Vì sao số thu ngân sách vẫn gia tăng?
Thu ngân sách nhà nước khu vực doanh nghiệp tăng 2 con số
Theo báo cáo thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) 5 tháng, dự báo 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021 của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, trong điều kiện thực hiện “mục tiêu kép” Chính phủ đã kịp thời triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong năm 2021 như: tiếp tục gia hạn chính sách miễn, giảm nhiều loại phí, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất,... song tổng thu NSNN 6 tháng ước đạt trên 55% dự toán.
Trong đó, số thu nội địa 6 tháng ước đạt 53,5% dự toán, tiến độ các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của 3 khu vực kinh tế: DNNN, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong những tháng đầu năm 2021 đều tăng hai con số và cao hơn cùng kỳ năm trước. Thu cân đối từ xuất, nhập khẩu dự báo 6 tháng đạt 66,1% dự toán, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2020.
![]() |
Thu ngân sách 6 tháng ước đạt trên 55% dự toán năm |
Tuy nhiên, kết quả thẩm tra cũng nổi lên một số vấn đề cần được Chính phủ xử lý. Đó là công tác đánh giá, dự báo kết quả thu NSNN còn chưa tích cực, làm cho việc lập dự toán thu NSNN năm 2021 chưa sát với thực tế. Theo đó, việc lập dự toán thu NSNN năm 2021 dựa trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ thu NSNN đến tháng 9/2020 khi dự báo thu NSNN năm 2020 bị hụt thu khá cao, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ. Vì vậy, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi từ quý IV/2020 đến tháng 4/2021, nhiều khoản thu đạt cao so với dự toán, dù góp phần tăng thu NSNN, nhưng cũng cho thấy kết quả này chưa phản ánh đúng mức dự báo về tác động của đại dịch Covid-19 đối với sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế.
Điểm đáng chú ý nữa là thu từ cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN đạt kết quả rất thấp. Đây là vấn đề đã kéo dài 4-5 năm qua nhưng chưa có giải pháp mạnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết của Trung ương.
Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng thuế tiếp tục tăng cao. Mặc dù công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chống thất thu, đôn đốc thu nợ đọng thuế những tháng đầu năm 2021 đã có nhiều kết quả tích cực hơn trước, song tình trạng thất thu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn lậu thuế vẫn còn diễn ra phổ biến, nợ đọng thuế có khả năng thu vẫn tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020.
Do vậy, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt để xử lý nghiêm và ngăn chặn tình trạng trốn lậu thuế, chống tình trạng chuyển giá. Đồng thời, sớm có biện pháp để quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số, đặc biệt là đối với các nhà cung cấp ở nước ngoài; hướng dẫn kịp thời để tháo gỡ khó khăn về chính sách hoàn thuế cho các dự án đầu tư mới và tiền nộp thuế đối với các dự án sử dụng vốn ODA...
Chi ngân sách nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại
Ủy ban cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chi NSNN 6 tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; thực hiện các giải pháp triệt để tiết kiệm chi để bảo đảm nguồn lực cho việc phòng chống đại dịch Covid-19...
Tuy nhiên, Ủy ban thấy rằng, chi NSNN còn một số tồn tại cần khắc phục. Đó là việc triển khai phân bổ ngân sách còn chậm. Tổng số vốn đầu tư chưa phân bổ còn khoảng 12% kế hoạch; dự toán chi thường xuyên còn lại chưa phân bổ của các bộ, cơ quan trung ương khoảng 2,4 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, vốn đầu tư phát triển của các Chương trình MTQG đã được Quốc hội phân bổ 16.000 tỷ đồng nhưng đến nay chưa được giao kế hoạch, không có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm 2021. Một số nhiệm vụ chi của các bộ, ngành thuộc 21 Chương trình mục tiêu cũng chưa được lồng ghép, rà soát đưa vào nhiệm vụ chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương, dẫn đến không có khả năng thực hiện.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp, nhất là vốn ngoài nước. Ủy ban thấy rằng, ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại thì nguyên nhân chính nhiều năm chưa được khắc phục là do khó khăn trong tổ chức thực hiện. Vì vậy Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo rút kinh nghiệm, khắc phục những vướng mắc trên; khẩn trương có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, sửa đổi cơ chế, chính sách (nếu có) để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19; thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN, các Nghị quyết của Quốc hội trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2021; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.
Đối với việc bố trí nguồn chi NSNN khắc phục ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, Ủy ban cho rằng, việc thực hiện một số chính sách chi ngân sách cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 chưa đạt kết quả như dự kiến. Do chưa dự báo được đầy đủ tác động của đại dịch Covid-19 trên từng địa bàn nên việc xác nhận đối tượng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm để được nhận hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giảm cả đối tượng và số tiền trợ cấp. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi sát sao để kịp thời điều chỉnh hoặc ban hành chính sách mới nhằm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch Covid-19.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm sơ kết, đánh giá, báo cáo cụ thể với Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ nhất về kết quả phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và các gói cứu trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; kiến nghị các giải pháp đủ mạnh để tấn công, kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, trong đó có giải pháp với lộ trình cụ thể về kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân…
Theo chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải, đợt bùng phát của đại dịch Covid-19 từ tháng 4 ở các khu công nghiệp, khu đô thị của một số địa phương và thành phố lớn đến nay cũng còn phức tạp, nếu không có các biện pháp kiểm soát nghiêm, chặt chẽ hơn trong điều kiện tiêm vắc-xin chưa được triển khai rộng rãi sẽ tác động bất lợi đến tình hình sản xuất - kinh doanh và kết quả thực hiện các nhiệm vụ thu, chi NSNN những tháng cuối năm 2021. |
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
