Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn
![]() | Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp Canada |
![]() | Để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn |
![]() |
Ảnh minh họa |
Bằng chứng là nền kinh tế Việt Nam đang bước những bước cuối cùng vững chắc cho năm 2019. Trong điều kiện kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, một số nền kinh tế thậm chí chật vật để không rơi vào suy thoái kỹ thuật (tăng trưởng âm) và bất ổn toàn cầu gia tăng do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, Brexit cũng như các căng thẳng địa chính trị khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng với mức tăng trưởng 6,8%.
Động lực tăng trưởng chính vẫn từ công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng trưởng cao của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất và khối tư nhân trong nước. Tiêu dùng nội địa cũng tiếp tục tăng trưởng vững chắc và chỉ số niềm tin tiêu dùng Việt Nam vẫn đang đứng thứ 3 thế giới.
Về sự ổn định của nền kinh tế, bà Nguyễn Thị Hằng Nga cho rằng, tiền đồng là một trong những loại tiền tệ ổn định nhất trong khu vực trong giai đoạn gần đây, gần như giữ nguyên giá trị so với đầu năm. Giải ngân FDI tăng mạnh và thặng dư cán cân thương mại cao đã giúp giữ ổn định tỷ giá. Chỉ số lạm phát, CPI tháng 10 chỉ tăng 2,8% so với cuối năm 2018 và được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp trong suốt cả năm do tỷ giá tương đối ổn định và giá cả các loại hàng hóa cơ bản thấp.
Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam cũng là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất trong khu vực với chỉ số VN-Index tăng 4,9% trong quý 3/2019 và 11,7% trong 9 tháng đầu năm 2019. Ngoài tình hình kinh tế vĩ mô tích cực, TTCK đã được hỗ trợ bởi thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào khi NHNN tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối lên tới 73 tỷ USD và cắt giảm 0,25% các lãi suất chính sách.
Đáng nói, một nửa số điểm tăng của chỉ số VN-Index trong quý 3 có được từ đóng góp của hai cổ phiếu Vietcombank (VCB) và Vinhomes (VHM); còn trong 9 tháng đầu năm là nhờ Vietcombank (VCB) và Vingroup (VIC). Đà tăng tích cực của chỉ số đã giúp thanh khoản thị trường trong quý 3 cải thiện 18,8% so với quý trước đó. Việc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) chuẩn bị ban hành ba chỉ số mới cho cổ phiếu tài chính và cổ phiếu có room nước ngoài hạn chế, theo đó một số công ty quản lý quỹ trong nước được cho là sẽ khởi động các quỹ đầu tư chỉ số ETF dựa trên các chỉ số này đã thúc đẩy kỳ vọng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các chỉ số này, đẩy giá các cổ phiếu kín room ngoại tăng đáng kể trong quý 3.
Nhìn về triển vọng những tháng còn lại của cuối năm 2019, bà Nga cho biết, mặc dù có một số dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế với chỉ số quản trị mua hàng IHS Markit PMI của Việt Nam giảm 3 tháng liên tiếp xuống chỉ còn 50 điểm trong tháng 10, chấm dứt chuỗi 46 tháng mở rộng sản xuất; xuất khẩu nửa đầu tháng 10 cũng tăng trưởng chậm lại; nhưng tiêu dùng nội địa vẫn tích cực với tổng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 10 vẫn tăng tới 13,3% so với tháng 10 năm ngoái; số lượng khách du lịch quốc tế cũng hồi phục mạnh mẽ, tăng tới 34,3% so với cùng kỳ trong tháng 10 trong khi chỉ tăng 10,8% trong 9 tháng 2019.
Bên cạnh đó, mặc dù tín dụng tăng thấp, song thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đã nhận được sự quan tâm cần thiết từ các cơ quan hữu quan, tạo tiền đề phát triển thành một nguồn vốn bền vững cho nền kinh tế, bên cạnh các khoản vay ngân hàng truyền thống.
Nhìn dài hạn hơn, làn sóng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nhà sản xuất dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn. Tỷ lệ lấp đầy ở hầu hết các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam và các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai đã tăng lên 80-90%. Giá thuê đất khu công nghiệp đã tăng 25-30% từ đầu năm đến nay. Nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng lên. Những tên tuổi lớn như Goertek, Nintendo, Sharp đã công bố kế hoạch di dời nhà máy của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam và nhiều công ty khác cũng đang xem xét di dời.
“Tương quan thấp với các thị trường phát triển, như trường hợp ở Việt Nam, có thể được giải thích bởi động lực tăng trưởng của các công ty hàng đầu chủ yếu là do các yếu tố kinh tế nội tại quyết định thay vì phụ thuộc vào môi trường toàn cầu. Điều này có thể trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh bất ổn toàn cầu đang gia tăng. Trong số 14 quốc gia cận biên được Bloomberg xếp hạng, Việt Nam xếp thứ 2 về tăng trưởng, động lực tăng trưởng (môi trường kinh doanh và cơ hội trong nền kinh tế kỹ thuật số) so với rủi ro (nợ nước ngoài, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại và suy thoái kinh tế Trung Quốc). Trong báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019 mới công bố gần đây, thứ hạng của Việt Nam đã cải thiện nhiều nhất, tăng 10 bậc lên vị trí 67. Việt Nam được cho là có tiềm năng tăng trưởng kinh tế vượt trội trong trung và dài hạn, khi tăng trưởng GDP được dự kiến sẽ ở mức khoảng 6,5%/năm trong giai đoạn 2019-2023, dựa trên dự báo của IMF. Con số này cao hơn dự báo tăng trưởng 5,2% và 3,6% của khối ASEAN và thế giới trong cùng thời kỳ”, bà Nga cho hay.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
