Việt Nam đã chuyển hướng chống dịch phù hợp
Tọa đàm nhằm đánh giá đầy đủ hơn, toàn diện hơn về những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện các quyết sách của Chính phủ về chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch trong năm 2021, qua đó có thêm cơ sở, niềm tin và kỳ vọng vào sự trở lại của nền kinh tế đất nước trong năm mới - năm 2022.
![]() |
Các khách mời tham dự tọa đàm" Nhìn lại 2021- Những chuyển hướng chiến lược" |
Độ phủ vaccine đã đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng
Một trong nội dung đặt ra tại Tọa đàm là vấn đề chuyển hướng chống dịch khi có ý kiến cho rằng Việt Nam đã chậm chuyển hướng chống dịch, nhất là từ chỗ áp dụng giải pháp Zero Covid từng thành công trong năm 2020 chuyển sang thích ứng linh hoạt, sống an toàn với Covid-19.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, dịch Covid-19 là bệnh dịch mới nổi trên thế giới. Do đó, không riêng ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới khi phòng, chống dịch bệnh này đều vừa làm, vừa học hỏi và điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể.
Khi chống dịch, Việt Nam đã nghiên cứu các giải pháp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kinh nghiệm của các nước, để từ đó đưa ra các giải pháp chống dịch ở Việt Nam cho phù hợp, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại.
“Ngay từ đầu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã coi chống dịch như chống giặc. Căn cứ vào thực tế, Việt Nam đã có những điều chỉnh các biện pháp chống dịch cho phù hợp, nhất là đợt dịch thứ 4. Chúng ta coi mỗi xã phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch. Tôi cho rằng, những điều chỉnh chống dịch của Chính phủ là phù hợp. Việt Nam đã cơ bản khống chế thành công với biến chủng Delta”, ông Tuyên đánh giá.
Trở lại vấn đề chuyển hướng chống dịch nhanh hay chậm, ông Tuyên giải thích, bệnh do virus giải pháp căn cơ là phải có vaccine, do đó, khi bệnh này xuất hiện, các nước đã rất tích cực nghiên cứu để sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Giai đoạn đầu, Việt Nam chưa có vaccine, để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, chúng ta đã áp dụng cách ly triệt để với mong muốn đạt Zero Covid.
Tuy nhiên, đến thời điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Việt Nam đạt tỷ lệ cao, đó là thời điểm Chính phủ chuyển hướng biện pháp chống dịch sang thích ứng linh hoạt, sống an toàn với Covid-19. Đó là sự chuyển hướng phù hợp, đúng thời điểm, không nhanh và không chậm”, ông Tuyên khẳng định.
“Đến nay, Việt Nam đã tiêm vaccine mũi một cho người trưởng thành trở lên đạt trên 99%, mũi 2 đạt trên 90% đã đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng. Do đó, chiến lược chống dịch của Việt Nam chuyển hướng từ chỗ Zero Covid sang thích ứng linh hoạt, sống an toàn với Covid-19 là hoàn toàn phù hợp, đúng thời điểm”, ông Tuyên khẳng định.
Chia sẻ góc độ ngành ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cũng cho rằng, không có giải pháp chung, đồng nhất chống dịch cho tất cả các nước hay tại một nước cũng không có giải pháp chung cho các tỉnh mà phải tùy thuộc điều kiện của từng nơi. Chính vì vậy, nhìn lại công tác phòng chống dịch xuyên suốt của nước ta, có 3 điểm nổi bật:
Thứ nhất, Việt Nam cũng học hỏi kinh nghiệm chống dịch từ các nước, đặc biệt là các giải pháp phổ biến. Để chống dịch, quan trọng là phải có vaccine và thuốc điều trị.
Thứ hai, chúng ta phải dựa vào các đặc điểm, điều kiện rất đặc thù, cụ thể. “Chúng ta cũng có một số lợi thế trong công tác phòng chống dịch, ví dụ như hệ thống chính trị của chúng ta bảo đảm sự chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất trên toàn quốc; tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái đã giúp chúng ta có những giải pháp dựa vào cộng đồng rất tốt”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nói.
Thứ ba, đại dịch Covid-19 là chưa từng có tiền lệ và các giải pháp đưa ra là để thử nghiệm, có sự điều chỉnh linh hoạt.
“Có thể nói rằng, đến nay suốt gần 2 năm chống dịch, chúng ta có thể rút ra nguyên tắc hết sức quan trọng về phòng chống dịch Covid-19, đó là: Y tế là trụ cột; kinh tế là cơ sở; ổn định an ninh, xã hội là trọng yếu, thường xuyên; công nghệ, dữ liệu là vấn đề then chốt; vaccine, thuốc điều trị, ý thức cộng đồng là tiên quyết và sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ chỉ rõ.
Theo Thứ trưởng, công thức phòng chống dịch có 6 nguyên tắc này đã được Thủ tướng Chính phủ khái quát lại và đưa ra trong một số Hội nghị.
