Chìa khoá cho quản trị NH hiệu quả
![]() | Quản trị ngân hàng trong sân chơi hội nhập |
![]() | VietinBank: Điểm nhấn từ quản trị nhân sự |
![]() | Mô hình mới về quản trị nhân sự |
Bản lề cho kiểm soát nội bộ
“Đây là Thông tư vô cùng quan trọng, được xem là bản lề cho hệ thống các TCTD” - đó là khẳng định của ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát NH tại Toạ đàm về Dự thảo thông tư quy định hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) đối với TCTD, chi nhánh NH nước ngoài nằm trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực thanh tra giám sát NH (Dự án BRASS) do Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) tài trợ, được NHNN phối hợp với Cơ quan thực hiện Dự án tổ chức ngày 30/5 tại Hà Nội.
Cũng theo ông Phi, đối với từng TCTD, trong khuôn khổ hoạt động của mình tất yếu cần có những quy định đầy đủ hơn nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở nền tảng quy định tại Thông tư này - một Thông tư khá phức tạp về nội dung, học thuật với 8 Chương, 84 Điều và 6 Phụ lục.
![]() |
Dự thảo thông tư về quy định hệ thống kiểm soát nội bộ sẽ tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ trong công tác KSNB, QLRR, KTNB của TCTD theo chuẩn mực quốc tế |
Thời gian vừa qua, môi trường kinh tế vĩ mô có nhiều biến động, thị trường tài chính - NH phát triển nhanh chóng với nhiều hoạt động, sản phẩm, phân khúc thị trường mới. Trong bối cảnh này, những yếu kém, tồn tại về quản trị, điều hành và vi phạm pháp luật trong hoạt động bộc lộ tại nhiều TCTD chưa được kịp thời khắc phục, xử lý. Vấn đề này đặt công tác cảnh báo, nhận diện, đo lường và kiểm soát rủi ro của các TCTD ở Việt Nam trước nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản trị, điều hành, KSNB; quản lý rủi ro (QLRR); kiểm toán nội bộ (KTNB)...
Hiện nay, việc KSNB của các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đang thực hiện theo quy định tại Thông tư số 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011. Song, do quy định tại Thông tư 44 còn mang tính khái quát, chưa đầy đủ chi tiết nên các quy định nội bộ có liên quan của TCTD còn sơ sài, chưa đầy đủ các nội dung cần thiết. Đặc biệt là các nội dung liên quan tới đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (nhằm thực hiện trụ cột II khi triển khai Basel II). Đồng thời, việc áp dụng các quy định nội bộ và quy định của NHNN về kiểm soát, KTNB và QLRR chưa được thực hiện đầy đủ tại nhiều TCTD.
Tham gia góp ý tại Toạ đàm, các đại biểu đều đồng tình với việc ban hành Thông tư quy định về hệ thống KSNB của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài (dự thảo Thông tư), thay thế cho Thông tư 44 có ý nghĩa rất quan trọng đối với hệ thống NH Việt Nam, đặc biệt trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Theo đó, khi Thông tư này được ban hành, chắc chắn sẽ tạo thêm khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ trong công tác KSNB, QLRR, KTNB của TCTD theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế, giúp ngăn ngừa và cảnh báo rủi ro. Đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát của NHNN đối với các TCTD để giảm bớt các sai phạm, khả năng tổn thất, nguy cơ mất khả năng thanh toán, đổ vỡ của hệ thống NH.
Phù hợp với thông lệ quốc tế
Trình bày một số điểm nổi bật tại Dự thảo Thông tư, ông Lê Trung Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động NH (Cơ quan Thanh tra, giám sát NH) cho biết: Một trong những điểm quan trọng mà Ban soạn thảo muốn nhấn mạnh so với Thông tư 44 là khái niệm về hệ thống KSNB đã được quy định rõ, cụ thể về cấu phần. Theo định nghĩa mới, hệ thống KSNB sẽ được mở rộng bao trùm lên 5 lĩnh vực: giám sát và quản lý cấp cao, KSNB, QLRR, đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn và KTNB. Chia sẻ thêm, ông Kiên cũng cho biết, từng chương trong Dự thảo thông tư sẽ quy định chi tiết đối với từng cấu phần nằm trong hệ thống này.
![]() |
“Các cấu phần được nêu trên đều có mối liên kết chặt chẽ với nhau, nằm trong một hệ thống. Đây là điểm mạnh của Dự thảo Thông tư lần này, bởi lần đầu tiên NHNN kết hợp các quy định ở các cấu phần với nhau từ quản trị điều hành đến QLRR, quản lý vốn vào một Thông tư”, đại diện Vụ Chính sách an toàn hoạt động NH nhấn mạnh.
Trong Chương III về quy định KSNB, có điểm mới được yêu cầu trong Dự thảo Thông tư này là có một bộ phận gọi là bộ phận tuân thủ, cũng như được thể hiện để hỗ trợ cho KSNB có hệ thống thông tin quản lý, cơ chế trao đổi thông tin. Bởi muốn KSNB tốt, cần phải có một nền tảng thông tin tốt để các bộ phận có đầy đủ thông tin khi thực hiện kiểm soát, cũng như giám sát cấp cao phải đầy đủ các thông tin để thực hiện đúng vai trò, chức năng giám sát của mình.
Đề cập đến các rủi ro được cho là trọng yếu trong hoạt động NH, ông Kiên cho biết bên cạnh rủi ro về tín dụng, thị trường, hoạt động, thanh khoản thì có hai loại rủi ro ít được nhắc tới đã được quy định tại Dự thảo Thông tư là rủi ro tập trung, QLRR lãi suất trên sổ NH.
Đối với các chi nhánh NH nước ngoài, không ít đại biểu nêu thắc mắc về việc: Thực tế, NH mẹ của các chi nhánh NH nước ngoài này đã áp dụng Basel III, nên bây giờ khi áp dụng Basel II về tính các chỉ số an toàn vốn, quy trình QLRR thì Hội sở sẽ tính trên cả tập đoàn chứ không tính theo chi nhánh. Bởi vậy, khi chi nhánh tự thực hiện theo quy định của NHNN thì rất khó khăn. Còn về KTNB, KSNB cũng theo cơ chế của NH mẹ đang được thực hiện có phải chiểu theo quy định tại Dự thảo Thông tư đưa ra hay không?
Trả lời vấn đề này, ông Lê Trung Kiên khẳng định: Liên quan tới các quy định về KTNB, KSNB và ICAAP, những điều quy định tại Dự thảo Thông tư này khá tương đồng với những chuẩn mực tốt nhất hiện nay trên thế giới. Do đó với những chi nhánh NH nước ngoài, khi thực hiện theo quy định Dự thảo Thông tư này cần phân tích từ những yêu cầu của Dự thảo Thông tư so sánh với những quy định mà chi nhánh NH nước ngoài đang thực hiện. Các chi nhánh NH nước ngoài cho dù cơ cấu tổ chức có khác nhưng mọi quản trị điều hành vẫn phải tuân thủ từ những nguyên tắc KSNB, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp tới các quy định về các tình huống QLRR, không có nhiều sự khác biệt. “Đây đã là những nguyên tắc cốt lõi mà hệ thống NH tại quốc gia nào cũng phải tuân thủ. Với mục đích là mọi hoạt động trong NH đều được quản trị, QLRR, KSNB, KTNB theo những chuẩn mực tốt nhất”, ông Kiên nhấn mạnh.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
