nay sẽ là cú huých rất lớn cho nền kinh tế. Báo cáo vĩ mô tháng 6/2023 của WB tại Việt Nam cũng kỳ vọng rất lớn ở động lực đầu tư công khi nhận định: “Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm cả các Chương trình mục tiêu quốc gia) sẽ hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn”.
Chỉ đạo, điều hành quyết liệt hơn; phân cấp phân quyền được đẩy mạnh hơn; các vướng mắc đã có và tới đây có thể tiếp tục phát sinh cần được tháo gỡ kịp thời… vẫn là những yêu cầu thường trực để đầu tư công tiếp tục có được những kết quả tốt hơn. Đáng chú ý, trong thảo luận đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, những tháng đầu năm 2023 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV mới đây, rất nhiều đại biểu Quốc hội nói về tình trạng “né tránh, đùn đẩy, có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, rủi ro để không dám làm gì” và trong đó hầu hết đều dẫn chiếu đến đầu tư công, coi đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc các vướng mắc không được giải quyết, triển khai dự án chậm trễ, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng.
Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, liên tiếp có các Công điện 280 ngày 19/4 và Công điện 365 ngày 4/5 để chấn chỉnh vấn đề này. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương trong đề cao trách nhiệm người đứng đầu, quán triệt và thực hiện đầy đủ nghiêm túc Quy chế làm việc của Chính phủ trong giải quyết theo thẩm quyền, đúng thời hạn các kiến nghị, đề xuất, vướng mắc. Theo nhiều đại biểu Quốc hội, quyết tâm xử lý người đứng đầu; quyết liệt cho “đứng sang một bên” những người không làm hoặc có tư tưởng né tránh, sợ trách nhiệm để người khác làm là rất quan trọng lúc này để các công việc “chạy”, trong đó bao gồm đầu tư công, qua đó thực sự là động lực giúp nền kinh tế vượt khó khăn.
Đặt trong một hành trình dài hơn (triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025), rõ ràng nền kinh tế Việt Nam đang hướng đến nửa cuối của chặng đường mà trên vai là gánh nặng và áp lực lớn hơn khi nhiều mục tiêu so với mức bình quân đặt ra cho cả giai đoạn chưa đạt được. Năm 2023 vì vậy được coi là bản lề và bản lề ấy phải vững để tạo đà bứt phá cho những năm còn lại. Điều này xem ra rất khó khăn trong bối cảnh cùng lúc đang tồn tại nhiều thách thức mà không ít đến từ các yếu tố khách quan bên ngoài hiện nay. Tuy nhiên với những gì mà chúng ta chủ động được, đặc biệt ở đây là đầu tư công, xin đừng và cũng không thể được phép bỏ lỡ những xu hướng tích cực có được sau bao nỗ lực vừa qua. Tiến lên là con đường duy nhất để không chậm lại.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
