Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: "Nóng" lĩnh vực BOT giao thông
![]() |
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn (Ảnh: daibieunhandan.vn) |
Ngay câu hỏi mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm rõ sự chênh lệch số năm thu phí giao thông giữa dự toán được phê duyệt với kết quả kiểm toán đã công bố?
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho rằng, theo Luật và theo nghị định của Chính phủ, trong thời gian qua chúng ta tổ chức đấu thầu dự án BOT, ký hợp đồng BOT trên cơ sở dự án BOT thực hiện.
Trong dự án BOT thực hiện có nhiều phần dự thầu như: dự thầu khối lượng, dự kiến công tác giải phóng mặt bằng…, và những vấn đề phát sinh kinh phí.
Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án BOT bao gồm các khoản có thể phát sinh nên dự án có giá trị lớn. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, Bộ GTVT ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT theo dự án thực hiện. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch Bộ GTVT trong quá trình thực hiện dự án BOT đã chủ động kiến nghị Kiểm toán Nhà nước cùng tiến hành kiểm toán trước khi Bộ GTVT quyết toán.
Trong thời gian qua, có 56 trạm BOT, đến thời điểm này Kiểm toán Nhà nước đã tham gia kiểm toán 50 dự án, còn 6 dự án vẫn đang triển khai.
“Để đảm bảo quyền lợi của người dân, của nhà nước và của doanh nghiệp, Bộ GTVT đã đàm phán với các nhà đầu tư BOT và trong hợp đồng có điều khoản, giá trị sau quyết toán là căn cứ để Bộ GTVT điều chỉnh thời gian thu phí và các chính sách liên quan tới phí.” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Và theo người đứng đầu ngành Giao thông, việc Kiểm toán Nhà nước phát hiện có sự chênh lệch lớn giá trị kiểm toán và giá trị đã được thực hiện là điều hiển nhiên. Với những dự án triển khai nhanh, ít biến động giá, ít có phát sinh khối lượng thì việc điều chỉnh phần dự thầu này là phần chênh lệch số năm mà kiểm toán đã chỉ ra.
“Chúng tôi thấy rằng, sự phát hiện và chỉ ra của Kiểm toán Nhà nước là rất đúng, nhưng Bộ GTVT cũng đã thực hiện đúng và đảm bảo quyền lợi của người dân, Nhà nước với các dự án BOT.” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Về việc thu phí BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đứng trên quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân. Do đó, trong thời gian qua, khi mặt bằng giá tăng cao, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương và các nhà đầu tư, rà soát lại toàn bộ 56 dự án BOT. Có dự án đã được giảm giá 2-3 lần, từ 35.000 đồng/ xe còn xuống còn 15.000 đồng/xe con.
Bộ GTVT hoàn toàn đứng trên quan điểm của Đảng, Nhà nước và nhân dân để điều chỉnh mức phí, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhân dân. Căn cứ tính phí và giảm phí sẽ dựa trên lưu lượng xe đi qua các trạm và khả năng hoàn vốn của dự án để điều chỉnh.
Nhấn nút tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, hiện có sự bất hợp lý khi một số dự án BOT không đặt ở đường chính, không đi cao tốc những vẫn phải trả tiền. “Có 6 dự án không đi đường tránh vẫn phải trả tiền”, đại biểu Hoàng Quang Hàm dẫn số dự án.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, một số dự án có lịch sử để lại, những dự án này đã được hoàn thiện lâu rồi. Khi chuyền về Bộ GTVT tiếp nhận, ví dụ dự án Bắc Thăng Long - Nội Bài. Năm 2014, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện việc thu phí.
Để xử lý các dự án này, Bộ trưởng GTVT biết rằng, ngân sách hiện rất khó khăn. Khó mua lại toàn bộ các dự án này. Nếu Quốc hội thảo luận và biểu quyết cân đối được các nguồn vốn thì Bộ GTVT sẵn sàng mua lại toàn bộ các dự án này. Mong người dân, đại biểu Quốc hội thông cảm. Về phía Bộ GTVT sẽ cố gắng giảm các chi phí của người đi qua các trạm này, giảm cho người dân sống gần các trạm BOT.
Cũng liên quan tới lĩnh vực BOT, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn: Hiện có hai vấn đề về BOT giao thông là thể chế và quá trình triển khai có nhiều bất cập dẫn đến bức xúc của người dân; sự bức xúc này là do chưa giải quyết được hài hoà lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân?
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận, thể chế vừa qua chưa hoàn chỉnh, nhất là pháp luật về đầu tư công. Với những tồn tại trong quá trình triển khai dự án BOT. Theo Bộ trưởng GTVT, Bộ đang tiếp thu, tìm giải pháp khắc phục triệt để. "Chúng tôi sẽ xử nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bộ GTVT quán triệt làm từ cái tâm để phục vụ người dân tốt nhất", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Với hiện trạng các tranh chấp do chưa hoàn thiện thể chế xảy ra tại một số trạm BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, khi có dư luận, Bộ sẽ phối hợp với địa phương tìm hiểu, giải quyết ngay theo hướng bảo đảm lợi ích của người dân.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, hiện đã có 14 dự án BOT làm trên đường hiện hữu bị dừng, trong đó dừng 4 dự án đã ký hợp đồng; sắp tới Bộ GTVT chỉ làm dự án BOT trên tuyến đường mới, tạo đường song hành với tuyến cũ để người dân lựa chọn.
Do có quá nhiều câu hỏi liên quan đến BOT được đại biểu đặt ra, nên khi điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải đề nghị, các đại biểu nên hỏi thêm các nội dung khác “vì sáng nay chúng ta tập trung quá nhiều vào vấn đề BOT”.
Tin liên quan
Tin khác

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Hội nghị thượng đỉnh P4G: Cơ hội để Việt Nam khẳng định những cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Thủ tướng: Tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế

Thủ tướng: Thể chế là điểm nghẽn dễ tháo gỡ nhất để chuyển đổi trạng thái

Thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ

Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam có ý nghĩa chiến lược
