Việt Nam dẫn đầu ASEAN về số lượng đầu tư và đứng thứ ba về giá trị đầu tư mạo hiểm cho các startup
Thêm kỳ lân xuất hiện, những dự án 100 triệu USD không còn là chuyện hiếm
Ngày 21/4/2022, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures đã tổ chức buổi công bố Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2021.
Phát biểu tại buổi công bố, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, đại dịch Covid-19 kéo dài với diễn biến phức tạp đã và đang làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, mặc dù đặt ra nhiều thử thách cho nền kinh tế, song đại dịch Covid-19 cũng trở thành một chất xúc tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam tiến nhanh hơn trong thời gian vừa qua.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ Do Ventures trong chia sẻ về kết quả của báo cáo cho biết, vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup Việt Nam đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2021. Cụ thể, tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD, tăng trưởng gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD kỷ lục trước đó vào năm 2019. Ngoài ra, tổng số thương vụ đầu tư cũng đạt con số cao nhất từ trước đến nay là 165, tăng 57% so với năm 2020.
“Khẩu vị của các nhà đầu tư đã nhanh chóng dịch chuyển để tập trung vào các nhóm ngành không bị tác động mạnh bởi đại dịch. Hơn nữa, sự thuận tiện của các ứng dụng hội thảo trực tuyến cũng khiến cho việc hạn chế đi lại không còn là rào cản trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư”, bà Lê Hoàng Uyên Vy cho biết.
Đáng chú ý trong năm 2021, Việt Nam đón chào sự xuất hiện của hai kỳ lân công nghệ mới, gồm Momo và Sky Mavis, nhờ vào tần suất sử dụng các sản phẩm số ngày một tăng cao của người dùng trong thời gian dịch bệnh. Thành công của 2 công ty này càng khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm công nghệ mới nổi của khu vực. Như vậy đến nay, Việt Nam hiện đã có 4 kỳ lân công nghệ.
“Chúng tôi tin rằng đổi mới sáng tạo tại Việt Nam sẽ có một tương lai đầy hứa hẹn khi hiện có hàng chục công ty với định giá vài trăm triệu USD đang phát triển mạnh mẽ và sẽ sớm trở thành những kỳ lân mới trong những năm tiếp theo”, bà Vy tin tưởng.
Các nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam. Thể hiện qua một số con số như: Tổng số quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam tăng 60%; Việt Nam nằm trong số các quốc gia có số lượng nhà đầu tư tích cực nhất (dẫn đầu là Singapore, tiếp theo là Việt Nam và Hoa Kỳ); hoạt động đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam cũng dần sôi động hơn sau hai năm chững lại.
Trong khi thanh toán và thương mại điện tử vẫn là hai ngành đứng đầu trong việc thu hút vốn đầu tư, sự tăng trưởng mạnh mẽ cũng đến từ nhiều ngành khác. Trong đó, ngành trò chơi trực tuyến đã vươn lên vị trí thứ ba trong số các ngành được đầu tư nhiều nhất nhờ vào sự thành công trên toàn cầu của Sky Mavis cùng sản phẩm Axie Infinity.
Ngoài ra, đại dịch Covid-19 tạo nên sự bùng nổ về lượng giao dịch ở một số ngành mới, từ đó dẫn đến mức tăng trưởng vượt bậc về số tiền đầu tư trong những lĩnh vực này. Ba ngành nổi bật nhất bao gồm giáo dục, y tế và chuyển đổi số trong doanh nghiệp với mức tăng trưởng trong năm 2021 lần lượt là 526%, 1016% và 205%.
Các vòng gọi vốn lớn cũng xuất hiện trở lại. Tổng số giao dịch của các thương vụ gọi vốn trên 10 triệu USD vượt mức 1 tỷ USD (đạt kỷ lục 1,2 tỷ USD và chiếm hơn 82% tổng số vốn đầu tư của cả năm 2021), tăng 255% so với năm trước.
Trong khi nguồn vốn chảy vào vòng Seed tăng lên mức cao kỷ lục cả về số lượng và giá trị thương vụ thì nguồn vốn chảy vào các vòng sau series A cũng đã trở về mức trước Covid. Đặc biệt, năm 2021 chứng kiến sự xuất hiện của 5 giao dịch trị giá trên 100 triệu USD trong các lĩnh vực thanh toán, thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến.
