Yêu cầu ngân hàng khấu trừ thuế: Có thể phát sinh tranh chấp
![]() | Gỡ vướng cho doanh nghiệp về chính sách thuế, hải quan |
![]() | Dự thảo Luật Quản lý thuế: Băn khoăn trách nhiệm của ngân hàng |
![]() |
Luật sư Trần Minh Hải |
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng xung quanh Dự án Luật Quản lý thuế, Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc điều hành BASICO cho rằng, Điều 27 Dự thảo Luật Quản lý thuế đặt ra quá nhiều trách nhiệm cho ngân hàng. Với những quy định đưa ra trong Dự thảo, điều hiển nhiên ngân hàng phải bổ sung thêm nhiều quy trình nghiệp vụ, nhân sự phục vụ để thực thi các trách nhiệm như thu thập, tổng hợp dữ liệu thông tin, đối soát xử lý dữ liệu về nộp thuế, hoàn thuế điện tử; thực thi lệnh khấu trừ, trích chuyển; báo cáo thông tin tài khoản...
Một số quốc gia phát triển tại châu Âu, điển hình như Thụy Sĩ đương nhiên cũng quy định về sự hỗ trợ giữa ngân hàng và cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý thuế. Tuy nhiên, phạm vi phối hợp được làm rõ và trong nhiều trường hợp, trách nhiệm phối hợp của ngân hàng chỉ đặt ra trong hoạt động tư pháp, xử lý sai phạm thuế. Nhiều trường hợp, cơ quan thuế khi muốn yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản hoặc thực hiện trích tiền từ tài khoản khách hàng thì phải có cơ sở, chứng cứ rõ ràng và phải thông qua lệnh từ Tòa án có thẩm quyền. Sự phối hợp của ngân hàng phải trên cơ sở bảo đảm quyền được bảo vệ thông tin cá nhân, tài sản của các cá nhân, tổ chức.
Một số ý kiến cho rằng, dự thảo luật quy định NHTM phải cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế là vi hiến. Quan điểm của ông như thế nào?
Ý kiến cho rằng dự thảo quy định như vậy vi hiến không phải là không có cơ sở. Điều 21 Hiến pháp quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân sẽ được pháp luật bảo đảm an toàn. Sẽ là hợp lý nếu như ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng theo yêu cầu từ cơ quan thuế trong những trường hợp luật định rõ ràng về vụ việc sai phạm thuế mà cơ quan thuế có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp.
Tuy nhiên, với quy định nêu trên có thể hiểu theo nghĩa khách hàng là người nộp thuế mà mở tài khoản tại ngân hàng, thì ngân hàng phải lập tức chuyển giao các thông tin tài khoản cho cơ quan thuế, bao gồm cả trường hợp có hay không có yêu cầu cụ thể. Điều đó sẽ làm phá vỡ mọi năng lực bảo mật thông tin của ngân hàng, sẽ làm cho quyền được bảo vệ thông tin của khách hàng không được bảo đảm. Thông tin tài khoản là một trong những bí mật cá nhân thuộc đời sống riêng tư của công dân. Nếu khách hàng không có sai phạm, không thuộc trường hợp xác minh, theo dõi… thì đúng ra họ có quyền được bảo vệ bí mật cá nhân như nguyên tắc hiến định.
Vậy ông đánh giá thế nào về quy định liên quan đến trách nhiệm của NHTM trong việc phải khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của khách hàng?
Quy định ngân hàng có nghĩa vụ khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam sẽ gây khó khăn và rủi ro cho ngân hàng trong quá trình thực thi trên thực tế. Có ba rủi ro có thể thấy rõ như sau:
Thứ nhất, nghĩa vụ khấu trừ thuế tạo thêm trách nhiệm, gánh nặng cho ngân hàng trong công tác tổng hợp thông tin, xử lý đối soát dữ liệu, xác định cơ sở thu nhập nào là thu nhập chịu thuế, thuế suất là bao nhiêu... Điều này làm tiêu tốn thời gian, chi phí của ngân hàng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ngành Ngân hàng.
