Việt Nam sẵn sàng chung tay cùng các nước chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững
Ngày 24/4/2023, Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững với chủ đề “Cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới” đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đăng cai tổ chức.
Đây là Hội nghị cấp Bộ trưởng với sự tham dự của trên 300 đại biểu, trong đó bao gồm gần 200 đại biểu quốc tế đến từ nhiều quốc gia, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế.
![]() |
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 về hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững. |
Về lãnh đạo cấp cao, Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng của Thụy Sỹ, Malawi, Rwanda, Ethiopia, Campuchia, Saint Vincent và Grenadines; Thứ trưởng của Ghana, Kenya; Giám đốc điều hành UNIDO, Giám đốc Toàn cầu về Đối tác và Chính sách của Liên minh các Viện nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế - CGIAR, Tổng giám đốc Liên minh Đa dạng sinh học quốc tế và CIAT.
Về phía Việt Nam, Hội nghị có sự tham dự, chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Hội Nông dân Việt Nam và các cơ quan liên quan ở Trung ương, địa phương; cùng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang lo ngại về nguy cơ mất an ninh lương thực trước những tác động của biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, đại dịch mới nổi trong đó có COVID-19, các cuộc xung đột và giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm tăng cao.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang hoan nghênh và đánh giá cao việc Ban tổ chức lựa chọn chủ đề của Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 là “Cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bao trùm trong bối cảnh khủng hoảng mới”.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, các báo cáo của FAO (2020, 2021), nạn đói vẫn đang trên đà gia tăng và số người bị ảnh hưởng đã lên tới 828 triệu người vào năm 2021. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến chỉ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2065, chậm hơn ba thập kỷ rưỡi so với kế hoạch.
Vấn đề đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết và bây giờ chứ không phải lúc nào khác, các quốc gia phải hành động ngay để bảo vệ hành tinh - ngôi nhà chung của tất cả chúng ta và thế hệ mai sau.
Từ thực tế đó, ngày 28/3/2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”, để thực thi mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”. Điều này Việt Nam đã khẳng định tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực, thực phẩm năm 2021.
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm và sẵn sàng chung tay cùng các nước chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững để góp phần bảo vệ hành tinh.
"Việt Nam cũng khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt thông qua chương trình hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên về nông nghiệp", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ.
Phát biểu tại phiên tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam cần phải hành động mạnh mẽ để đảm bảo hệ thống lương thực, thực phẩm thích ứng thông minh với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các loại dịch bệnh, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
"Việt Nam đang đối mặt với 3 biến rất lớn là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biển chuyển xu thế tiêu dùng", ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam đang trong quá tình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, lấy người nông dân thành trung tâm trong quá trình chuyển đổi, thích ứng với xu thế tự do thương mại, biến đổi khi hậu, nông nghiệp thông minh, kiểm soát thất thoát lương thực.
Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, ngành nông nghiệp Việt nam đang xây dựng chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng theo phân bổ của Việt Nam; thí điểm tính toán dấu chân carbon cho sản phẩm lúa gạo, cà phê, một số loại cây ăn quả, thủy sản.
Theo ông Lê Minh Hoan: "Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và đóng góp vào an ninh lương thực thế giới".
Phát biểu trực tuyến tại phiên Khai mạc Hội nghị, ông Qu Dongyu - Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho rằng, bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi cấp bách hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn. Để làm được điều này phải có sự chung tay của tất cả các nước.
Ngay trước thềm Hội nghị, ngày 22/4, bộ trưởng nông nghiệp các nước trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhóm họp tại Nhật Bản để tìm kiếm giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung cấp lương thực ổn định.
Các bộ trưởng G7 đã nhất trí sẽ mở rộng sản xuất lương thực và hỗ trợ những nước đang phát triển tăng cường an ninh lương thực trên cơ sở thúc đẩy nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