“Với số lượng lớn các công ty giai đoạn đầu đầy tiềm năng và môi trường kinh doanh thuận lợi nhờ vào sự hỗ trợ sâu sát của Chính phủ, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã sẵn sàng để bước vào giai đoạn trưởng thành hơn”, bà Lê Hoàng Uyên Vy nhận định.
Sẵn sàng cho giai đoạn phát triển tiếp theo
Nhìn về triển vọng năm nay và xa hơn, Giám đốc điều hành Do Ventures cho rằng, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa và việc đi lại giữa các quốc gia được bình thường hóa, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Thực tế, thị trường đầu tư công nghệ trong ASEAN đang ngày một sôi động. Theo số liệu thống kê của DealStreetAsia, có hơn 37 quỹ đầu tư mạo hiểm được thành lập tại Đông Nam Á vào năm ngoái, nâng tổng số quỹ trên thị trường lên con số 79 với tổng giá trị tiền quản lý (AUM) mục tiêu là 7,6 tỷ USD. Trong khi đó, có ít nhất 22 quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế cũng đang gọi vốn và dự kiến các quỹ này sẽ phân bổ thêm 3,42 tỷ USD cho khu vực Đông Nam Á.
Với nguồn vốn lớn hiện có trên thị trường như vậy, báo cáo dự đoán các khoản đầu tư vào công ty đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay. Hơn thế nữa, khi công nghệ ngày càng quan trọng trong hoạt động kinh doanh, các nhà đầu tư thuộc nhóm phi mạo hiểm (non-VC) càng tìm kiếm cơ hội tham gia đầu tư vào đổi mới sáng tạo. Nhóm các nhà đầu tư này có mặt trong 1/5 các thương vụ đầu tư được thống kê trong năm 2021 và dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của thị trường đầu tư công nghệ trong tương lai.
Theo các chuyên gia, các công ty đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục là động lực cho phục hồi kinh tế. Kể từ khi Covid-19 bùng phát từ hai năm trước, các công ty khởi nghiệp luôn tiên phong trong việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề phát sinh từ đại dịch, bao gồm cung cấp dịch vụ giao hàng, giáo dục trực tuyến, làm việc từ xa, y tế từ xa và thanh toán điện tử.
Trong khi đó, công nghệ số đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng và còn giúp nhiều công ty có thể đạt được tăng trưởng vượt bậc. Khi việc áp dụng công nghệ mới trở thành yêu cầu hiển nhiên trong thế giới hậu Covid-19, các công ty đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục là huyết mạch của một nền kinh tế có tính cạnh tranh thông qua hoạt động tạo việc làm, mang đến lựa chọn cho người tiêu dùng và thách thức các mô hình truyền thống.
Trong đó, xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi thương mại điện tử và fintech sẽ tiếp tục là hai lĩnh vực dẫn đầu khi càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm trực tuyến. Báo cáo dự báo sẽ có một làn sóng các mô hình mới được quan tâm trong hai lĩnh vực này, ví dụ như tạp hoá online (online grocery), mô hình D2C, thương mại nhanh (quick commerce), cùng với các giải pháp tài chính như là quản lý tài sản, cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa,…
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng sẽ tiếp tục quan tâm đến các lĩnh vực mới nhiều tiềm năng như nền kinh tế sáng tạo (creator economy), các nền tảng phát triển kỹ năng (upskill platforms) và web 3.0 với sự phổ cập của tiền điện tử và công nghệ blockchain.
Với vai trò là cơ quan hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết: “NIC sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các cơ chế chính sách vượt trội, khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trên phạm vi cả nước, đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Với những thành quả chúng ta đã đạt được trong năm 2021, chúng ta có thể tin rằng 2022 sẽ là năm bản lề để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam có những bước phát triển đột phá, mở ra nhiều cơ hội cho giai đoạn phát triển tiếp theo của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và nền kinh tế số Việt Nam”.
Trong chương trình công bố lần này cũng diễn ra thảo luận bàn tròn về “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo hướng đến mục tiêu kinh tế số Việt Nam chiếm 30% GDP vào năm 2030” và hoạt động ký kết hợp tác đầu tư giữa một số quỹ đầu tư hàng đầu và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Trong đó, Quỹ CyberAgent Capital và VIC Partners ký đầu tư Công ty Reti ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực bất động sản; Quỹ Nextrans ký đầu tư Công ty Selex Motors về xe điện thông minh. |
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
