Vốn chính sách đánh thức miền quê Phú Giáo
Đường 741 lên Phú Giáo, cách TP. Hồ Chí Minh chừng 80 km và tỉnh lỵ Bình Dương khoảng 50km đèo dốc quanh co nhưng giờ đã dễ đi lắm rồi. Đường được mở rộng, trải nhựa phẳng lỳ, nhộn nhịp các loại xe chạy nên cảm giác trống vắng vốn có mà người ta thường gặp ở miền quê hẻo lánh đã vơi đi rất nhiều.
![]() |
Nhiều hộ dân ở huyện Phú Giáo vay vốn NHCSXH trồng cây hồ tiêu mang lại hiệu quả |
Những ai từng đến Phú Giáo, miền quê bán sơn địa thuộc tỉnh Bình Dương ắt không quên con đường này của hai mươi năm về trước. Hồi ấy, huyện Phú Giáo vừa được tái thành lập (8/1999) trên cơ sở các xã của hai huyện Tân Uyên, Bến Cát, chỉ toàn đường đất đỏ, bụi mù mịt vào mùa nắng, sình lầy vào mùa mưa; tỷ lệ hộ nghèo cao, cuộc sống người dân khó khăn bội phần. Trước thực tế này, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong toàn huyện đã đoàn kết một lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn tìm các giải pháp phù hợp, mở kế đưa Phú Giáo từng bước đi lên trên con đường phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững.
Với việc huy động thực hiện các chương trình, dự án của Nhà nước, của tỉnh, trong đó đáng kể đến nguồn vốn tín dụng chính sách tập trung đầu tư cho miền quê xa xôi như trở mình, được đánh thức, đem lại mùa màng xanh tươi đến ngút tầm mắt. Chứng kiến miền quê bán sơn địa đổi thay nhanh chóng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, ông Đoàn Văn Đồng chia sẻ: Đồng bào các dân tộc ngày nay đang thoát dần cảnh nghèo nàn thiếu thốn, xây dựng cuộc sống no đủ hơn, thực tế đã có không ít gia đình người Tày, Nùng, Khmer… trở thành hộ khá nhờ sử dụng vốn ưu đãi hiệu quả vào các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Hiện dư nợ cho vay của NHCSXH huyện Phú Giáo đạt 560 tỷ đồng, ưu tiên đầu tư vốn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn.
Nhờ vay vốn chính sách thuận lợi, kịp thời lại có thêm sự thấu hiểu bàn bạc kỹ lưỡng của cán bộ NHCSXH cùng các ban ngành, đoàn thể tại địa bàn, đồng bào các dân tộc trên miền quê Phú Giáo đã giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, để có được 2 xã Tân Long, Tân Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và tất cả các xã về đích nông thôn mới cuối năm 2020.
Cùng đó, dựa vào nguồn vốn chính sách và tiến bộ của khoa học kỹ thuật, Phú Giáo đã tăng diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm như cao su, hồ tiêu, hình thành vùng cây ăn trái tập trung như cam, bưởi da xanh… ven sông Bé lên 1.000 ha với giá trị thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm/ha. Nguồn vốn chính sách còn thực sự làm điểm tựa vững chắc giúp đồng bào DTTS thoát nghèo, nâng cao cuộc sống. Đến nay chỉ còn 14 hộ nghèo trên 711 hộ đồng bào DTTS trong toàn huyện. Đơn cử về gia đình chị Huỳnh Thị Tốt, dân tộc Khmer, đã sử dụng 50 triệu đồng vốn vay từ chương trình tín dụng hộ nghèo, cộng với tính siêng năng, chịu khó, vợ chồng chị đã có tới 1,1 ha điều, 0,5 ha tiêu, ngoài ra còn chăn nuôi bò sinh sản, heo nái để kinh tế gia đình ngày càng ổn định hơn, cuộc sống no đủ thêm.
Gia đình anh Ngưu Văn Bảo, người Khmer và chị Trịnh Thị Tuyết, người Dao quê gốc Bắc Kạn vào ấp 8 xã An Thới, Phú Giáo lập nghiệp cũng được nguồn vốn NHCSXH hỗ trợ kịp thời. Mười năm về trước, khu vực nhà anh chị chưa có điện lưới, nhà ở dột nát, thiếu thốn bộn bề. Thế rồi cũng như nhiều gia đình khác, cái nghèo của vợ chồng người dân tộc thiểu số này được xóa đi. Năm 2016 thông qua Hội Nông dân địa phương, anh chị được vay 30 triệu đồng vốn chính sách để chăn nuôi bò và bước đầu thu kết quả nhất định. Từ động lực đó, 3 năm sau, gia đình anh vay tiếp vốn chính sách làm mô hình kinh tế VACR (vườn, ao, chuồng, rừng). Nhờ sử dụng vốn vay ngân hàng hợp lý, anh chị đã gây dựng một cơ ngơi bao gồm đàn bò 6 con gồm bò mẹ, 2 bê con, 2 ha xanh um cây keo, hồ tiêu, thu nhập cỡ 150 triệu đồng/năm. “Vì có ngân hàng đưa vốn ưu đãi và cho cán bộ tín dụng đến tận nhà hướng dẫn cho vay nên mình mới làm ra cái trang trại to lớn như thế này và gia đình giàu lên trông thấy”, anh Ngưu Văn Bảo phấn khởi nói.
Ông Phạm Quốc Du, Giám đốc NHCSXH huyện Phú Giáo cho biết, NHCSXH huyện luôn phối hợp với các đảng ủy, chính quyền, hội đoàn thể địa phương về thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững và đảm bảo tín dụng chính sách xã hội đến đúng đối tượng. Hiện nay, NHCSXH huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết số 68/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cho đối tượng người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đặc biệt phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương chủ động phòng, chống, ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh; tập trung thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện thắng lợi, các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao, khơi thông dòng chảy nguồn vốn chính sách đều đặn, an toàn đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp người dân vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Tin liên quan
Tin khác

Tăng cho vay tín chấp đối với nông hộ và các mô hình sản xuất theo chuỗi

Co-opBank đồng hành cùng hệ thống QTDND

Cần Thơ: Rà soát nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách đến từng nhóm khách hàng

Đồng vốn Agribank - động lực cho khởi nghiệp thành công

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Lạng Sơn: Nâng cao hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Khánh Hòa nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Agribank đồng hành xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại

Quảng Nam nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới
