Chắp cánh cho những khát vọng làm giàu
![]() | Agribank Lâm Đồng: Khơi thông nguồn vốn cho nông nghiệp công nghệ cao |
![]() | Chặng đường 31 năm đồng hành với “tam nông” và những tham vọng mới |
Tìm đường thoát nghèo
Phát triển nông nghiệp đang trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh Hà Giang trong những năm qua. Thực hiện chủ trương của tỉnh với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với lợi thế vùng và nhu cầu thị trường, sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp… Agribank với vai trò là kênh dẫn vốn chủ lực luôn sẵn sàng bố trí đầy đủ nguồn vốn ngắn, trung và dài hạn, phục vụ giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn cho thị trường nông nghiệp, nông thôn với lãi suất ưu đãi.
![]() |
Vàng Thống Cáo bên những giàn đậu Hà Lan trồng trong nhà kính |
Hiện nay, Agribank đang cho vay trong lĩnh vực tam nông đạt gần 90% dư nợ của toàn tỉnh Hà Giang. Nhờ có nguồn vốn từ Agribank, hàng nghìn hộ dân tại Hà Giang đã mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng quan trọng hơn, từ nguồn vốn đó giúp người nông dân đặc biệt là đồng bào các dân tộc thay đổi nhận thức, mạnh dạn vay vốn để tự chủ sản xuất kinh doanh, xóa bỏ dần tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự trợ cấp của Nhà nước.
Giống như đa số thanh niên vùng cao, Vàng Thống Cáo người dân tộc Bố Y (một dân tộc thiểu số của vùng cao Hà Giang) lớn lên ở nơi cái nghèo đeo bám, diện tích đất trồng trọt ít, chăn nuôi thì thiếu nước, làm đủ ăn đã là hạnh phúc chứ mấy ai dám ước mơ làm giàu.
Nhưng với Vàng Thống Cáo thì khác, từ thực tế tiếp cận và chứng kiến việc sản xuất canh tác của người dân miền xuôi cũng như việc mở mang kiến thức về nông nghiệp trong quá trình tăng gia sản xuất tại đơn vị trong thời gian nhập ngũ, Vàng Thống Cáo nhận ra rằng vùng quê của mình đất đai tuy ít nhưng vẫn còn tốt hơn rất nhiều địa phương khác, tại sao việc trồng trọt của bà con vẫn chật vật, sao cái nghèo vẫn cứ đeo bám bà con lâu đến vậy.
Và anh quyết tâm phải “phát triển để thay đổi một cái gì đấy” cho đồng bào quê hương mình. Nhận thấy nhu cầu vận chuyển vật liệu, nông sản trong vùng lớn mà phương tiện không có, anh mạnh dạn đầu tư mua một chiếc xe tải với giá 175 triệu đồng, trong đó có 100 triệu đồng vay của Agribank Quản Bạ. Đều đặn 4 ngày trong tuần từ thứ 4 đến thứ 7, chiếc xe rong ruổi cùng anh trên 100 cây số lần lượt tới 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Tùng Vài để bán giống cây rau, củ quả vào mỗi phiên chợ.
Cả chợ phiên chỉ có mình anh Vàng Thống Cáo bán giống cây, hơn nữa lại là đại lý cấp 1 của một số công ty cung cấp có uy tín ở dưới xuôi nên giống cây trồng của anh Cáo bán rất chạy, mỗi phiên chợ anh bán được hàng tấn giống cây đủ loại, thậm chí nhiều loại rau, củ quả bán tại các phiên chợ cũng được trồng từ giống cây trồng của Vàng Thống Cáo.
Nhưng điều quan trọng là những giống cây trồng này đã được anh trồng thành công tại chính trang trại của mình. Chỉ trong 2 năm anh đã trả hết nợ ngân hàng. Từ đó đến nay chiếc xe cứ liên tục sinh lời từ các quyết định đầu tư của Vàng Thống Cáo. Chiếc xe “vốn” Agribank Quản Bạ cũng đã rong ruổi cùng với các dự án đầu tư của Vàng Thống Cáo hơn 10 năm nay.
Nuôi khát vọng lớn
Được đi, được thấy, được học, được áp dụng khoa học kỹ thuật, Vàng Thống Cáo đã chuyển đổi nhận thức về việc thoát nghèo. Tận mắt chứng kiến nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở các địa phương, Vàng Thống Cáo nhận ra muốn làm nông nghiệp công nghệ cao phải đầu tư quy mô lớn. Anh bắt tay ngay vào nghiên cứu các quy trình theo công nghệ VietGap đối với từng loại nông sản, đầu tiên là cà chua, sau là nấm, đậu Hà Lan, rồi đến bí. Có chứng nhận đạt chất lượng nông nghiệp sạch, nông sản trồng ở trang trại của anh tiêu thụ dễ dàng hơn rất nhiều, giá tiêu thụ tăng lên gấp 2 - 3 lần.
Tiếng lành đồn xa, bà con cùng xã, cùng huyện và những huyện khác đã tìm đến mua giống cà chua của anh. Khách hàng đông dần, các công ty giống tìm đến tận nơi đặt vấn đề làm đại lý cấp 1 với Vàng Thống Cáo. Thành công cứ lớn dần, hiện tại anh đã đăng ký VietGap cho 8 loại rau gắn thương hiệu Cáo Tuyên và cung cấp cho nhiều nhà hàng, khách sạn tại Hà Giang và các tỉnh lân cận. Với 700 triệu đồng vay của Agribank, Vàng Thống Cáo đang thực hiện mở rộng diện tích trồng rau và hiện thực hóa chuỗi giá trị nông sản trên khắp hệ thống sản xuất của anh nằm trên cả tỉnh Hà Giang.