Thứ hai, khi thực hiện việc khấu trừ thuế, nộp thay nghĩa vụ thuế cho khách hàng, ngân hàng đang tự đẩy mình vào khả năng có thể phát sinh tranh chấp với khách hàng. Bởi khách hàng có quyền không đồng ý số tiền thuế ngân hàng trích từ tài khoản mà không có sự đồng ý của họ. Tranh chấp sẽ phát sinh và người bị kiện có thể là ngân hàng chứ không phải cơ quan thuế. Vì suy cho cùng, ngân hàng là chủ thể chịu trách nhiệm trước khách hàng về việc quản lý tài khoản của khách hàng, chứ không phải là cơ quan thuế.
Thứ ba, ngân hàng còn có rủi ro bị truy thu thuế. Giả sử, ngân hàng có hàng nghìn tài khoản của tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát sinh thu nhập từ Việt Nam. Vậy, nếu quy định khấu trừ thuế là trách nhiệm của ngân hàng, thì về nguyên tắc cũng có thể xác định hậu quả chế tài cho việc không khấu trừ thuế đúng luật cũng có thể thuộc về ngân hàng. Ai sẽ chịu trách nhiệm trước số tiền thuế không khấu trừ đúng theo đòi hỏi? Liệu ngân hàng có vô can?
Cơ quan thuế là đơn vị chuyên về nghiệp vụ quản lý, thu thuế, được trang bị cơ sở, điều kiện để tiến hành các nghiệp vụ này, có quyền hạn và chịu trách nhiệm về kết quả của hoạt động thu thuế. Nhưng hóa ra mọi công việc xử lý, quản lý thuế như khấu trừ thuế, nộp thay thuế... đều do ngân hàng sử dụng nguồn nhân lực, chi phí, thời gian, phương tiện công cụ của mình thực hiện. Đồng thời cũng chính ngân hàng phải tự gánh chịu nhiều rủi ro trong thực hiện trách nhiệm về thuế. Vậy với nội dung dự thảo có khác gì ngân hàng đang làm thay trách nhiệm của cơ quan thuế.
![]() |
Vậy theo ông, Ban soạn thảo cần sửa đổi và bổ sung những quy định như thế nào liên quan đến nghĩa vụ và trách nhiệm của ngân hàng?
Nên phân định rõ ràng đâu là hoạt động kinh doanh ngân hàng trong quá trình phối hợp với cơ quan thuế để loại bỏ ra khỏi quy định về trách nhiệm bắt buộc phải thực hiện của ngân hàng. Điều này cho phép ngân hàng có quyền tiến hành hoặc từ chối tiến hành dựa trên yếu tố lợi ích kinh doanh và thỏa thuận với khách hàng, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của ngân hàng.
Cần hạn chế bớt nội dung quy định cho phép quá dễ dãi can thiệp vào thông tin bí mật tài khoản của khách hàng tại ngân hàng. Nên theo hướng ngân hàng chỉ có nghĩa vụ cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan tư pháp hoặc cụ thể hóa những trường hợp hữu hạn mà ngành thuế được quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về khách hàng.
Nếu đặt trọng tâm quản lý thuế bằng các quy định siết chặt quá mức quyền lợi của khách hàng tại ngân hàng có thể tạo ra nghịch cảnh khách hàng không còn an tâm sử dụng dịch vụ ngân hàng để gửi tiền; không còn nhìn nhận ngân hàng như tổ chức bảo vệ tài sản tối ưu cho họ. Điều đó khiến uy tín cũng như hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ chịu tác động xấu.
Xin cảm ơn ông!
Tin liên quan
Tin khác

Việt Nam cần chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó với chính sách thuế quan

Cần đồng bộ các giải pháp để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững

Cần giải pháp mạnh để DNNVV tiếp cận vốn hiệu quả

Dẫn lối dòng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ cần liên kết để mở rộng cơ hội vay vốn ngân hàng
