Xuất khẩu rau quả: Tìm kiếm thị trường mới
Dịch Covid diễn biến phức tạp khiến cho xuất khẩu nông sản sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc gặp khó. Điều này khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả trong hai tháng đầu năm 2022 giảm mạnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, các DN cần nhanh chóng tìm kiếm các thị trường mới, nhất là thị trường các nước mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Theo số liệu mới được Tổng cục Hải quan công bố, 15 ngày đầu tháng 2, xuất khẩu rau quả chỉ đạt 76,5 triệu USD, so với cùng kỳ 2021, con số này giảm khoảng 42%. Lũy kế từ đầu năm đến 15/2/2022, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 368,5 triệu USD, giảm hơn 16% (tương đương hơn 72 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc hết tháng 1/2022 đạt 148,9 triệu USD, chiếm 50,8% tổng kim ngạch nhóm hàng này của cả nước trong cùng thời điểm. Ngoài thị trường Trung Quốc, xuất khẩu rau quả đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh tại nhiều thị trường khác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ nhiều năm nay, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Nhưng từ đầu năm đến nay tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc tiếp tục tái diễn, khiến xuất khẩu sang Trung Quốc trong hai tháng đầu năm giảm mạnh. Các DN xuất khẩu đang có sự chuyển dịch rõ nét về xuất khẩu rau quả sang các các thị trường khác. Trong đó, thị trường Mỹ và Hàn Quốc tăng trưởng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang Mỹ tăng gần 70%; trong khi Hàn Quốc tăng gần 32%. Thị trường Nhật Bản cũng tăng trưởng hai con số ở mức 12%. Xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính khác cũng tăng mạnh như Australia tăng 45,7%; Hà Lan tăng 51,5%; Nga tăng 33,9%… Chính sự tăng trưởng của các thị trường này đã góp phần tạo nên doanh thu xuất khẩu ấn tượng của mặt hàng rau quả.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường châu Âu và châu Mỹ đều có tốc độ tăng trưởng cao, trong đó xuất khẩu tới châu Âu đạt 303 triệu USD, tới châu Mỹ đạt 271 triệu USD. Hiện Mỹ đang được đánh giá là thị trường rất tiềm năng đối với các DN xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Hàng rau quả xuất khẩu tới thị trường Mỹ trong tháng 1/2022 đạt 22,4 triệu USD, tăng 12,3% so với tháng 12/2021 và tăng 69,8% so với cùng kỳ. Tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang Mỹ chiếm 7,6%, tăng 3,3 điểm phần trăm. Đến nay, Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu 6 loại hoa quả tươi sang Mỹ gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Hiện tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả của Mỹ từ Việt Nam vẫn ở mức thấp là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường này trong thời gian tới. Theo đó, để gia tăng xuất khẩu hàng rau quả vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp trong nước nên phối hợp với nhà nhập khẩu, phân phối tại Hoa Kỳ nghiên cứu phương thức thanh toán linh hoạt, hỗ trợ chia sẻ rủi ro, nhất là giai đoạn đầu tiếp cận thị trường.
Có thể thấy, trước những khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc tắc cả ở cảng biển và cửa khẩu, các DN xuất khẩu Việt Nam cần mở rộng thị trường, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), những năm gần đây Việt Nam đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng rau quả. Xu hướng chuyển dịch xuất khẩu sang các thị trường ngoài Trung Quốc, nhất là những thị trường khó tính, tiếp tục thể hiện rõ nét ngay trong tháng đầu năm 2022. Các DN trong nước đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTTP… để gia tăng thị phần. Đồng thời, DN ngành rau quả của Việt Nam đã dần chuyển dịch sang sản phẩm rau quả chế biến. Việc đẩy mạnh đầu tư cho chế biến sẽ giúp ngành hàng rau quả tăng cao giá trị xuất khẩu. Với những tín hiệu tích cực từ nhiều thị trường, dự báo ngành rau quả tự tin với mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm 2022.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD
