Cấm xe máy: Cần cân nhắc lợi - hại
![]() | Cấm xe máy: Trật tự chỉ có khi kỷ luật được đưa ra |
![]() | Hà Nội: Đến năm 2030, cấm xe máy vào nội đô |
![]() |
Ảnh minh họa |
Một trong những vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm trong thời gian gần đây đó là đề xuất cấm xe máy tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Không phủ nhận, ùn tắc giao thông đang là vấn đề bức xúc tại nhiều đô thị lớn. Nó không chỉ gây lãng phí của cải vật chất của xã hội mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng. Theo số liệu sơ bộ của Trung tâm Nghiên cứu cuộc sống phát triển bền vững (CSDP), chỉ riêng Hà Nội, chi phí tăng thêm do tiêu hao nhiên liệu và lãng phí công lao động vì ùn tắc giao thông ở nội thành khoảng 36,4 tỷ đồng/ngày (12.812 tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 600 triệu USD/năm).
Ai cũng hiểu, thủ phạm chính gây ra vấn nạn này đó là hạ tầng giao thông không theo kịp với sự phát triển bùng nổ của các phương tiện giao thông cá nhân. Bởi vậy một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để giảm ùn tắc giao thông chính là hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, song phải đi đôi với việc phát triển các phương tiện giao thông công cộng.
Thế nhưng việc cấm xe máy mà Hà Nội và TP.HCM đang đề xuất liệu có đạt được mục tiêu giảm các phương tiện giao thông cá nhân để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, trong khi đề xuất này có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của không ít người dân.
Nhìn lại những năm 90 của thế kỷ trước, lúc đó phương tiện giao thông chủ yếu của người dân đô thị vẫn là xe đạp. Xe máy cũng đã xuất hiện, song chỉ tại một số gia đình “có điều kiện” bởi giá của một chiếc xe máy so với thu nhập bình quân của người dân thời điểm đó chẳng khác nào giá của một chiếc ô tô hiện nay. Thế nhưng nhiều tuyến đường vẫn ùn tắc nghiêm trọng vào những giờ cao điểm.
Nay giá xe máy đã giảm phù hợp với túi tiền của đại bộ phận người dân khiến việc sở hữu một chiếc xe máy là điều hết sức bình thường. Cộng với những tiện ích không thể phủ nhận, xe máy đã dần thay thế xe đạp trở thành phương tiện giao thông chủ yếu của đại bộ phận người dân đô thị. Theo diễn tiến này, chắc chắn ô tô sẽ thay thế xe máy để trở thành phương tiện giao thông phổ biến nhất đối với người dân Việt Nam giống như tại các đô thị lớn khác trên thế giới…
Tuy nhiên tương lai đó vẫn còn khá xa và khách quan mà nói, việc xe máy phát triển ồ ạt như hiện nay một phần cũng bởi đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân Việt Nam. Không thể phủ nhận một thực tế là tại Việt Nam các mô hình kinh tế cá thể, kinh doanh hộ gia đình vẫn chiếm một tỷ trọng rất lớn. Tại Hà Nội, TP.HCM hay các đô thị lớn nhan nhản các cửa hàng, quán xá của các hộ gia đình… Bên cạnh đó, hiện người dân đô thị vẫn sinh sống khá phân tán; cơ quan, công sở cũng không tập trung.
Chính đặc điểm này khiến cho các phương tiện giao thông công cộng khó phát triển cũng như “quyết định” xe máy trở thành một phương tiện giao thông chủ đạo. Không chỉ vậy, xe máy đã trở thành phương tiện mưu sinh của không ít cư dân đô thị. Bởi vậy, việc cấm xe máy không chỉ tác động tới sinh hoạt của đại bộ phận dân cư, mà còn ảnh hưởng tới sinh kế của không ít cư dân đô thị, chứ không thể nói vô cảm như một quan chức Sở Giao thông Hà Nội rằng: “Ít tiền thì chịu khó đạp xe đạp, nhiều tiền thì đi taxi, chúng ta không thiếu phương tiện để lựa chọn…” (?!).
Thậm chí đã có không ít ý kiến cho rằng, việc cấm xe máy là làm lợi cho người giàu khi mà lúc này phần lớn tài sản xã hội (đường sá) sẽ chủ yếu cung ứng cho người giàu là những người đủ khả năng sở hữu ô tô.
Ngay như với mục tiêu hạn chế ùn tắc giao thông, không ít người lo ngại cũng sẽ khó đạt, bởi việc cấm sẽ máy sẽ đẩy nhanh hơn tiến trình “ôtô hóa” khi mà việc sở hữu một chiếc xe ô tô đã không còn là điều quá xa vời như thời gian trước. Nếu điều đó xảy ra, tình trạng ùn tắc có thể sẽ còn trầm trọng hơn. Thực tế cũng cho thấy nhiều thành phố lớn khác trên thế giới hầu như vắng bóng xe máy, song tình trạng ùn tắc vẫn không hề mất đi. Thậm chí có chuyên gia còn cho rằng, với hạ tầng giao thông như hiện nay, song tình trạng ùn tắc của Hà Nội và TP.HCM không nghiêm trọng như nhiều thành phố lớn khác trên thế giới là nhờ… xe máy.
Vậy nên, thay vì cấm xe máy, các nhà quản lý cần tìm cách để phát triển hệ thống giao thông công cộng theo hướng ngày càng tiện lợi hơn để đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nếu làm được điều đó, người dân sẽ tự động hạn chế các phương tiện cá nhân. Thế nhưng cần hiểu rằng, việc hạn chế phương tiện nào sẽ do người dân quyết định dựa trên nhu cầu và năng lực của từng cá nhân, chứ không nên dùng mệnh lệnh hành chính. Bằng chứng là nhiều thành phố lớn trên thế giới cũng không hề cấm xe máy, song lượng xe máy lưu hành là rất ít.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
