Xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
![]() | Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Có “bò” cần lo làm “chuồng” |
![]() | Xây dựng thương hiệu từ quyền sở hữu trí tuệ |
![]() | Doanh nghiệp và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ |
Vi phạm sở hữu trí tuệ đang là vấn đề nhức nhối
Hiện nay, những vi phạm cạnh tranh không lành mạnh, nhái nhãn hiệu; vi phạm liên quan đến tên miền, quốc gia; vi phạm về tên thương mại, tên doanh nghiệp; xâm phạm quyền đối với sáng chế… diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang đến mức báo động đỏ. Trong khi đó những quy định và pháp lý trong vấn đề xử lý còn yếu.
![]() |
Vi phạm quyền SHTT diễn ra rất nhiều ở các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 |
Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước liên tục phát hiện và bắt giữ số lượng lớn hàng giả, hàng có dấu hiệu vi phạm, giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam. Đặc biệt vi phạm SHTT đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp chân chính. Theo Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, tình trạng vi phạm SHTT ngày càng tinh vi khiến cho công tác phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các nhóm mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, các mặt hàng phòng chống dịch…
Báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tháng 10, triển khai nhiệm vụ tháng 11/2021 cho thấy, trong tháng 10 các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389/TP đã thanh tra, kiểm tra 1.339 vụ; xử lý hành chính 1.230 vụ, khởi tố 5 vụ đối với 9 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu 137 vụ; hàng giả, vi phạm SHTT 22 vụ; gian lận thương mại 1.071 vụ. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 156 tỷ 123 triệu đồng. Điển hình là Đội QLTT số 1 - Cục QLTT TP. Hà Nội đã thu giữ 11.250 chiếc kính che mặt chống giọt bắn 8M xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ.
Trên thực tế, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm về SHTT ở nước ta vẫn diễn ra phổ biến và phức tạp. Các hành vi vi phạm thường diễn ra trên môi trường mạng. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, hành vi vi phạm quyền SHTT diễn ra rất nhiều ở các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch như khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay y tế… Lợi dụng chế tài xử lý vi phạm hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT vẫn còn nhẹ, đặc biệt với hành vi vi phạm có trị giá thấp hơn mức xử lý hình sự (200 triệu đồng), trong khi lợi nhuận thu được từ kinh doanh mặt hàng này lớn, một số đối tượng vẫn tái phạm nhiều lần.
Cần có chế tài đủ mạnh
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT vẫn đang tiếp diễn và ngày càng gia tăng theo chiều hướng tinh vi. Là một trong những lực lượng chủ công trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa, mỗi năm, lực lượng QLTT xử lý hàng chục nghìn vụ về hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT, chuyển nhiều vụ việc cho cơ quan công an để khởi tố hình sự. Số liệu thống kê từ Chương trình 168 về phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT cho thấy, năm 2020 các lực lượng chức năng của các bộ, ngành đã xử phạt 1.300 vụ xâm phạm quyền SHTT, tổng số tiền xử phạt trên 25 tỷ đồng.
Hiện tại, pháp luật Việt Nam quy định việc thực thi quyền SHTT bằng các biện pháp dân sự, hình sự và hành chính. Hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu là phạt tiền, đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị vi phạm, tịch thu tang vật... Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc xử lý như thế là chưa đủ sức răn đe. Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra phụ trách Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, dù lực lượng chức năng cả nước đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng vi phạm quyền SHTT diễn ra rất nhiều và phổ biến đến mức báo động đỏ. Hiện 95% các vụ việc xâm phạm quyền SHTT được xử lý bằng biện pháp vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần giảm biện pháp xử phạt bằng hành chính, chuyển sang biện pháp tư pháp để phù hợp với xu thế toàn cầu.
Hiện Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 về Kế hoạch đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2021- 2025. Tuy nhiên, để có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái Tổng cục QLTT đã đề nghị tại dự thảo Luật SHTT cũng như sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, xử lý hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT có yếu tố tái phạm. Đối với xử lý hàng hóa giả mạo SHTT, Tổng cục QLTT cũng tham gia kiến nghị sửa đổi, bổ sung hướng dẫn, quy định về vấn đề quy mô thương mại, đồng thời bổ sung xử lý hình sự đối với hành vi tái phạm sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo SHTT.
Mới đây, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT. Một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm, phân tích, làm rõ là việc quy định không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Theo Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình), việc quy định không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT là không phù hợp. Bởi việc này sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta. Điều này cũng làm tăng thêm gánh nặng trong khi hệ thống tòa án hiện nay đang quá tải, tạo thêm thách thức cho đương sự khi sử dụng các biện pháp tố tụng dân sự. Phần lớn các đại biểu đều nhận định rằng, nên giữ nguyên quy định hiện hành, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
