Chất vấn và trả lời chất vấn: Nhiều tỷ phú, đại gia ra đời từ những dự án?
![]() | Bắc Vân Phong sau chỉ đạo dừng giao dịch đất |
![]() | Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Sự thận trọng là cần thiết |
![]() | Để hút “đại bàng” vào đặc khu |
Tiền đền bù người dân không mua nổi đất tái định cư
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) nêu nghịch lý trong quản lý đất đai của chúng ta hiện nay là có dự án đầu tư và phát triển, dù chúng ta có đền bù giá cao hơn so với trước khi có dự án thì người dân vẫn phát sinh khiếu kiện. Một tỷ lệ không nhỏ những tỷ phú, những đại gia ở Việt Nam ra đời từ những dự án sử dụng đất để phát triển các công trình bất động sản. Ở những vùng càng phát triển thì giá đất càng tăng, Chính phủ càng phải bỏ ra nhiều tiền để đền bù, người dân càng phát sinh khiếu kiện.
Từ đó, ông Cường đặt câu hỏi, chính sách đất đai của chúng ta, đặc biệt là những công cụ kinh tế có liên quan gì đến tình trạng trên và chúng ta có nên sử dụng chính sách về ưu đãi nhà đầu tư bằng việc giao đất với giá thấp và miễn tiền sử dụng đất cho các nhà đầu tư hay không.
![]() |
Công tác quản lý đất đai hiện vẫn còn nhiều bất cập |
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phan Anh Khoa (Phú Yên) nêu tình trạng việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất kéo dài, “treo” vô hạn, nhưng giá đền bù thấp ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, phương pháp xác định giá đất có vấn đề nên thực tế giá đất đền bù thường thấp hơn rất nhiều giá đất thị trường. Bên cạnh đó, việc xác định quỹ đất cũng chưa làm được đầy đủ, khiến nhiều khu sau giải phóng mặt bằng với mức tiền được đền bù người dân không mua nổi đất ở khu tái định cư.
Theo bộ trưởng giải pháp là định giá đất phải sát thị trường và đưa hoạt động trung tâm phát triển quỹ đất hiệu quả hơn để chuẩn bị đất sạch ở nơi tái định cư, để cuộc sống người dân tái định cư đảm bảo hơn. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, câu hỏi của đại biểu Hoàng Văn Cường là một câu hỏi rất khó liên quan đến chính sách đất đai trong vấn đề định giá đất đai. Hiện nay thế giới có 5 phương pháp định giá đất đai và họ hoàn toàn có thể áp dụng được một cách minh bạch vì quy hoạch của họ rất rõ ràng và không qua chuyển đổi mục đích sử dụng đất như ở Việt Nam… Trong khi Việt Nam lại rất khó làm được như vậy bởi đất đai ở nước ta rất biến động, chỉ cần chuyển từ đất trồng lúa sang quy hoạch đất phát triển bất động sản đã khác nhau lớn.
Vì vậy, vấn đề điều chỉnh chính sách đất đai của Việt Nam, nếu có, phải dựa trên công cụ để xác định giá đất đai và làm rõ cơ chế phân bổ nguồn lực đất đai trước và sau khi quy hoạch để chúng ta tính toán thu đầy đủ thuế giá trị gia tăng từ đầu tư, từ chuyển đổi quy hoạch mà nhà nước là người có quyền định đoạt. Nhưng chính sách này phải làm sao cho người dân cảm thấy được chia sẻ, bởi họ cũng có những công sức đóng góp trên mảnh đất đó, trong khi nhà đầu tư vẫn phải có lợi nhuận.
Một vấn đề nữa cũng đang được cử tri cả nước quan tâm mà đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nêu ra là trong các hoạt động cổ phần hóa DN, đoàn giám sát đã chỉ ra rất nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc quản lý và sử dụng đất, xác định giá đất khi giao và gây thất thoát lớn tài sản nhà nước và có ý kiến cho rằng có lợi ích nhóm trong quá trình cổ phần hóa gây thất thoát đất đai, biến đất công thành đất tư.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đồng tình với đại biểu trong việc quản lý đất đai không chặt chẽ. Ông cho rằng, trước cổ phần hóa, các DN đã sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê, cho mượn và trách nhiệm thuộc về người đứng đầu DN đó; nhưng trong và sau cổ phần hóa, còn có trách nghiệm của ngành TNMT, Bộ TNMT, và UBND các cấp.
“Việc cổ phần hóa vừa qua thất thoát nguồn lực có nguyên nhân chính là chưa làm tốt công tác quản lý đất và đang để đất đai ở tình trạng không quản lý. Điều này dẫn đến tình trạng ngay khi cổ phần hóa thì DN đó đã chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, điều này vi phạm 2 vấn đề. Một là không đúng tiêu chí hoạt động, chuyển sang kinh doanh thương mại bất động sản đã sai với mục tiêu cổ phần hóa. Hai là quá trình chuyển mục đích lại không qua đấu giá mà áp đặt giá rất thấp không theo thị trường, cơ quan quản lý thẩm định thấy sai vẫn để chuyện đó xảy ra. Sau khi chuyển đổi mục đích giá tăng rất nhiều so với trước cổ phần hóa đây là thất thoát trong việc sử dụng đất công”, Bộ trưởng thừa nhận.
Vi phạm đất đặc khu đã được kiểm soát
Cũng liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, Chính phủ vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về đất đai tại 3 địa phương dự kiến thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Chính phủ nhìn nhận, từ khi có thông tin chuẩn bị thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tình trạng vi phạm trong sử dụng đất đai trên phạm vi các khu vực này diễn biến phức tạp, nhất là tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tại đây, không chỉ có tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái phép sang đất phi nông nghiệp mà còn là lấn chiếm đất đai (nhất là lấn, chiếm đất rừng), chuyển nhượng quyền sử dụng đất không làm thủ tục theo quy định, mua bán trao tay, trong đó đa phần là đất không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc, tình trạng san lấp, phân lô, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra phức tạp...
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành các văn bản để chấn chỉnh công tác quản lý và sử dụng đất tại các địa phương dự kiến hình thành các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tỉnh Ủy và Ủy ban nhân dân các tỉnh đều đã thực hiện nhiều biện pháp chỉ đạo nắm bắt tình hình và xử lý quyết liệt, kịp thời tình trạng vi phạm. Sau chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, tình hình đến nay đã lắng xuống.
Trả lời và báo cáo làm rõ thêm các ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến công tác quản lý đất đai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, công tác quản lý đất đai tại các đô thị, tại các khu vực phát triển kinh tế, ven biển đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần từng bước lập lại trật tự trong quản lý sử dụng đất đai, phát huy nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn nhiều hạn chế, bất cập.
Cụ thể, công tác quy hoạch đất đai xây dựng chưa được quan tâm đến các không gian công cộng cho người dân, đặc biệt là những khu du lịch không có chỗ để xuống bãi biển của người dân, thiếu các không gian công cộng, giao thông… trong khi quá nhiều dự án phát triển nhà ở, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort...
Tình trạng giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án phát triển đô thị chưa căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị dẫn đến nhiều dự án không được triển khai thực hiện, gây lãng phí, thất thoát. Tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng không phép, trái phép vẫn chưa được khắc phục, đặc biệt là tình trạng xây dựng lấn chiếm các không gian công cộng, bãi biển, bờ sông. Tình trạng mua bán đất và xây dựng trái phép đang diễn ra phức tạp ở Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn và địa điểm chuẩn bị xây dựng các dự án lớn.
Đặc biệt là tình trạng xác định giá trị quyền sử dụng đất, khi chuyển mục đích của các dự án đầu tư phát triển đô thị không sát với giá thị trường trong các dự án nhà ở, dịch vụ, các dự án đầu tư bằng hình thức BT, dự án đất trong các dự án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành và chính quyền địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01 ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải rà soát các dự án đã giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục tiêu dự án theo đúng quy hoạch; thu hồi những dự án không có khả năng thực hiện. Ngăn chặn tình trạng mua bán đất trái phép đang diễn ra phức tạp tại Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn… bảo đảm trật tự xã hội.
“Các bộ, ngành, địa phương cần kiểm tra lại tất cả các dự án đầu tư ven biển, yêu cầu điều chỉnh lại dự án để dành không gian biển phù hợp với yêu cầu của người dân và đúng quy định của pháp luật. Thu hồi, xử lý nghiêm những hành vi lấn chiếm bờ biển”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Trong hai ngày 4 và 5/6, Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với ba Bộ trưởng các bộ: Giao thông Vận tải, Tài Nguyên và Môi trường; Lao động, Thương binh và Xã hội về các nhóm vấn đề: giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và việc xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); công tác quản lý đất đai; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; và vấn đề lao động và giải quyết việc làm; chất lượng dạy nghề; công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Đây là những vấn đề nổi cộm được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, qua hoạt động giám sát nói chung và hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn nói riêng của Quốc hội với nhiều đổi mới, tác động tích cực đến nhiều mặt hoạt động, công tác điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế, bất cập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. |
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
