Dấu ấn Ban Tài mậu Khu 5
Bảo đảm mạng lưới hậu cần
Cuối năm 1960, Ban Kinh-Tài Khu ủy Khu 5 (tiền thân của Ban Tài mậu Khu ủy Khu 5) được thành lập để chăm lo công tác kinh tế-tài chính-hậu cần phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở địa bàn Khu 5. Vượt qua muôn vàn khó khăn, Ban Tài mậu Khu 5 đã bám sát thực tiễn cách mạng để tham mưu các chính sách, chế độ sản xuất tự túc, tự cấp, thu-chi tài chính, chế độ, tiêu chuẩn cho từng đối tượng thụ hưởng ngân sách, chính sách quản lý, sử dụng chiến lợi phẩm, phù hợp thực tiễn và yêu cầu của cuộc kháng chiến trong giai đoạn khốc liệt. Đồng thời, Ban đã tổ chức triển khai, chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, bảo đảm mạng lưới hậu cần cho các lực lượng của Khu 5.
![]() |
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các địa phương chụp ảnh lưu niệm cùng cựu cán bộ, nhân viên Ban Tài mậu Khu ủy Khu V |
Cùng với nhân dân ở những vùng mới giải phóng, đặc biệt ở Tây Nguyên và các huyện phía tây một số tỉnh, Ban Tài mậu đã góp phần nhanh chóng giải quyết việc thiếu lương thực, thực phẩm, hậu cần theo phương án "tạo hậu cần tại chỗ", kết hợp chặt chẽ "hậu cần Quân khu" với "hậu cần nhân dân"; cơ quan dân chính "vừa công tác, vừa sản xuất", quân đội "vừa đánh giặc, vừa sản xuất”. Ban Tài mậu bố trí cán bộ xuống vùng giải phóng, vùng tranh chấp, vận động tổ chức "Thu lạc quyên", "Thu đảm phụ nuôi quân", "Đảm phụ nông nghiệp" và "Đảm phụ công thương nghiệp", phát hành "Công phiếu nuôi quân". Ở những vùng địch tạm chiếm, cán bộ Ban Tài mậu bám sát phong trào, tiếp tục vận động người dân ủng hộ cách mạng bằng nhiều hình thức khác nhau... Vận động nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hăng hái tăng gia sản xuất.
Nỗ lực của Ban Tài mậu đã nhận được rất nhiều tình cảm và vật chất của người dân ủng hộ kháng chiến; góp phần bảo đảm nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, cấp phát hàng hóa do Trung ương chi viện cho Khu 5 tại Binh đoàn 559 trên tuyến đường Hồ Chí Minh, sát sông Sê-Ca-Máng (giáp Lào) và điểm tập kết ký hiệu B.3 sát biên giới Việt Nam-Campuchia. Xây dựng và bảo vệ hệ thống kho cất giữ, rải khắp các tuyến đường Đông-Tây Trường Sơn, phần lớn ở miền tây Quảng Nam-Đà Nẵng. Ban cũng tổ chức tiếp nhận tiền, vàng... từ Trung ương, bảo quản, cất giữ, cấp phát kịp thời, nhanh chóng, chu đáo và an toàn cho các cơ quan Khu 5 và quân đội; lập đội vận chuyển đến các tỉnh xa như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Đặc khu Quảng Đà...
Trong điều kiện cam go, Ban Tài mậu tổ chức mạng lưới hậu cần, xây dựng và mở rộng mạng lưới mậu dịch, khai thông nguồn hàng từ vùng giải phóng, vùng địch tạm chiếm; mở các cửa khẩu, tổ chức các chợ ở vùng nông thôn mới giải phóng như cửa khẩu Tứ Mỹ, Kỳ Sanh, Kỳ Quế, Mộc Bài, Tháp Mỹ Sơn, Lộc Thành, Phú Thuận... (Quảng Nam-Đà Nẵng), Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ... (Quảng Ngãi) để thu mua lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu phục vụ cuộc kháng chiến.
Đóng góp thầm lặng, danh hiệu cao quý
Bằng sự dũng cảm, tận tâm, tận tụy của cán bộ, nhân viên Ban Tài mậu Khu 5, phong trào sản xuất tự túc, tự cấp phát triển sôi nổi rầm rộ đều khắp. Các cơ quan Dân-Chính-Đảng các cấp ở Khu 5 và lực lượng quân đội đều tổ chức nhiều điểm sản xuất, bảo đảm hơn 50% chỉ tiêu lương thực, thực phẩm để cung cấp cho chiến trường. Các cán bộ, nhân viên của Ban đã không quản hiểm nguy, vất vả để hoàn thành nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, cấp phát hàng trăm nghìn tấn lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng, thuốc men, dụng cụ y tế từ Trung ương chi viện cho chiến trường Khu 5; mang vác, vận chuyển hàng vạn tấn lương thực, hàng hóa, từ đồng bằng các tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Quảng Ngãi; từ Tiểu ban Chi viện ở sát biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia về căn cứ. Trong 11 năm chiến đấu trên mặt trận kinh tế, Tiểu ban Cung cấp thuộc Ban Tài mậu Khu 5 đã cõng hàng trăm nghìn tấn hàng hóa, quân trang, quân dụng vượt qua những chặng đường mà sự sống và cái chết tính bằng tấc gang. Bên cạnh đó, Ban Tài mậu đã phục vụ an toàn cả trăm cuộc họp của Khu ủy và các cơ quan Dân-Chính-Đảng Khu 5 trong điều kiện chiến tranh ác liệt, hiểm nguy. Không những thế, lực lượng của Ban luôn sẵn sàng tư thế tổ chức đánh địch trên đường vận chuyển hoặc khi địch xâm nhập kho hàng.
Trên những chặng đường người lính tài mậu đi qua cho đến ngày đất nước được hoàn toàn độc lập, 122 cán bộ, nhân viên Ban Tài mậu Khu ủy Khu 5 đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến. Hơn 200 đồng chí bị thương, hàng trăm người nhiễm chất độc da cam, phát sinh nhiều bệnh tật. Nhiều người phụ nữ đi qua chiến tranh đã không thể sinh con. Nhiều gia đình, người thân chưa tìm được hài cốt. Trong nhiều năm qua, Ban Liên lạc Ban Tài mậu Khu 5 đã tổ chức nhiều hoạt động như tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, thăm chiến trường xưa, gặp mặt truyền thống... Những việc làm có ý nghĩa này đã duy trì mối liên hệ gắn bó, giàu nghĩa tình đồng đội, cùng chia sẻ, kịp thời động viên, giúp đỡ lẫn nhau của các cựu cán bộ nhân viên Ban Tài mậu Khu ủy Khu 5.
Ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của các thế hệ cán bộ, nhân viên Ban Tài mậu Khu 5, Chủ tịch Nước đã phong tặng Ban danh hiệu cao quý "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân". Phát biểu tại buổi lễ đón nhận danh hiệu cao quý này, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: “Niềm vinh dự, tự hào này trước hết thuộc về các thế hệ cán bộ, nhân viên Ban Tài mậu Khu ủy Khu V và cũng là vinh dự, tự hào của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác tài chính Đảng trong cả nước. Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, hiểm nguy, những thành tích, chiến công của cán bộ, nhân viên Ban Tài mậu Khu ủy Khu V đã giành được thực sự là bài học về ý chí, đạo đức cách mạng, phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tấm gương sáng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính Đảng hôm nay học tập, noi theo”.
Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị các cựu cán bộ nhân viên Ban Tài mậu Khu 5 tiếp tục là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cần tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ của Ban Tài mậu Khu ủy Khu 5 nói riêng và cả nước nói chung.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
