50 năm vẹn nghĩa, trọn tình
![]() | Họ đã sống một thời như thế |
![]() | “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc… ” |
![]() | Những kỷ vật thiêng liêng, xúc động của đoàn B68 |
Đã thành truyền thống, từ nhiều năm nay các cuộc gặp mặt cán bộ Ngân hàng B68 khu vực miền Trung - Tây Nguyên, lại luân phiên tổ chức ở khu vực. Mới đây nhất, cuộc gặp mặt tại Quy Nhơn (Bình Định), nhiều cô, chú đã không còn khỏe như lần gặp trước. Từng đôi chân rắn rỏi xẻ dọc Trường Sơn, trèo đèo lội suối, đến bây giờ phải ngập ngừng từng bước. Song, khi gặp nhau với những câu chuyện thân tình, họ lại làm sống dậy ký ức thật đẹp của những năm tháng không thể nào quên...
![]() |
Cán bộ B68 ngành Ngân hàng khu vực miền Trung - Tây Nguyên gặp mặt tại Quảng Ngãi |
Huyền thoại một con đường
Cách đây 50 năm, giữa thời điểm cam go, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, 452 cán bộ ngành Ngân hàng đã anh dũng ra chiến trường. Trong đó, có nhiều người con của khúc ruột miền Trung - Tây Nguyên.
Những chiến sĩ ngân hàng ngày ấy phải vượt bao suối sâu, đèo cao, chống chọi với mưa bom, bão đạn ác liệt của kẻ thù. Dấu chân của họ in dấu từ đất lửa Khu 5, ngược lên Tây Nguyên, vào cực nam Tổ quốc sang nước bạn Lào, Campuchia… Phục vụ chiến trường, nhiệm vụ xuyên suốt của cán bộ ngân hàng thời điểm đó, là tập trung phân phối nguồn tiền chi viện cho chiến trường. Thời điểm đó, chúng ta đang gặp nhiều khó khăn trong nhiệm vụ chuyển tiền vào chiến trường miền Nam. Cũng từ đây, huyền thoại về một “con đường tiền tệ” đã được hình thành.
Bà Lưu Thị Ái Liên, Trưởng Ban Liên lạc cán bộ Ngân hàng B68 miền Trung - Tây Nguyên, nguyên Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng nhớ lại, thời điểm đó số tiền được chuyển vào chủ yếu là đồng đô la (A). Sau đó, cán bộ ngân hàng phải xây dựng đường dây chuyển đổi từ đô la sang tiền chế độ cũ (Z).
Thời kỳ bà Liên mới vào chiến trường, được phân công công tác tại Bộ phận Ngân tín thuộc Ban Tài mậu Khu 5. Nhiệm vụ quan trọng, nhưng cũng hiểm nguy nhất là chuyển đô la xuống cơ sở. Sau đó, đổi ra tiền Ngụy rồi mua hàng hóa, đạn dược, thuốc men cung cấp cho các đơn vị ở chiến khu lẫn trong lòng địch. Có những lúc, cán bộ ngân hàng phải di chuyển liên tục, nay xã này, mai làng khác. Lúc ở ngoài vùng giải phóng, lúc luồn sâu vào vùng tranh chấp để làm nhiệm vụ.
Cũng theo lời kể của bà Lưu Thị Ái Liên, nhận chuyển từ đồng A sang đồng Z đã khó, thì công tác kho quỹ, cất giữ tiền bạc trong những năm tháng này còn khó khăn bội phần. Bởi, cất giấu tiền bạc trong điều kiện thời tiết ở chiến trường rất khắc nghiệt. Để bảo quản, cất giữ những đồng tiền thấm đẫm bao công sức, xương máu, chống chọi lại các côn trùng như mối mọt, phải dùng đến cả những thùng đạn, hay ống đạn pháo để đựng tiền. Có cán bộ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ kho tiền...
Bên cạnh, nhiệm vụ chính trị trung tâm, cán bộ ngân hàng B68 vừa tăng gia sản xuất tự túc lương thực, vừa làm công tác tín dụng đối với đồng bào vùng giải phóng. Bữa ăn hàng ngày của anh chị em chủ yếu là củ mì (sắn), bắp, bí đỏ hay măng rừng với muối. Rồi chia nhau những lọ ký ninh để cắt cơn sốt rét...
