Cần thay đổi tư duy sản xuất độc canh
Gần đây, sự bấp bênh về giá đối với các mặt hàng nông sản khiến nông dân khu vực Tây Nguyên luôn đối mặt với rủi ro và thách thức. Đặc biệt, nhiều nông hộ canh tác theo lối độc canh dẫn đến thiệt hại nặng khi giá nông sản sập sàn. Ví như, các nông hộ độc canh cây cao su, cây hồ tiêu là những điển hình.
Trước thực trạng này, nhiều nông dân ở Tây Nguyên đã chủ động chuyển đổi từ độc canh sang xen canh, trồng xen cây ăn trái vào vườn hồ tiêu và cà phê. Hiện mô hình này đang mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho bà con nông dân, nhất là tại Đăk Lăk.
![]() |
Nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất từ độc canh sang xen canh, nhiều nông hộ có thu nhập ổn định |
Ông Vũ Thế Hùng ở xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) là một trong những nhà vườn áp dụng thành công mô hình sản xuất nông nghiệp xen canh. Trước đây, ông chỉ xen canh cây cà phê và cây hồ tiêu trên diện tích đất hơn 3ha. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp, nên vườn cà phê xen tiêu phát triển tốt, cho năng suất cao, đạt hiệu quả kinh tế ổn định. Qua đó, ông Hùng tích lũy được vốn để mở rộng diện tích canh tác.
Năm 2017, ông Hùng mạnh dạn trồng thêm 4ha xoài Đài Loan, xoài Úc; 2ha táo xanh; 2ha chanh không hạt; cùng 4ha cây hoa màu. Ông Hùng cho hay, diện tích đất rộng, cùng với đầu tư xen canh, tổng hợp nhiều loại cây trồng nên khá vất vả trong việc chăm sóc. Tuy nhiên, ông lại không phải lo giá cả bấp bênh và có thu nhập quanh năm, không còn phụ thuộc vào thời vụ như trước đây độc canh cây điều. Với mô hình kinh tế tổng hợp các loại cây trồng, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình lãi ròng khoảng 400-500 triệu đồng.
Tương tự, chị Trần Thị Lệ, thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar (Đăk Lăk) sau một thời gian làm thương lái thu mua nông sản, chị nhận thấy thị trường cây ăn trái đang rộng mở, nhưng nông dân trong vùng vẫn còn canh tác nhỏ lẻ, chất lượng các loại trái cây không đồng đều nên giá trị không cao, tỷ lệ hao hụt nhiều. Do đó, năm 2014, chị Lệ quyết tâm chọn mô hình trồng cây ăn quả xen canh trên toàn bộ diện tích đất hơn 6ha của mình.
Chị Lệ xuống giống 3.000 cây mít Thái lá bàng và mít Viên Linh. Cùng đó, trồng xen 50 cây xoài và 20 cây mận để tạo nguồn thu trải đều trong năm. Chỉ sau 3 năm, vườn mít bắt đầu cho thu hoạch đồng loạt, trái đều, đẹp, thơm ngon.
Chị cho biết, cây mít là loại cây chịu hạn tốt, phù hợp trồng ở những khu đất cách xa nguồn nước, không cần tưới nhiều… Cùng đó, nếu chăm sóc tốt, tại Đăk Lăk cây mít có thể cho trái quanh năm. Mỗi cây có thể cho thu hoạch hơn 1 tạ trái/năm. Đặc biệt, trong 2 năm 2017 và 2018, giá cả ổn định, cùng với sản lượng cao nên sau khi trừ chi phí đầu tư, vườn mít mang lại lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar, trước đây người dân chủ yếu trồng cây ăn trái để phục vụ gia đình nên quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, gần đây, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các vườn xen canh, nhiều nông hộ trên địa bàn đã có thu nhập ổn định. UBND cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho nông dân có nhu cầu cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao.
Còn theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Lăk, mô hình trồng xen canh của hộ nông dân đang phát triển tốt, trồng đúng mật độ, sử dụng 3 hệ thống tưới độc lập cùng lúc cho các loại cây trồng. Cùng đó, nông dân cũng mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nhiều địa phương của Đăk Lăk đang thực hiện tái canh cà phê, vì vậy, các mô hình xen canh như thế này bắt đầu xuất hiện.
Hiệu quả kinh tế từ trồng xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê, hồ tiêu đã được khẳng định. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích ồ ạt, để đề phòng rủi ro, nhất là đối với cây sầu riêng và cây bơ.
Đặc biệt, cần chọn cây giống có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, cần hướng đến sản xuất có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị nông sản.
Tin liên quan
Tin khác

Tiên phong trong nhận ủy thác vốn tín dụng chính sách

Hà Nội tăng tốc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp
