VCCI kiến nghị Thủ tướng sớm quyết định tham gia EITI
TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản đề nghị Thủ tướng quyết định việc Việt Nam tham gia EITI.
Tại văn bản này, VCCI đã nhắc lại lời chỉ đạo của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2016: "Phải khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả hơn, minh bạch hơn, trách nhiệm hơn. Nhiều nước tham gia Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng giúp các nước giàu tài nguyên tăng thu được hàng trăm triệu USD. Yêu cầu Bộ Công thương sớm báo cáo về khả năng Việt Nam tham gia sáng kiến này”.
![]() |
Ảnh minh họa |
Vấn đề Việt Nam cần tham gia Sáng kiến minh bạch ngành khai khoáng đã được các chuyên gia và các tổ chức quốc tế khuyến cáo từ lâu. Nhiều hội thảo đã được tổ chức, các chuyên gia và các nhà khoa học Việt Nam cũng đã đồng tình và liên tục thúc giục. Bộ Công thương cũng đã được giao nghiên cứu việc này, tuy nhiên đã gần 10 năm trôi qua Bộ này vẫn chưa có ý kiến chính thức.
Nghị quyết phiên họp tháng 7 của Chính phủ cũng ghi rõ giao Bộ Công thương "báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khả năng Việt Nam tham gia Sáng kiến minh bạch ngành khai khoáng trong tháng 8/2016".
Để thuyết phục Thủ tướng sớm quyết định, VCCI cho biết đã nghiên cứu về EITI trong 5 năm vừa qua, tìm hiểu bản chất của EITI, rà soát hiện trạng quy định pháp luật của Việt Nam và khảo sát quan điểm của các DN Nhà nước cũng như DN đầu tư nước ngoài, DN tư nhân trong nước về EITI...
VCCI cho biết, thực thi EITI giúp cung cấp nhiều thông tin trung thực, đầy đủ về hoạt động khoáng sản của các quốc gia, từ đó mang lại nhiều ích lợi, đặc biệt với Việt Nam hiện nay tài nguyên khoáng sản đang bị khai thác lãng phí, vẫn bị xuất khẩu lậu, ngân sách thì thất thu, pháp luật về khoáng sản của Việt Nam vẫn còn nhiều khiếm khuyết đáng lo ngại.
Theo đó, EITI giúp Nhà nước kiểm soát tốt hơn hoạt động khai thác khoáng sản, giảm thất thoát, chống xuất khẩu lậu, tăng thu cho ngân sách. Đơn cử như Nigieria đã tránh thất thu khoảng 1 tỷ USD mỗi năm nhờ thực thi EITI.
Bên cạnh đó, EITI giúp các DN giảm rủi ro khi khai thác khoáng sản, giảm chi phí không chính thức, tăng cường uy tín và vị thế của DN Việt Nam trên trường quốc tế, giúp DN của chúng ta dễ dàng tiếp cận các thị trường của các nước phát triển, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thực hiện EITI giúp tăng cường trách nhiệm xã hội và môi trường của DN nơi có mỏ khoáng sản, từ đó tạo thêm việc làm cho lao động trong nước, góp phần bảo vệ môi trường và thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
EITI giúp tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo lập niềm tin của DN trong và ngoài nước, thu hút đầu tư một cách ổn định, lâu dài vào các dự án chế biến sâu khoáng sản, đáp ứng mục tiêu quản trị tài nguyên quốc gia.
EITI là một sáng kiến tuyệt vời. Nhiều nước như Mông cổ, Myanmar đã làm được mà ta lại chưa thì rõ ràng ở đây có một số nhóm lợi ích đang ngăn cản điều đó. TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương |
EITI đang trở thành tiêu chuẩn toàn cầu về quản trị công nghiệp khai khoáng của nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện đã có 51 quốc gia thực thi EITI, với 305 báo cáo EITI cấp quốc gia được công bố với tổng giá trị dòng tiền lên đến 1.900 tỷ USD. Trong số đó có cả các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Na Uy, Đức và nhiều quốc gia đang phát triển khác ở Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Á...
Liên quan đến lo ngại tham gia EITI sẽ khiến Việt Nam phải công bố các thông tin thuộc diện bí mật nhà nước, VCCI cho rằng, điều này sẽ không xảy ra vì tiêu chuẩn EITI rất linh hoạt. EITI cho phép các quốc gia lựa chọn thực hiện từng lĩnh vực, theo từng loại khoáng sản, từng giai đoạn của quy trình khoáng sản… phù hợp với nhu cầu và khả năng của quốc gia đó. Do đó, Việt Nam vẫn có quyền bảo lưu, không công bố những thông tin thuộc diện bí mật nhà nước.
EITI cũng cho phép các quốc gia lựa chọn quy mô DN phải thực hiện công bố thông tin. Kinh nghiệm tham gia EITI của nhiều quốc gia đang phát triển cho thấy, trong những năm đầu, các quốc gia này chỉ yêu cầu một số lượng rất ít các DN lớn phải thực hiện theo mẫu báo cáo, sau đó mở rộng ra các DN cấp trung bình trong các năm tiếp theo. Việt Nam có thể lựa chọn thực thi EITI theo từng bước từng giai đoạn, phù hợp với năng lực của các DN.
“VCCI tin rằng bằng việc đưa ra quyết định này, Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa ra một thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về minh bạch, công khai, hiệu quả và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, trước hết trong lĩnh vực khai thác khoáng sản”, ông Lộc phát biểu.
Khảo sát trong 10 năm qua của VCCI cho thấy các DN khai khoáng chịu chi phí không chính thức cao (lên đến 73%), bị nhiều đoàn thanh, kiểm tra đến “thăm”. Vấn đề không minh bạch cũng đặt áp lực không chỉ cho DN mà cho chính cơ quan quản lý Nhà nước, tạo điều kiện cho môi trường tham nhũng, lợi thế “quen biết” hơn lợi thế công nghệ, vốn. EITI là một xu thế mà chính DN cũng mong muốn và mang lại tích cực cho cả ngành khai khoáng cũng như DN. Minh bạch hóa giúp tăng thu cho ngân sách Nhà nước thay vì Chính phủ phải tăng thuế suất. DN cũng ủng hộ việc gia nhập EITI. Rà soát của VCCI cho thấy, tham gia EITI không phát sinh gánh nặng lớn đối với cơ quan lập pháp, hành pháp. Còn đối với DN, đặc biệt là DN lớn là hợp lý. Người dân, các tổ chức xã hội hiện nay có vai trò giám sát bên cạnh Nhà nước và báo chí, do đó EITI cho phép họ tiếp cận thông tin và giảm gánh nặng cho Nhà nước. Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam |
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
