VN-Index vượt đỉnh, triển vọng tháng 10 sẽ ra sao?
![]() |
Mặc dù thị trường tăng rất tốt dưới góc độ VN-Index nhưng nhà đầu tư không hẳn là vui. Thị trường đã không thể hiện là một sóng tăng thật sự, vì chỉ có các cổ phiếu lớn kéo điểm số lên là chính.
Giá tăng không tương xứng lợi nhuận quý?
Các thông tin kết quả kinh doanh đã xuất hiện khá dày trong tuần qua nhưng chưa nhiều những con số tích cực. Một số cổ phiếu phản ứng khá mạnh với kết quả kinh doanh tốt, một số thì không. Diễn biến giá khi xuất hiện thông tin hỗ trợ chịu ảnh hưởng khá nhiều từ biến động trước đó.
Ví dụ PPC, phiên cuối tuần công bố doanh thu quý 3 tăng 18% và lợi nhuận 181 tỷ đồng. Sản lượng điện cao và lỗ chênh lệch tỷ giá chỉ bằng 9,3% cùng kỳ là nguyên nhân chính. Giá PPC ngày cuối tuần tăng đột biến 4% trong khi cả 4 phiên đầu tuần không nhúc nhích.
PNJ cũng báo lãi trước thuế 9 tháng tăng 42% nhưng giá phiên cuối tuần chỉ tăng 0,2%, thậm chí đầu phiên còn sụt giảm mạnh. HII quý 3 tăng trưởng lợi nhuận 334%, giá cổ phiếu chỉ tăng 1,4%. DCM từ hôm 10/10 đã có báo cáo doanh thu tăng 25% nhưng giá lại giảm liên tục về cuối tuần. PHR báo cáo lợi nhuận 9 tháng tăng 110% cũng từ đầu tuần mà giá cả tuần lại giảm 0,4%...
Thực tế thị trường đã cho thấy không hẳn khi thông tin báo cáo tài chính xuất hiện, giá cổ phiếu sẽ tăng. Những cổ phiếu tăng giá hầu hết là do trước đó chưa phản ánh được thông tin. Chẳng hạn PPC từ giữa tháng 9 tới ngày ra báo cáo, giá đã giảm gần 2,7%, nên thị trường phản ứng khá mạnh theo hướng phục hồi. Ngược lại, PHR nửa đầu tháng 9 giá đã tăng 10,5% và kết quả kinh doanh không đủ động lực để giá phản ứng mạnh hơn.
Mặc dù tâm lý thị trường chung là chờ đợi báo cáo tài chính quý 3 để lấy động lực tăng trưởng cao hơn, nhưng hiện tượng phản ánh trước kỳ vọng lại khiến diễn biến giá trở nên khó lường.
Trước đây các nhà đầu tư khá mù mờ về kết quả kinh doanh, nhưng gần đây các kênh thông tin từ công ty chứng khoán tương đối nhạy nên phần nào đã biết trước. Công ty chứng khoán có “đặc quyền” gọi điện trực tiếp tới doanh nghiệp để tìm hiểu thông tin, cũng như có khả năng phân tích dự đoán tốt hơn. Báo cáo gửi tới các nhà đầu tư luôn ước đoán được con số lợi nhuận khá sát nên giá có thể đã phản ánh trước thông tin.
Lấy ví dụ về các cổ phiếu đình đám gần đây như MWG, HPG, dự báo kết quả kinh doanh được tung ra khá sớm. Chính vì thế giá hai cổ phiếu này tăng rất khỏe, MWG từ đầu tháng 8 đến giờ đã tăng 25,6%, HPG tăng 19,1%. Nếu như kết quả kinh doanh chính thức công bố không khiến thị trường bất ngờ, liệu còn động lực nào để tăng cao hơn?
Lịch sử thị trường cũng đã cho thấy một bằng chứng rằng hiệu ứng của kết quả thông tin quý 3 thường không mạnh. Thực tế cũng cho thấy các quý 3 ít có thời điểm nào thị trường bùng nổ, trong khi quý 1 và quý 2 thường tăng cao hơn. Mặt khác, thông tin kết quả kinh doanh công bố không đồng nhất về thời điểm, nên hiệu ứng chỉ ảnh hưởng tới các cổ phiếu đơn lẻ hơn là với toàn thị trường. Nếu gặp diễn biến thị trường xấu, thậm chí kết quả kinh doanh còn bị bỏ qua.
![]() |
![]() |
Hiệu suất đầu tư thấp
