Chuyển giao công nghệ của khối FDI đối với DN trong nước rất thấp
![]() | Tiếp vốn cho chuyển giao công nghệ |
![]() | Doanh nghiệp FDI đã chuyển giao công nghệ? |
Phát biểu tại hội thảo “Thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 25/6, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia cho rằng, cần xem xét lại mục tiêu nhận chuyển giao công nghệ từ khối DN FDI, bởi thực tế cho thấy trình độ công nghệ của khối DN này tại Việt Nam không cao như chúng ta lầm tưởng.
Dẫn kết quả nghiên cứu, ông Thắng cho rằng tính từ thời điểm năm 2011 đến nay, công nghệ đóng góp không nhiều vào thay đổi năng suất của Việt Nam. Một số DN FDI có tiềm lực về vốn thì tăng trưởng năng suất lớn hơn một chút nhưng cũng không đáng kể.
Đánh giá về thực trạng chất lượng công nghệ hiện nay của DN, ông Thắng cho biết tỷ lệ công nghệ trong vòng 5 năm trở lại khá thấp, ở mức khoảng 14%, trong đó trên 10 năm là chủ yếu. So sánh giữa DN trong nước và FDI cho thấy không có sự khác biệt lớn, ngoại trừ DNNN sử dụng công nghệ cũ hơn một chút, còn giữa DN tư nhân và FDI đời công nghệ không có sự khác biệt đáng kể.
![]() |
Ảnh minh họa |
Liên quan đến nguồn gốc công nghệ, tỷ lệ công nghệ hiện đại có nguồn gốc từ các quốc gia Âu Mỹ là khá thấp, trung bình chỉ khoảng 6% trong công nghệ mà DN hiện nay đang sử dụng, và không có sự khác biệt nhiều giữa DN trong nước và FDI. Có chăng là sự khác biệt ở phía châu Á, một số nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản có sự vượt trội hơn chút ít trong việc áp dụng các công nghệ hiện đại.
“Thực tế là FDI sử dụng công nghệ Trung Quốc khá nhiều, tỷ lệ cao hơn so với tư nhân trong nước, mặc dù các năm gần đây tỷ lệ sử dụng công nghệ Trung Quốc đang giảm xuống”, ông Thắng chỉ ra thực trạng.
Đánh giá về các hình thức đổi mới công nghệ của DN, ông Thắng cho biết có 3 loại hình. Về đổi mới sản phẩm, so sánh với các nước xung quanh như Lào, Campuchia…, cho thấy Việt Nam có tỷ lệ đổi mới sản phẩm tương đối cao. Tuy nhiên trong đổi mới sản phẩm có 2 loại là thay đổi chất lượng, mẫu mã và đưa sản phẩm mới ra thị trường thì Việt Nam không phải nước đưa ra được nhiều sản phẩm mới.
Về quy trình đổi mới, Việt Nam thực hiện khá tốt so với các nước xung quanh, tuy nhiên hầu hết quy trình dựa vào sắp xếp và tự động hoá, trong khi đó những quy trình liên quan đến đổi mới công nghệ khá hơn, mới hơn có vẻ không vượt trội.
Một vấn đề khác được ông Thắng nhấn mạnh là đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Theo đó các DN quy mô trung bình mới là DN đầu tư khá nhiều cho lĩnh vực này, lý do là họ muốn vươn lên thành DN lớn, trong khi các DN lớn động lực đầu tư không cao, còn DN nhỏ và siêu nhỏ thì có ràng buộc về vốn. Tỷ lệ các DN ở Việt Nam có thông báo rằng họ có đầu tư cho R&D là khoảng 15%, ở mức trung bình so với một số nước xung quanh. Tuy nhiên, tính tỷ lệ chi tiêu cho R&D trên doanh thu thì Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất. Bên cạnh đó đầu tư cho R&D chủ yếu là đào tạo nhân lực chứ không phải mua bán phát minh.
Không chỉ chất lượng công nghệ của khối DN FDI kém xa so với kỳ vọng, mà khả năng kết nối và chuyển giao công nghệ của khối này đối với DN trong nước cũng được đánh giá là rất thấp.
Hầu hết các DN tham giao khảo sát cho rằng họ nhận chuyển giao từ các DN khác ngành, tức là có sự chuyển giao công nghệ theo chiều dọc, tuy nhiên không phải từ các DN FDI mà từ chính DN Việt Nam. Các DN thứ cấp đi theo chuỗi sản xuất của DN FDI cũng khẳng định, họ nhận chuyển giao từ DN cùng ngành với nhau dễ hơn từ DN FDI.
“Kết quả cho thấy yếu tố nội lực của DN là yếu tố quan trọng nhất, đóng góp trực tiếp vào việc DN có chuyển giao hay không. Bởi vai trò của FDI tác động lớn tới chuyển giao của chính họ hơn là cho DN trong nước”, ông Thắng kết luận.
Một phát hiện quan trọng khác là mối quan hệ giữa kỳ vọng tăng trưởng với mong muốn phát triển công nghệ trên thực tế cũng không cao như chúng ta nghĩ. Theo ông Thắng, chúng ta thường nghĩ rằng dự báo kỳ vọng tăng trưởng cao lên thì có ảnh hưởng tích cực tới hành vi chuyển giao công nghệ. Kết quả cho thấy tác động này là có nhưng không mang ý nghĩa thống kê.
“Có thể thấy tín hiệu nhà nước đưa ra về kỳ vọng tăng trưởng chưa đủ hoặc chưa thống nhất, DN biết tăng trưởng năm tới có thể cao nhưng cũng chưa đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ”, ông Thắng lưu ý.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
