WEF 2017 nỗ lực chống biến đổi khí hậu và đói nghèo
Hành động với trách nhiệm
Lần đầu tiên tham dự WEF trên cương vị tân Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), ông Antonio Guterres ngày 19/1 nhấn mạnh cần tạo dựng một quan hệ đối tác mới với giới doanh nghiệp, góp phần chống biến đổi khí hậu và giảm nghèo.
![]() |
Lãnh đạo cấp cao các nước tham dự WEF |
Phát biểu trong khuôn khổ WEF 2017, tân Tổng Thư ký LHQ Guterres đặc biệt đề cao các doanh nghiệp, nhấn mạnh họ như những "đồng minh tốt nhất" để đảm bảo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vẫn được thực thi, dù một số chính phủ trên thế giới có thể ít hành động ủng hộ văn kiện này, chẳng hạn như Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump - người hoài nghi về thực trạng biến đổi khí hậu, gây quan ngại ông có thể sẽ rút Mỹ khỏi danh sách các nước tham gia thỏa thuận ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.
Ông Guterres cho rằng các doanh nghiệp có thể đi đầu trong xu hướng bảo vệ môi trường bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào nền kinh tế xanh, điều này phù hợp với mục tiêu của Hiệp định Paris, giúp thế giới không phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch - một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, ông còn đề cập tới "mối liên kết" có ý nghĩa giữa doanh nghiệp với các mục tiêu chiến lược của cộng đồng quốc tế, cũng như bày tỏ tin tưởng vào cơ hội tạo dựng một nền tảng hợp tác mới ở tầm cao hơn giữa giới tinh hoa toàn cầu.
Tham dự WEF diễn ra từ ngày 17 đến 20/1 ở Davos (miền Đông Thụy Sỹ) lần này, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có bài phát biểu thể hiện tầm nhìn, quan điểm với tư cách là một nhân tố ngày càng lớn trên trường quốc tế; ghi dấu bước chuyển trong bối cảnh chính trị quốc tế khi các nền dân chủ phương Tây đang phải đấu tranh với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và xu hướng dân túy.
Ông Tập Cận Bình đã lên tiếng bảo vệ tiến trình toàn cầu hóa, đồng thời phản ánh mong muốn của Bắc Kinh nhằm có một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Hãng tin Reuters cho rằng trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump hứa hẹn sẽ có những chính sách mang màu sắc bảo hộ hơn, còn châu Âu đang phải đối mặt với những vấn đề của riêng mình, từ việc nước Anh ra đi (hay còn gọi là Brexit) cho tới khủng bố, Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội để họ “lấp đầy chỗ trống” trong vai trò lãnh đạo kinh tế quốc tế.
Phát biểu trước rất đông khán giả, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng chủ nghĩa bảo hộ đồng nghĩa với việc “tự khóa trái mình trong một căn phòng tối” và cắt đứt mọi “nguồn ánh sáng và không khí”. Trong bài phát biểu kéo dài gần một giờ đồng hồ, ông khẳng định: “Không ai có thể trở thành người chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại”.
Những rủi ro trên toàn cầu
Thực tế cho thấy trong vài năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến nhiều xu hướng tiêu cực như bất bình đẳng kinh tế, phân cực xã hội và những hiểm họa môi trường khó lường gây ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế người dân, tác động tới sự gắn kết xã hội và uy tín của các nhà hoạch định chính sách. Kinh tế thế giới đã phục hồi sau thời gian dài suy giảm nhưng tăng trưởng còn chậm và mong manh. Bất ổn an ninh và nguy cơ khủng bố ngày càng hiện hữu và đe dọa mọi quốc gia.
Một tuần trước ngày khai mạc Hội nghị thường niên, WEF công bố bản báo cáo về những rủi ro toàn cầu, xuất phát từ một cuộc khảo sát được tiến hành với khoảng 750 chuyên gia trên thế giới.
Xu hướng đầu tiên nổi bật trong báo cáo là nỗi lo lắng gây nên bởi những căng thẳng chính trị, từng được biểu hiện trong năm 2016 qua cú sốc của cuộc trưng cầu dân ý tại nước Anh về việc tư cách thành viên của “xứ sở sương mù” trong Liên minh châu Âu (EU) và sau đó là chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Những bất bình đẳng trong thu nhập và "khoảng cách giàu nghèo gia tăng" trong xã hội xuất hiện hàng đầu trong các xu hướng sẽ định hình sự tiến triển của thế giới trong thập kỷ tới.
Nguy cơ lớn thứ hai là sự ấm lên của khí hậu toàn cầu. Tất cả các rủi ro môi trường được đánh giá là có "nguy cơ rất cao" và "rất có khả năng xảy ra" với vị trí hàng đầu là nguy cơ về các "hiện tượng thời tiết cực đoan". Mối lo ngại này không phải là mới, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đã chuyển đổi rộng rãi nhằm thích nghi với quá trình chuyển tiếp năng lượng.
Và đây là một tín hiệu mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong khi ông Donald Trump, trong cuộc vận động tranh cử vào Nhà Trắng, lại nêu tranh cãi về thực tế của vấn đề biến đổi khí hậu mà ông khái quát rằng đây là một âm mưu của Trung Quốc nhằm tiêu diệt ngành công nghiệp Mỹ.
Thách thức lớn thứ ba mà báo cáo nhấn mạnh là vấn đề xã hội không tiến kịp sự phát triển của công nghệ. Trong số 12 công nghệ mới nổi, các chuyên gia được phỏng vấn cho rằng trí thông minh nhân tạo và robot (người máy) có nguy cơ mang tới những hệ lụy kinh tế tiềm tàng, trước tiên là đối với việc làm và sự ổn định của xã hội.
Đối mặt với những thách thức mới này, vấn đề sẽ được nhấn mạnh tại Davos năm nay là sự cấp thiết phải tiến hành các chính sách đáp ứng và có trách nhiệm, nếu không sự rạn vỡ trong xã hội sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Trong một thế giới phức tạp với sự phát triển càng ngày càng nhanh chóng, người sáng lập Diễn đàn Davos, Klaus Schwab khẳng định rằng các nhà lãnh đạo cần chứng tỏ sự đáp ứng đối với những đòi hỏi của các công dân, những người đã đặt niềm tin vào các nhà lãnh đạo và đưa ra triển vọng cho phép người dân hướng tới một tương lai tốt hơn.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