Ngay ở chiến trường miền Trung - Tây Nguyên, nhiều cán bộ ngân hàng đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đó là tấm gương của Liệt sĩ Trương May, quê huyện Hoài Nhơn (Bình Định), trên đường đi công tác bị địch phục kích, bắt quả tang. Dù bị tra tấn dã man nhưng vẫn giữ khí tiết, hiên ngang trước kẻ thù. Bất lực trước sự anh dũng của người cán bộ ngân hàng, địch đã hèn hạ thủ tiêu anh. Hay trường hợp của Liệt sĩ Lê Văn Cẩn, cũng bị địch phục bắt trên đường đi công tác. Kẻ thù dùng cực hình để tra tấn, lần lượt đánh gãy cả hai chân song vẫn không chịu khuất phục…
![]() |
Căn nhà tình nghĩa của cụ Kim Phước Hương ở Cà Mau (tháng 3/2011) |
Sáng mãi những tấm gương
Trải qua hành trình vừa phục vụ Ngành, vừa chiến đấu oanh liệt 79 cán bộ ngành Ngân hàng B68 đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 39 cán bộ B68 đã nằm xuống ở các chiến trường. Có người hy sinh khi mới chỉ tuổi đôi mươi như đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thanh, quê Bình Định hy sinh khi mới tuổi 22. Những đóng góp của đội ngũ cán bộ ngân hàng B68 góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang trong cuộc tổng tiến công nổi dậy lịch sử mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam non sông đất nước liền một dải.
50 năm sau ngày lên đường vào miền Nam, nhiều người trong số cán bộ ngân hàng B68 đã ra đi mãi mãi. Cũng có người, trở thành lãnh đạo cấp cao của Ngành. Dù ở bất cứ cương vị nào, họ vẫn giữ vững phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng. Đóng góp trí tuệ, công sức cho công cuộc xây dựng và phát triển ngành Ngân hàng ngày càng lớn mạnh. Tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo...
Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Nam tâm sự, những cán bộ B68 ngành Ngân hàng vẫn sẽ sống mãi với thời gian. Những ký ức đẹp của tình đồng chí đồng đội không thể xóa mờ. Họ sẽ là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo; là lời nhắc nhở đến thế hệ trẻ hôm nay, giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng của người cán bộ ngân hàng, chấp hành tốt chủ trương chính sách pháp luật, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Từ tháng 5/2003, Ban liên lạc cán bộ ngân hàng B68 được thành lập. Với tinh thần đồng đội tương trợ lẫn nhau, “uống nước nhớ nguồn”, Ban liên lạc thường xuyên triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, như tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, xây nhà tình nghĩa, kiến nghị, đề xuất những tồn tại về chế độ, chính sách đối với cán bộ B68, động viên, giúp đỡ thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, ổn định và vươn lên trong cuộc sống.
Kỷ niệm 45 năm ngày vào chiến trường miền Nam, Ban liên lạc B68 cũng đã ra mắt cuốn sách “B68 ngày ấy, bây giờ”, kể lại một thời hào hùng cùng đất nước, non sông. Nối tiếp truyền thống vẻ vang, đã có một số người con của đoàn cán bộ ngân hàng B68, tiếp nối công tác trong ngành Ngân hàng và trở thành những lãnh đạo của các chi nhánh NHNN, chi nhánh NHTM. Trong đó, có thể kể đến trường hợp Điền Hoàng - nguyên Giám đốc NHNN chi nhánh Gia Lai, Nguyễn Tạ Hiền - Giám đốc NHNN chi nhánh Thừa Thiên - Huế...
...50 năm đã trôi qua, đi ra từ khói lửa đạn bom của cuộc chiến, ký ức về một thời hào hùng ấy của những cán bộ B68 ngành Ngân hàng vẫn sẽ sống mãi với thời gian. 50 năm qua họ đã thực sự vẹn nghĩa, trọn tình với non sông đất nước.
Tin khác

Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Đà Nẵng biểu dương lao động giỏi