Thống kê các tháng 10 hàng năm kể từ 2010 đến nay cũng cho thấy biến động chung của thị trường là thấp. Tháng 10/2010, VN-Index chốt tháng giảm 0,4% và mức tăng tối đa trong tháng (so với cuối tháng liền trước) là 2,88%; Tháng 10/2011 chỉ số giảm 1,6%, mức tăng tối đa 0,29%; Tháng 10/2012 chỉ số giảm 1,1%, tăng tối đa 2,14%; Tháng 10/2013 chỉ số tăng 1%, tăng tối đa 2,66%; Tháng 10/2014 chỉ số tăng 0,3%, tăng tối đa 4,79%; Tháng 10/2015 chỉ số tăng 8%, tăng tối đa 8,06%; Tháng 10/2016 chỉ số giảm 1,4%, tăng tối đa 0,76%.
Từ thống kê trên có thể thấy VN-Index có 4/7 tháng 10 trong 7 năm gần đây là chốt tháng giảm điểm (57,1%). Bình quân mức tăng giá tối đa của cả 7 tháng 10 nói trên là 3,08%.
Tháng 10 hiện tại, VN-Index so với cuối tháng 9 đã tăng 2,1%, so với mức tăng bình quân 3,08% cũng đã là khá sát. Cũng phải lưu ý là mẫu thống kê ở trên hơi nhỏ, chỉ có 7 năm và lại có tháng 10/2015 tăng quá mạnh (8,06%). Nếu không tính đột biến của tháng 10/2015 thì mức tăng tốt nhất bình quân trong tháng 10 chỉ là 2,25% mà thôi.
Nếu nhìn vào phân bổ xác suất lợi nhuận theo tháng của VN-Index thì tốc độ tăng trưởng tháng 10/2017 đã gần đạt đến mức bình quân. Dĩ nhiên cũng có thể xuất hiện đột biến, ví dụ đã từng xảy ra hồi tháng 10/2015, nhưng đó là do tháng 8 và tháng 9/2015 thị trường giảm cực mạnh. Cụ thể, tháng 8/2015 VN-Index giảm tối đa 17,7%, tháng 9/2017 lại giảm tối đa thêm 2,35% nữa.
Trong khi đó, tháng 8/2017 thị trường chỉ có một nhịp điều chỉnh tối đa 3,13% sau đó tháng 9/2017 tăng tối đa 3,52%. Nếu nhìn lại cả 10 tháng thì năm nay cũng đã là năm cực kỳ đột biến tích cực rồi.
Hiệu suất đầu tư bình quân thị trường nhìn từ lăng kính của VN-Index thường là khác so với hiệu suất đầu tư của cổ phiếu cụ thể. Cổ phiếu thường tăng mạnh gấp nhiều lần chỉ số. Tuy nhiên ở điểm này thị trường hiện tại cũng không thể hiện một bức tranh đẹp.
Hiện tượng tăng chỉ số nhờ các cổ phiếu lớn liên tục diễn ra và số rất lớn cổ phiếu không có biến động tốt tương ứng. Ngay trong tuần qua, khi VN-Index vượt đỉnh 820 điểm thì chỉ có 276 cổ phiếu tăng giá trên toàn thị trường, chiếm 37,6% số mã niêm yết. Toàn bộ phần còn lại là không tăng hoặc giảm, một tỷ lệ áp đảo. Thậm chí ngay cả với số giảm giá, đã có 291 cổ phiếu, chiếm 39,6%, nhiều hơn cả số tăng.
Nói tóm lại, triển vọng tăng trưởng tháng 10 đang đi đến hồi quan trọng nhất. Nếu kết quả kinh doanh không khiến thị trường tăng rõ ràng hơn và đều hơn thì có thể mức bình quân tăng trưởng trong tháng 10 một lần nữa được xác nhận. Nếu thị trường hết đà tăng thì có thể nghĩ đến một kịch bản giảm, vì đa số các tháng 10 đều có một nhịp giảm ở nửa sau của tháng.
![]() |
Tin liên quan
Tin khác

Dòng tiền phân hóa, VN-Index tăng hơn 54 điểm

Ghi nhận phiên tăng mạnh nhất lịch sử, VN-Index tăng 74 điểm

Cung vẫn lấn át cầu bắt đáy, VN-Index mất thêm 38,49 điểm

Bài 4: PAN - Từ doanh nghiệp trung bình thành gã khổng lồ nhờ quản trị tiên phong

Áp lực bán mạnh chưa dừng lại, VN-Index tiếp tục rơi gần 80 điểm

Bài 3: Quản trị công ty - chìa khóa nâng hạng thị trường chứng khoán

Bài 2: Quản trị công ty tại Việt Nam đứng trước nhiều thách thức

Bài 1: Quản trị công ty - lá chắn và bệ phóng cho doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên hội nhập

Đẩy mạnh công nghệ trong lĩnh vực chứng khoán - bước đi chiến lược