Từng thất bại và trắng tay với việc trồng cây cà chua trong 3 năm nhưng Vàng Thống Cáo cho hay anh chưa lúc nào nản chí. Anh chia sẻ thêm, lặn lội xuống Hà Nội, Vĩnh Phúc để tìm thuốc chữa cho cây cà chua, anh Cáo cũng đồng thời tìm thấy nhiều loại giống cây trồng tốt, có uy tín mang về trồng thử nghiệm và bán cho bà con đồng bào để trồng cùng. Vụ thứ ba đã cho cà chua trái đỏ đều, không bị thối nữa. Thương lái đến tận vườn để mua cà chua. Năm 2011, cầm trên tay 14 triệu đồng từ việc bán cà chua, thành quả của bao ngày tháng vất vả, vợ chồng Vàng Thống Cáo trào nước mắt.
Được mục sở thị khu trồng rau rộng 2.000 m2 của một gia đình nông dân ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, là một trong hàng chục hộ gia đình đang làm vệ tinh trong chuỗi trồng cà chua theo tiêu chuẩn VietGap của Vàng Thống Cáo, chúng tôi không khỏi thán phục ý chí, nghị lực và khát vọng làm giàu, làm lớn của Vàng Thống Cáo. Giống cà chua, nhà lưới, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đều do Vàng Thống Cáo đầu tư, người nông dân chỉ phải bỏ duy nhất quỹ đất và sức lao động. 5.000 cây cà chua được gieo mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ cho thu hoạch hàng trăm tấn. Mỗi gia đình trong chuỗi vệ tinh của Vàng Thống Cáo mỗi năm thu được 100 triệu đồng, số tiền mà trước khi gặp Vàng Thống Cáo họ chưa bao giờ dám nghĩ tới.
Vàng Thống Cáo chia sẻ: Với tất cả những ai có ý chí, có quyết tâm, anh sẵn sàng giúp đỡ để cùng nhau xây dựng nên thương hiệu rau Quyết Tiến của vùng đất Quản Bạ. Trên con đường thoát nghèo, có vẻ Vàng Thống Cáo phải đi một mình nhưng trên con đường làm giàu anh đã kéo theo bà con địa phương cùng tham gia.
Ngoài bán giống, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng cho bà con, anh còn xây dựng các vùng nguyên liệu vệ tinh trong xã, trong huyện, trồng rau an toàn theo mô hình VietGap, hỗ trợ họ giống, kỹ thuật trồng trọt, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, cuối cùng là bao tiêu sản phẩm. Đây chính là một cách làm hiệu quả giúp bà con thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương.
Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao với quy mô bài bản, hiện đại như anh Vàng Thống Cáo đang dần dần hình thành và lan rộng trên vùng cao nguyên đá Hà Giang, làm diện mạo khu vực nông thôn nơi đây đang từng ngày đổi thay đáng kể. Thông qua hoạt động đầu tư vốn, Agribank đang góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thúc đẩy nông nghiệp Hà Giang phát triển bền vững.
Ngoài nguồn vốn, ông Nguyễn Ngọc Hải - Giám đốc Agribank Hà Giang cho biết, Agribank còn tham gia vào quá trình thay đổi nhận thức của đồng bào. Kèm theo đó là các chính sách hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tiêu thụ nông sản để bà con khi thực hiện dự án sẽ là một khâu khép kín hiệu quả được nâng lên rất nhiều.
Ông Hải khẳng định: Agribank tích cực thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP. Các chính sách của tỉnh về hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, kinh doanh và vươn lên thoát nghèo đều được chi nhánh bám sát. Hiện nay dư nợ của Agribank Hà Giang là trên 600 tỷ đồng với hơn 6.000 khách hàng để cho vay theo nghị quyết này.
Chia tay Vàng Thống Cáo, trong tôi cứ mải miết trôi theo dòng suy nghĩ về những đồng vốn tín dụng của Agribank nơi rẻo cao, từ thuở cán bộ tín dụng phải tìm đến tận hộ đồng bào, đặt tiền vào tay người dân, dạy họ cách làm ăn sinh sôi đồng vốn.
Dù cái nghèo, cái khó vẫn còn đó nhưng giờ đây vùng cao nguyên đá đang đổi thay từng ngày bởi đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn những điển hình của việc vươn lên thoát nghèo như Vàng Thống Cáo và những mô hình công nghệ cao đang hiện hữu từ chính ý chí, nghị lực và khát vọng làm giàu mãnh liệt cho bản thân và quê hương ngày một nhiều. Quan trọng nữa là có sự tiếp sức, bám trụ bền bỉ của đồng vốn Agribank trên vùng cao nguyên đá khó khăn này.
Tin liên quan
Tin khác

Tăng cho vay tín chấp đối với nông hộ và các mô hình sản xuất theo chuỗi

Co-opBank đồng hành cùng hệ thống QTDND

Cần Thơ: Rà soát nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách đến từng nhóm khách hàng

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Lạng Sơn: Nâng cao hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Khánh Hòa nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Agribank đồng hành xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại

Quảng Nam nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới

Ninh Thuận nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
