Xăng dầu giả gây thiệt hại thật
Nhiều diễn biến phức tạp
Theo báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ của Bộ Công Thương về việc cung cấp thông tin phục vụ việc thanh tra về chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý nhà nước về xăng dầu, tình hình buôn lậu xăng dầu giả, kém chất lượng đang diễn biến phức tạp, nhất là tại địa bàn các tỉnh phía Nam và một số tỉnh miền Trung. Điển hình là vụ việc Công an tỉnh Đồng Nai vừa triệt phá đường dây sản xuất, điều chế hơn 200 triệu lít xăng dầu giả.
Hay mới đây, Công an TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 3 đối tượng với tội danh sản xuất và buôn bán hàng giả.
Trước đó, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra và bắt giữ xe ô tô với 2 đối tượng trên, thu giữ 34 thùng dầu giả (loại 18 lít/thùng), trong đó có 30 thùng dầu nhờn giả nhãn hiệu Castrol, 4 thùng dầu nhờn giả nhãn hiệu Caltex.
Qua lời khai, lực lượng chức năng khám xét khẩn cấp địa điểm sản xuất và thu giữ thêm 17 thùng dầu nhờn giả nhãn hiệu Castrol cùng các máy móc, dụng cụ để sản xuất dầu nhờn giả.
![]() |
Kiên quyết ngăn chặn tình trạng xăng dầu giả gây thiệt hại thật |
Đánh giá về thực trạng hiện nay, ông Trịnh Mạnh Cường, Phó chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng trên địa bàn các tỉnh và trên các vùng biển Việt Nam có chiều hướng diễn biến phức tạp với số vụ, số đối tượng, số lượng xăng dầu ngày càng tăng. Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tích cực, chủ động nắm tình hình, phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, các phương tiện là tàu thuyền chuyên dụng, tàu cá cải hoán vận chuyển buôn lậu xăng dầu, cơ sở sản xuất dầu DO, dầu nhớt giả, kém chất lượng. Phát hiện các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm trục lợi cùng nhiều đối tượng liên quan với số lượng lớn xăng dầu vi phạm, phát mại tài sản, tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, việc có quá nhiều tầng bậc trung gian như là thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu… không chỉ khiến giá xăng dầu đội lên mà còn làm khó cho công tác quản lý, gây nhiều hệ lụy.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống buôn lậu xăng dầu, sản xuất kinh doanh xăng dầu giả hiện còn nhiều bất cập. Một chuyên gia chỉ ra rằng, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cũng còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa phù hợp và đáp ứng với tình hình thực tiễn; lĩnh vực xăng dầu do nhiều đơn vị cùng quản lý nên trong quá trình kiểm tra dễ bị trùng lặp.
Bên cạnh đó, thị trường xăng, dầu được xem là “màu mỡ”, chính vì thế một số đối tượng đã bất chấp các thủ đoạn để nhập lậu, sản xuất, pha chế xăng dầu giả và tuồn ra thị trường tiêu thụ nhằm kiếm lời bất chính.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Để ngăn chặn tình trạng “xăng dầu giả gây thiệt hại thật”, Phó chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, đơn vị đã yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; chủ động, nắm chắc tình hình hoạt động nhập khẩu, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh, lưu kho, phân phối, lưu thông mặt hàng xăng dầu (các hoạt động dễ bị lợi dụng nhằm trục lợi); tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm trong nội địa và trên các vùng biển để kịp thời phát hiện, đấu tranh đối với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, nhất là các đối tượng có vai trò chủ mưu, cầm đầu để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng, nhất là các đơn vị có thẩm quyền cấp phép, đăng ký chất lượng, đo lường thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong việc chấp hành các quy định về điều kiện nhập khẩu, lưu kho, vận chuyển, sản xuất, phân phối, lưu thông để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về gian lận đo lường, không bảo đảm chất lượng, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá nhằm trục lợi. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tích cực phát hiện, tố giác tội phạm.
Muốn đảm bảo và nâng cao lợi ích của người tiêu dùng và ngăn chặn tình trạng xăng giả lộng hành, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng, kịp thời công bố thông tin về các doanh nghiệp vi phạm và thay đổi hệ thống phân phối theo hướng giảm các tầng nấc trung gian và siết chặt việc xử lý vi phạm, cấp phép xăng dầu. Đồng thời, cần có yêu cầu cao hơn về vốn, điều kiện kinh doanh, để chỉ những doanh nghiệp đủ tiềm lực, khả năng và uy tín mới được làm; tập trung quản lý chất lượng hàng hóa và đảm bảo cơ chế cạnh tranh minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên thị trường…
Đặc biệt, về phía người tiêu dùng, các chuyên gia khuyến nghị, khi phát hiện ra chất lượng xăng, dầu mua kém chất lượng, là hàng giả cần liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của mình, cũng như có biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp vi phạm, từ đó góp phần làm lành mạnh thị trường xăng, dầu hiện nay.
Tin liên quan
Tin khác

Phá sập đường dây mua bán tài khoản ngân hàng để lừa đảo
