Đà Nẵng: Nhiều dự án vi phạm trong xây dựng
![]() | Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi lợi ích nhóm, tiêu cực trong đầu tư xây dựng |
Nhiều vụ việc xử lý vi phạm kéo dài thời gian, vì các địa phương còn lúng túng trong việc xử phạt hành chính, buộc chủ đầu tư khắc phục hậu quả vi phạm, hoặc lúng túng trong công tác cưỡng chế xử lý vi phạm…
![]() |
Cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn khi xử lý các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng |
Đơn cử tại Đà Nẵng, hàng loạt vụ vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đang khiến dư luận bức xúc. Mới đây nhất, UBND quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) có văn bản giao UBND phường Mỹ An và Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận kiểm tra, xử lý việc thi công công trình khách sạn TMS Luxury Đà Nẵng tại lô A3, đường Võ Nguyên Giáp, phường Mỹ An làm rơi vật liệu xuống nhà hàng bên cạnh, gây mất an toàn đối với nhân viên nhà hàng và thực khách.
Công trình khách sạn TMS Luxury Đà Nẵng có quy mô 2 tầng hầm và 25 tầng nổi do Công ty cổ phần TMS Hotel Đà Nẵng làm chủ đầu và Công ty cổ phần Xây dựng Hồng Trí Việt là nhà thầu thi công.
Trong tháng 8/2017, Sở Xây dựng 2 lần xử phạt nhà thầu và chủ đầu tư của công trình với số tiền tổng cộng 14 triệu đồng vì xả nước thải vào hệ thống thoát nước của thành phố.
Đến tháng 6/2018, UBND quận Ngũ Hành Sơn tiếp tục xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 40 triệu đồng đối với Công ty cổ phần TMS Hotel Đà Nẵng vì thi công công trình khách sạn TMS Luxury sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp. Đồng thời buộc chủ đầu tư dừng thi công công trình và làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 7 đến nay, nhà thầu vẫn tiếp tục thi công dự án Tổ hợp căn hộ khách sạn TMS Luxury Hotel Đà Nẵng. Đặc biệt, chủ đầu tư và nhà thầu không thực hiện các biện pháp bảo vệ thi công đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình thi công nhiều vật như thanh sắt, cây gỗ… từ công trình rơi xuống nhà hàng bên cạnh thủng mái che, bể kính cường lực nên chủ nhà hàng lo lắng về an toàn tính mạng của nhân viên và thực khách.
Theo UBND phường Mỹ An, công trình này nhiều lần vi phạm quy định về an toàn lao động, gây nguy hiểm cho người và công trình lân cận. Đối với các công trình cao tầng, khi thi công phải có giá hứng vật liệu rơi vãi, nhưng chủ đầu tư dự án và nhà thầu không thực hiện...
Hay một trường hợp khác gây bức xúc dư luận xã hội trong suốt thời gian qua là trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xây dựng tại dự án Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà.
Theo giấy phép Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cấp năm 2016, Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà có quy mô công trình gồm 42 tầng và 2 tầng hầm; trong đó, từ tầng 2 đến tầng 5 được cấp phép xây dựng làm bãi đỗ xe, nhà trẻ, hồ bơi… Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi công năng 4 tầng trên thành 104 căn hộ để bán cho người dân.
Trước sai phạm trên, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư và yêu cầu phá dỡ phần xây dựng trái phép, trả lại nguyên trạng như giấy phép xây dựng cấp. Điều đáng nói hơn là trong quá trình kiểm tra để thực hiện việc cưỡng chế, lực lượng chức năng lại tiếp tục phát hiện ra những sai phạm nghiêm trọng tại dự án này.
Đơn cử tại tầng 35, nội dung được cấp phép là phòng lánh nạn, nhưng chủ đầu tư xây dựng 8 phòng ở và đưa vào sử dụng. Ở tầng kỹ thuật (tầng 41), được cấp phép diện tích xây dựng 313m2, nhưng thực tế chủ đầu tư mở rộng toàn bộ khu vực này, với diện tích xây dựng 4.393m2, bố trí 26 phòng ở, công trình xây dựng và đã đưa vào sử dụng…
Đối với các sai phạm nói trên, theo bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, UBND quận phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng tiến hành lập biên bản ghi nhận sự việc, đang hoàn thiện hồ sơ và làm việc với chủ đầu tư để xử lý các sai phạm.
Do phát hiện thêm các sai phạm tại dự án nên UBND quận Ngũ Hành Sơn có báo cáo UBND TP. Đà Nẵng đề nghị cho phép tạm dừng việc tổ chức triển khai thực hiện cưỡng chế tháo dỡ hạng mục công trình sai phạm từ tầng 2 đến tầng 5 để tiếp tục tổ chức lập các thủ tục xử lý tất cả các nội dung sai phạm đối với toàn bộ công trình...
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số quy định của pháp luật trong quản lý hoạt động xây dựng còn chung chung, còn chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các ngành, chưa cụ thể hóa các trường hợp vi phạm. Cùng đó, khung pháp lý chế tài hành chính còn quá thấp so với thực tế, khiến doanh nghiệp và chủ đầu tư nhờn luật.
Để thay đổi tình trạng trên, mới đây Chính phủ ban hành Nghị quyết 110/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng. Qua đó, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng…
Trong đó, nội dung xử lý nghiêm vi phạm về đầu tư xây dựng, lợi ích nhóm, tiêu cực được cụ thể hóa. Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện dự án, công trình đầu tư xây dựng…
Bên cạnh đó, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai các quy định về đầu tư xây dựng. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu tư xây dựng, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là đối với một số vụ việc dư luận quan tâm và bức xúc.
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Phát triển nhà ở xã hội: Tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư có phải là giải pháp căn cơ?

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Sức cầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

Niềm tin người mua nhà được củng cố

Thế hệ trẻ nan giải bài toán an cư

Lừa đảo mua nhà ở xã hội: Cẩn thận tiền mất, tật mang

“Kiềng ba chân” bảo chứng cho lợi thế kinh doanh vững chắc tại Asia Vibe

Mở ra cơ hội cho người trẻ mua nhà

Sốt đất ảo tại Quảng Nam, chính quyền tăng cường kiểm soát