“Thời điểm chúng ta có quyết định sống chung với dịch bệnh, đó là khi chúng ta có đủ nguồn vaccine, có đủ điều kiện về dịch tễ để chúng ta tự tin bước vào giai đoạn bình thường mới vừa sản xuất, vừa chống dịch, vừa bảo đảm sức khỏe của người dân. Chúng tôi cho rằng, đây là phương án vừa kịp thời, vừa đúng lúc”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.
![]() |
Nghị quyết 128 là chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế |
Nghị quyết 128 tạo cục diện tích cực cho nền kinh tế
Khi việc tiêm vaccine đã bao phủ, Chính phủ thay đổi chiến lược chống dịch bằng Nghị quyết 128. Đây có thể coi là một chiến lược rất mạnh mẽ của Chính phủ. Nhận định về tác động của Nghị quyết 128 đến nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, đây là một Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng cả trong chống dịch và phát triển kinh tế, làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Nghị quyết 128 ra đời rất phù hợp, không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn vì phụ thuộc vào mức độ tiêm chủng, mức độ bao phủ vaccine trên toàn quốc. Với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ thì việc tiêm vaccine cho nhân dân chính là đưa cho nhân dân vũ khí chống giặc. Bên cạnh đó, Nghị quyết 128 cũng không nên muộn hơn bởi quyết sách này của Chính phủ đã đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân khi họ phải trải qua quãng thời gian rất dài giãn cách xã hội do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát.
“Về kinh tế, tôi cho rằng Nghị quyết 128 có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế năm 2021. Nhờ có Nghị quyết 128 chúng ta mới có sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.
Phân tích sâu hơn về tác động của Nghị quyết 128 đến nền kinh tế, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, qua rà soát về số liệu GDP theo quý của năm 2021, có thể thấy rằng diễn biến từ quý II, III và IV, mô hình phục hồi đúng là hình chữ V. Mô hình phục hồi này cũng cho thấy sức bật của nền kinh tế nước ta rất khả quan, chỉ cần có điều kiện cụ thể để các hoạt động kinh tế quay trở lại là lập tức sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Thứ nhất, về nông nghiệp, trong năm 2020 và năm 2021, ngành nông nghiệp luôn là trụ đỡ. Thực tế trong cả quá trình chịu tác động của đại dịch Covid-19, lĩnh vực nông nghiệp luôn cố gắng duy trì ở mức hợp lý, tạo sự chống đỡ khá ổn định cho nền kinh tế.
Thứ hai, về công nghiệp – đây vẫn là lĩnh vực chủ chốt, động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đợt dịch đầu năm, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến trung tâm công nghiệp phía bắc như tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương.
Tuy nhiên đến đợt dịch thứ 4, khu vực trọng tâm nhất về công nghiệp đã bị Covid-19 xâm nhập, chủng Delta tàn phá ghê gớm khiến động lực tăng trưởng công nghiệp quý III giảm rất sâu.
Thứ ba là dịch vụ - đây là lĩnh vực gặp khó khăn, chịu tác động lâu nhất và sâu nhất tới sự phát triển và tăng trưởng. Qua rà soát thấy rằng, cuối năm 2020 cũng như các tháng đầu năm 2021, tăng trưởng dịch vụ luôn luôn ở mức thấp, có quý âm. Lý do rất nhiều ngành dịch vụ không triển khai được do ảnh hưởng của Covid-19. Nhưng sau khi áp dụng Nghị quyết 128, tăng trưởng của khu vực dịch vụ đã có sự khởi sắc và tăng trưởng khu vực này trong quý III đã đạt 5,42%.
“Qua đó cho thấy ý nghĩa rất quan trọng và tích cực của Nghị quyết 128 tác động đến phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Cụ thể, trong cái mũ chung là ‘Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19’ hay nói cách khác, khi chúng ta có một mô hình kiểm soát dịch bệnh tốt và hiệu quả thì tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội và sinh hoạt của người dân đều tức khắc có điều kiện để phục hồi, thậm chí phục hồi một cách mạnh mẽ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Còn theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, việc Việt Nam ban hành rất kịp thời Nghị quyết 128 đánh dấu chuyển trạng thái rất phù hợp với xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới. Đa số các nước phải chấp nhận sống chung với đại dịch, vừa sản xuất, vừa xây dựng kinh tế, vừa chống dịch.
“Theo kinh nghiệm quốc tế, nước nào có tỉ lệ phủ vaccine trên 60% thì có thể mở cửa từng bước theo giai đoạn và cách chống dịch trong điều kiện đã có đủ vaccine cũng sẽ khác. Nếu phát hiện F0 thì chúng ta chỉ cách ly diện hẹp. Chúng ta đã tham khảo, thích ứng và tiếp thu theo kinh nghiệm quốc tế nhưng vẫn tôn trọng kinh nghiệm thực tế của Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ dẫn chứng.
Tin liên quan
Tin khác
