Công nghệ giáo dục hút vốn ngoại
Cuối tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Giáo dục EQuest (đơn vị sở hữu hệ thống Trường Quốc tế Canada - CISS tại Việt Nam) đã công bố gọi vốn thành công 120 triệu USD, bao gồm cả khoản vay từ nhà đầu tư nước ngoài và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư hiện tại KKR thông qua Global Impact Fund. Phía EQuest cho biết, khoản đầu tư 120 triệu USD kể trên, ngay trong năm nay sẽ được tập đoàn này đầu tư nâng cấp và mở rộng Hệ thống Trường Quốc tế Canada tại TP.HCM, mở rộng hệ thống Cao đẳng và Đại học tại các khu học xá của hệ thống trường Broward Việt Nam. Sau khi gọi vốn thành công, hiện nay tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại EQuest tăng từ 65,5% lên 69,5%. Trước đó, KKR đã đầu tư vào EQuest từ tháng 6/2021, với số vốn được cho là 100 triệu USD.
![]() |
Edtech phát triển mạnh sẽ tạo điều kiện đổi mới các hình thức học tập truyền thống (Học sinh tiểu học học lắp ráp mô hình lego thông min) |
Không chỉ có EQuest, trong 5 tháng đầu năm vừa qua nhiều startup lĩnh vực công nghệ giáo dục tại Việt Nam đã đón nhận vốn lớn từ các quỹ đầu tư và các tập đoàn đa quốc gia đến từ các thị trường khu vực châu Á. Chẳng hạn, trong tháng 5, Teky Alpha JSC đã thành công gọi vốn 5 triệu USD từ Quỹ đầu tư Sweef Capital của Singapore với sự tham gia của Strategic Year Holdings. Cùng thời gian này, Ruangguru - một startup lĩnh vực công nghệ giáo dục của Indonesia cũng đã mua lại nền tảng học tập trực tuyến Mclass của Việt Nam để chiếm giữ thị phần trên thị trường học tập trực tuyến. Trước đó, vào tháng 4/2023, MindX (một startup chuyên đào tạo kỹ năng công nghệ, lập trình cho người Việt) cũng đã nhận được khoản đầu tư 15 triệu USD từ Kaizenvest có trụ sở tại Singapore. Quỹ này từng rót vốn vào nhiều startup có tiếng trong lĩnh vực Edtech, trong đó có kỳ lân Byju’s và upGrad của Ấn Độ, Hệ thống trung tâm tiếng Anh Yola.
Theo ghi nhận của tổ chức Edtech Agency, từ cuối năm 2021 đến nay thị trường công nghệ giáo dục ở Việt Nam bước vào một thời kỳ chuyển biến mạnh sau đại dịch Covid-19. Trong năm 2022, Việt Nam ghi nhận hơn 100 công ty khởi nghiệp lĩnh vực Edtech. Ước tính đến hiện tại, ngoài các tập đoàn lớn, các startup mới nổi của Việt Nam đã nhận được gần 10 khoản đầu tư từ các quỹ nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia với tổng số tiền gần 47 triệu USD. Trong đó, các startup mới hình thành khoảng 1-2 năm như: Edupia, Marathon, Vuihoc, Azota... được đánh giá có triển vọng phát triển mạnh và khả năng sẽ tiếp tục gọi vốn thành công trong các năm tới.
Cơ hội bứt phá cho giáo dục trực tuyến
Theo nhận định của Edtech Agency, Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường Edtech sôi động nhất ở Đông Nam Á, với ước tính gần 15% ngân sách Nhà nước và 38% ngân sách hộ gia đình dành cho giáo dục.
Báo cáo của Ken Research cũng cho thấy rằng, quy mô thị trường giáo dục trực tuyến của Việt Nam sẽ cán mốc 3 tỷ USD trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019 - 2023. Việt Nam nằm trong top 10 thị trường Eedtech có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới. Ông Nguyễn Trí Hiển, Chủ tịch Edtech Agency cho biết, mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2030 đưa hình thức đào tạo trực tuyến tới 90% trường đại học và 80% trường trung học phổ thông và cơ sở dạy nghề. Vì thế, thị trường Edtech được đầu tư sôi động như hiện nay chính là nền tảng môi trường rất thuận lợi để các cơ sở đào tạo trong nước mở rộng hợp tác, và xây dựng các kế hoạch phát triển bứt phá cho mảng dạy - học trực tuyến.
Ở góc độ dự báo, các chuyên gia tại CTCP Giải pháp Chuyển đổi số VR360 cho rằng, trong năm nay và các năm sau xu hướng công nghệ giáo dục sẽ có sự phát triển và cạnh tranh đa dạng các hình thức học tập mới, hiệu quả và tiện lợi. Trong đó, các xu hướng chính, như: môi trường học tập ảo, mô hình học tập nhập vai, mô hình học nhanh, mô hình “game hóa” bài học, trí tuệ nhân tạo (AI) chấm điểm tự động và học đại học, cao học online xuyên biên giới… sẽ là những hình thức học được nhiều doanh nghiệp Edtech đầu tư xây dựng và mở rộng trên thị trường. Đây cũng sẽ là cơ hội để các trường đại học, trường phổ thông và các trung tâm đào tạo nhân lực xem xét, cân nhắc khả năng cạnh tranh thu hút học viên và đổi mới các công nghệ, hình thức đào tạo truyền thống.
Ở phương diện kích thích đầu tư, các chuyên gia lĩnh vực công nghệ cho rằng, khi nền tảng Edtech phát triển mạnh thì “chợ công nghệ giáo dục” cũng sẽ có điều kiện hình thành và thu hút các nguồn vốn đầu tư. Chẳng hạn, Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) TP.HCM vừa tổ chức cuối tháng 5 vừa qua cũng đã thu hút hàng trăm công nghệ, thiết bị lĩnh vực Edtech từ các viện, trường, doanh nghiệp tham gia quảng bá, xúc tiến chuyển giao. Những điều này cho thấy, hệ sinh thái Edtech tại Việt Nam đang bước vào một chu kỳ mới, tiến tới đa dạng hóa và hoàn thiện nhiều hình thức học tập tiện lợi.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
