Chú trọng phát triển dịch vụ môi trường rừng
Trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020, có mục tiêu thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 16,24 triệu ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng tỷ lệ che phủ rừng; đóng góp ngày càng tăng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp các dịch vụ môi trường, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn miền núi.
Qua 15 năm thực hiện Chiến lược này, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, quan trọng cùng với việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là Luật Lâm nghiệp 2017. Nhờ đó, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Cụ thể, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 38% năm 2006 lên 41,89% năm 2019 và dự kiến đạt 42% năm 2020. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng hơn 2 lần, từ 2,8 tỷ USD/năm giai đoạn 2006-2010 lên 6,52 tỷ USD/năm giai đoạn 2012-2018; năm 2019 đạt 11,3 tỷ USD. Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2019 đạt trên 13.900 tỷ đồng, trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần bảo vệ cho trên 6 triệu ha rừng cung ứng dịch vụ, nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, đặc biệt là góp phần cải thiện sinh kế cho đồng bào miền núi.
Cho đến nay, có 4 chỉ tiêu của Chiến lược đã đạt và vượt là: Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân 4,87%/năm vượt mục tiêu chiến lược là 3,5- 4%; Diện tích trồng rừng tập trung đạt trung bình 227.500 ha/năm, diện tích rừng trồng năm 2019 hơn 4,3 triệu ha, vượt mục tiêu 1 triệu ha năm 2010 và 1,5 triệu ha giai đoạn sau; Sản lượng gỗ khai thác rừng trồng năm 2020 ước đạt 20,5 triệu m3/năm đạt mục tiêu chiến lược là 20-24 triệu; Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2020 ước đạt 12,5 tỷ USD vượt gần 2 lần mục tiêu chiến lược là 7,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, vẫn còn 3 chỉ tiêu chưa đạt là tỷ trọng GDP lâm nghiệp/GDP quốc gia, diện tích rừng được cấp chứng chỉ bền vững và đạt 10 triệu m3 gỗ lớn, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, một trong những kết quả lớn nhất đã đạt được là xã hội hóa nghề rừng, thu hút người dân, doanh nghiệp làm lâm nghiệp, đưa lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế quan trọng, vận hành thành công theo cơ chế thị trường và hài hòa với các quy định quốc tế. Không những thế, Việt Nam còn tích cực tham gia vào các thể chế quốc tế về bảo vệ phát triển rừng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Với quan điểm nhất quán là không đánh đổi môi trường lấy mục tiêu tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, thì ít nhất đến năm 2030, chúng ta sẽ không khai thác gỗ rừng tự nhiên và quản lý chặt việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cho các dự án kinh tế, nhất là các dự án thủy điện.
Nhờ triển khai các chính sách, cơ chế dịch vụ môi trường rừng, lần đầu tiên Việt Nam bán được tín chỉ carbon CO2 cho quốc tế tại các tỉnh Bắc Trung bộ. Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị ngành lâm nghiệp cần triển khai thí điểm bán tín chỉ CO2 nội địa tại Việt Nam và coi đây là một tiêu chí quan trọng để phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo, bởi tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam về cơ bản cũng đã đến giới hạn.
Cùng với đó, do đặc thù của mình, các cơ chế, chính sách gắn với an sinh xã hội dành cho người trồng, bảo vệ môi trường sinh thái và rừng phòng hộ đầu nguồn rừng càng cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa, để không chỉ giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất, chấp hành tốt đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đoàn kết cùng nhau tham gia bảo vệ rừng, mà quan trọng hơn, là thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Và một trong những giải pháp được đề cập đến là cần tập trung tìm nguồn lực phát triển mạnh dịch vụ môi trường rừng, nâng tầm lâm sản ngoài gỗ lên vị trí xác đáng hơn, góp phần đảm bảo sinh kế của người dân.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, vai trò của rừng trong bảo vệ môi trường ngày càng được coi trọng. Xu thế lâm nghiệp thế giới hiện nay cũng là tạo ra những sản phẩm mới từ rừng, các sản phẩm sinh học, các sản phẩm gắn với y tế và dược, các sản phẩm carbon từ rừng. Lâm nghiệp Việt Nam do vậy cần tạo sự đột phá về ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ rừng. Và thước đo mới là giá trị gia tăng từ rừng thay vì chỉ những số liệu xuất khẩu đơn thuần.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
