Chủ động, sẵn sàng ứng phó với những vấn đề phát sinh
Kinh tế duy trì đà phục hồi tích cực
Thông tin về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết tại buổi họp báo Chính phủ ngày 1/12, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, kinh tế, xã hội tháng 11 và 11 tháng tiếp tục đà phục hồi tích cực. Trong tháng 11, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung điều hành, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình, kịp thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tập trung xử lý các vấn đề lớn, mới phát sinh, nhằm tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế; theo dõi chặt chẽ tình hình doanh nghiệp, lao động, việc làm, chủ động có giải pháp hỗ trợ kịp thời, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
![]() |
Hoạt động sản xuất phục hồi tích cực |
Về một số kết quả cụ thể, Chính phủ đánh giá nổi bật là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI bình quân 11 tháng tăng 3,02%; tín dụng cho nền kinh tế tăng 12,14%; NHNN chủ động điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với tình hình trong nước và thế giới; thu NSNN vượt dự toán 16,1% và tăng 17,4% so với cùng kỳ, bảo đảm đáp ứng các nhu cầu chi; an ninh năng lượng, an ninh lương thực được giữ vững. Hoạt động giao thương quốc tế phục hồi tích cực; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 13,4%, nhập khẩu tăng 10,1%; tiếp tục duy trì xuất siêu, 11 tháng ước đạt 10,6 tỷ USD. Hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng tiếp tục phục hồi, sức cầu tiêu dùng trong nước tăng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 20,5% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 11 tháng đạt gần 195 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 40,5%...
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng chỉ rõ trong tháng 11, trước áp lực rất lớn của bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực và gây thêm nhiều khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và điều hành kinh tế. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro. Một số chỉ tiêu kinh tế, xã hội, lĩnh vực, thị trường có dấu hiệu chững lại hoặc giảm so với tháng trước (mặc dù tính chung cả 11 tháng vẫn duy trì ở mức tích cực). Trong đó nổi lên như: Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 chỉ tăng 5,3%, thấp hơn tốc độ tăng tháng 10 và chỉ bằng một nửa tháng 9; Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11 giảm 7,8% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu giảm 8,4%. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, đơn hàng dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… giảm ngay cả trước Giáng sinh - dịp mà lẽ ra tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu sẽ tăng.
Bên cạnh đó, thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền tệ (CSTT) thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của Fed và nhiều NHTW lớn ở các đối tác kinh tế quan trọng, tạo sức ép rất lớn lên tỷ giá, lãi suất và thị trường ngoại tệ trong nước, tác động mạnh đến tâm lý người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước tuy đã vượt dự toán, nhưng có dấu hiệu chậm lại; giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 58,33% kế hoạch; xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm giờ làm, cho lao động nghỉ luân phiên, sa thải lao động…
Những việc cần tập trung trong tháng “về đích”
Trên cơ sở phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, đặc biệt nhấn mạnh, những khó khăn, thách thức nhiều hơn so với cơ hội, thuận lợi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành là: Tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát diễn biến tình hình, chủ động, linh hoạt, có phản ứng chính sách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát; bảo đảm thực hiện đồng bộ các mục tiêu trước mắt và lâu dài trên tinh thần bài bản, khoa học, sát tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành phải làm tốt đồng thời cả 3 việc: Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài; ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục điều hành CSTT chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa CSTT, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; Bảo đảm thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng. Thủ tướng yêu cầu phải tìm được điểm cân bằng giữa vấn đề lãi suất và tỷ giá; giữa chống lạm phát và tăng trưởng. Tăng trưởng tín dụng phải chắc chắn, hợp lý, hiệu quả, gắn với kiểm soát lạm phát; tập trung tín dụng vào 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng...
Đồng thời, việc mở rộng chính sách tài khóa phải có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết. Thúc đẩy các loại thị trường phát triển an toàn, công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững, nhất là thị trường tín dụng, trái phiếu, chứng khoán, bất động sản... Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phải chấn chỉnh những việc làm sai, làm chưa đúng; đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh triển khai ba Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi. Chủ động và quyết liệt hơn nữa trong đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện các công trình trọng điểm, nhất là về giao thông, năng lượng... Gắn với đó là tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực gắn với phân bổ nguồn lực; đề cao vai trò người đứng đầu, đồng thời phát huy tính sáng tạo, chủ động, linh hoạt của cấp dưới.
Tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Trong đó, tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để có biện pháp điều hành phù hợp; bảo đảm nguồn cung, nhất là các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, lương thực, thực phẩm; không để diễn ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ. Thực hiện hiệu quả chính sách bình ổn giá dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán.
Khai thác tốt thị trường nội địa, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA; tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, đặc biệt là vấn đề vốn. Đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Thúc đẩy sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường carbon từ tầm nhìn chiến lược
