Vụ bê bối tại ngân hàng Wells Fargo
Áp lực lên nhân viên
Ngày 20/9, Giám đốc điều hành ngân hàng đa quốc gia Wells Fargo, ông John Stumpf, đã lên tiếng thừa nhận: trong 5 năm qua, Wells Fargo đã lợi dụng những kẽ hở trong hoạt động và sự thiếu hiểu biết của khách hàng để tạo lập 2 triệu tài khoản giả mạo. Ngân hàng này còn tạo ra số PIN và tài khoản email giả để mời khách hàng đăng ký tham gia vào các dịch vụ ngân hàng điện tử họ không mong muốn.
![]() |
John Stumpf tại buổi điều trần |
Với cách thức này, khách hàng đã bị thu phí ở cả những tài khoản mình đứng tên từ lúc nào không biết, hoặc phải trả phí phạt cho các trương mục ma. Không những thế, các nhân viên tham gia vào hành vi này còn nộp hơn 560.000 hồ sơ xin cấp thẻ tín dụng khống để thu về các khoản phí thường niên, lãi phạt trả nợ quá hạn và các loại lệ phí khác. Hiện, ông John Stumpf đang đối mặt với nguy cơ phải giải trình trước Sở Tư pháp và Ủy ban Chứng khoán Mỹ.
Nguyên nhân khiến hàng triệu tài khoản được mở trái phép là do nhân viên ở đây bị áp chỉ tiêu doanh số quá cao, liên tục tăng trưởng ngày này qua ngày khác. Moody trước đó đã khuyến cáo rằng, công tác điều hành, giám sát tại Wells Fargo cũng không đủ chặt chẽ.
Cú sốc tại Wells Fargo đã khiến ngành công nghiệp ngân hàng phải tự đặt câu hỏi nghiêm túc về văn hoá bán hàng, vì sao lại dẫn đến tình cảnh mở các tài khoản trái phép như vậy? Nhân viên Wells Fargo cho biết, họ phải đối mặt với áp lực khủng khiếp từ cấp trên, bị đề ra những chỉ tiêu mà họ cho rằng điên rồ và phi lý.
Nhà đầu tư lớn nhất tại Fargo là tỷ phú Warren Buffet hiện vẫn chưa lên tiếng sau sự việc tại Wells Fargo.
John Stumpf, CEO Wells Fargo đã gửi lời xin lỗi sau vụ việc, nhưng cũng đồng thời tuyên bố sẽ không từ chức. “Điều tốt nhất tôi có thể làm lúc này là đưa công ty vượt qua sóng gió”, John Stumpf nói.
CEO công ty cũng cho biết, Wells Fargo đã sa thải 5.300 nhân viên trong những năm gần đây vì bán hàng không đúng quy trình, không tôn trọng danh dự và giá trị của công ty.
Tuy nhiên, cách hành xử của nhân viên Wells Fargo được cho là khá phổ biến trong giới bán hàng, mỗi khi họ gặp khó khăn về tăng trưởng doanh số. Để đáp ứng những chỉ tiêu công ty đề ra, nhân viên phải cố gắng moi tiền thêm của những khách hàng cũ, hoặc tìm cách bán chéo khách hàng cho nhau.
Một cựu nhân viên của Wells Fargo nói với tờ New York Times, họ cảnh báo chúng tôi về loại hành vi sai phạm này và nói: “Bạn phải báo cáo chúng... nhưng mọi người phải đáp ứng các mục tiêu kinh doanh của họ, thực tế luôn khác với hô khẩu hiệu”.
Giá trị vốn hóa đã sụt giảm 9 tỷ USD
Sau khi đưa ra kế hoạch cắt giảm mục tiêu doanh thu cho nhân viên kinh doanh ở các chi nhánh, Wells Fargo vừa để mất vị thế là ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.
Kể từ khi vụ bê bối bị phanh phui đầu tuần trước, giá trị vốn hóa của ngân hàng này đã sụt giảm 9 tỷ USD. Chỉ trong phiên hôm qua, cổ phiếu này đã giảm 3,3% và khiến các cổ đông mất một khoản tiền lớn, trong đó có tỷ phú Warren Buffett.
Hiện Wells Fargo có giá trị vốn hóa đạt 236 tỷ USD, lần đầu tiên kể từ tháng 3/2013 ở mức thấp hơn so với đối thủ JPMorgan Chase. Trong 5 năm vừa qua, Wells Fargo luôn là ngân hàng lớn nhất thế giới nếu tính trong nhóm các nước phát triển.
Động thái hạ mục tiêu doanh số của Wells Fargo vốn là một biện pháp để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, giới phân tích lại đánh giá doanh thu của Wells Fargo bị đe dọa.
Hơn nữa Wells Fargo vẫn đang phải gánh chịu hậu quả. Chủ tịch kiêm CEO John Stumpf cũng đã bị triệu tập điều tra. Trong khi đó mới đây CFO John Shrewsberry cam kết rằng sẽ điều tra đến tận cùng sự việc để tìm ra những người chịu trách nhiệm.
Kể từ đầu năm 2011 đến nay, Wells Fargo đã sa thải tới 5.300 nhân viên vi phạm kỷ luật với 10% trong số đó là những người quản lý ở nhiều cấp. Tuy nhiên Shrewsberry lại ám chỉ lần này những người vi phạm là các nhân viên kinh doanh cấp dưới có trình độ yếu kém đã gian lận để đạt được chỉ tiêu về doanh số. Họ tự ý mở thêm các tài khoản và thẻ tín dụng cho các khách hàng sẵn có mà không hề hỏi ý kiến khách hàng.
Vụ bê bối của Wells Fargo gây ra sự phẫn nộ lớn trong dư luận, đến nỗi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cho rằng cần phải có những biện pháp cải cách thị trường tài chính, chẳng hạn như đạo luật Dodd Frank.
“Nếu họ (những người giám sát hệ thống ngân hàng) không ở đây, những hành vi gian lận như thế này chắc chắn sẽ lặp lại. Đây là thời điểm để mọi người ngừng lại và nhận thức rõ ràng mối nguy hiểm mà cả hệ thống đang phải đối mặt”.
Wells Fargo bị phạt 185 triệu USD và phải trích lập dự phòng 5 triệu USD để đền bù thiệt hại cho các khách hàng. Số tiền này không phải là lớn so với quy mô của ngân hàng và sẽ dễ dàng được các cổ đông thông qua, nhưng động thái hạ mục tiêu doanh số vừa qua đang khiến các cổ đông lo lắng vì về lâu dài thì triển vọng lợi nhuận của ngân hàng đang bị đe dọa.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
